Văn hóa facebook

Cập nhật: 16-09-2014 | 07:56:07

Ra đời năm 2004, sau 10 năm, mạng xã hội facebook (FB) đã phát triển vượt bậc và thu hút được một lượng người dùng khổng lồ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Du nhập vào Việt Nam năm 2009, đến nay việc “chơi Phây” đã không còn xa lạ với giới học sinh - sinh viên (HS, SV) nói riêng và giới trẻ nói chung.

Theo xếp hạng của Alexa.com, FB là trang web hiện ở vị trí thứ hai, chỉ sau Google. Sự lên ngôi của mạng xã hội này thể hiện một sức hút mạnh mẽ của nó. Nếu biết tận dụng những lợi ích mà nó mang lại, FB sẽ có ảnh hưởng tích cực, tạo nhiều điều kiện thuận lợi giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Giới trẻ dùng FB để chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống, giữ liên lạc và nắm bắt được thông tin về cuộc sống đối với những người thân, bạn bè xa cách lâu ngày. Khi việc tìm kiếm bạn bè và kết thêm nhiều bạn mới, con người cũng trở nên gắn kết với nhau hơn, thậm chí là tạo cơ hội để gặp gỡ những người thân đã thất lạc tin tức.

Vào những lúc học hành căng thẳng, FB cũng cung cấp những trò chơi trực tuyến phục vụ sở thích đa dạng của người dùng. Đồng thời đây cũng là diễn đàn để mọi người cùng trao đổi thông tin về nhiều vấn đề trong xã hội, trong cuộc sống. Lời mời về sự kiện cũng được gửi đi nhanh chóng đến với nhiều người.

Trong chuyện học hành, nếu được tận dụng những chức năng thiết thực, FB cũng đem lại không ít lợi ích cho các bạn sinh viên. Nguyễn Thị Kim Phụng, sinh viên năm cuối trường ĐH Thủ Dầu Một (TP.Thủ Dầu Một), chia sẻ: “Nhờ FB mà tôi và các bạn tiết kiệm được một khoản chi phí kha khá thay vì gọi điện, nhắn tin. Những thông báo về thời khóa biểu, điểm số, bài tập… cũng được cập nhật nhanh chóng trên FB riêng của lớp. Đây cũng là nơi chúng tôi gửi và nhận các file bài tập bằng chức năng đính kèm tệp, giúp việc chỉnh sửa, trao đổi dễ dàng hơn”.

FB ra đời và nhận được sự hưởng ứng đông đảo của người sử dụng vì FB có tính xã hội kết nối con người với nhau vượt cả không gian và thời gian. Tuy nhiên, thay vì tiếp nhận và sử dụng tiện ích của phương tiện này, một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là HS, SV đang lạm dụng FB một cách vô thức hoặc có ý thức nhưng không mang tính văn hóa.

Ngôn ngữ “teen” của thời công nghệ thông tin, hay nói theo cách của giới trẻ là “chém gió” đang thịnh hành trên FB mà tính “năng động hóa” ngôn ngữ thì ít, mất sự trong sáng của tiếng Việt thì nhiều. Nhiều người dùng FB muốn thể hiện bản thân bằng ngôn ngữ thời thượng mà chỉ có teen mới hiểu khiến người đọc… đau đầu và choáng váng với ngôn ngữ đó, nào là GATO (ghen ăn tức ở), vãi đạn, pik (biết), mún (muốn)… Đáng quan tâm hơn, có người “mượn” FB để ca cẩm, nói xấu cơ quan, đồng nghiệp, bạn bè… Đây là hành vi kém văn hóa.

Con người tạo ra FB, chủ động sử dụng và sử dụng một cách thông minh còn FB tuy tốc độ kết nối, chia sẻ rất nhanh nhưng thật sự… thụ động. Người sử dụng FB hãy sử dụng sự khôn khéo của bản thân kết hợp với cái nhanh của FB để tận dụng tiện ích FB chứ đùng làm ngược lại. Từ đó cho thấy, sử dụng FB cũng là văn hóa, đòi hỏi người sử dụng cũng phải biết thể hiện bản lĩnh làm chủ bản thân.

 N.HƯƠNG - H.NHUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên