Bậc danh cầm của xứ sở phương Nam

Cập nhật: 27-03-2017 | 14:42:23

Là một trong những danh cầm kỳ cựu của âm nhạc tài tử - cải lương, dường như cả đời nhạc sĩ Hoàng Thành vẫn chưa trả hết “nợ dâu”. Bởi lẽ, từ tuổi thơ cho đến mái đầu đã bạc, cuộc đời ông luôn gắn liền với âm nhạc cổ truyền vùng đất phương Nam.

Sinh trưởng trong gia đình nghèo khó và không may sớm gặp bất hạnh. Năm 2 tuổi, cơn sốt bại liệt đã vô tình cướp đi đôi chân của cậu bé Lê Văn Thuận (tên thật của nhạc sĩ Hoàng Thành). Mặc dù ở cái tuổi còn thơ ngây, nhưng tâm hồn cậu bé Thuận đã biết đắm say tiếng đờn cổ nhạc, nhất là khi nghệ nhân Văn Bông ở gần nhà (phường Cây Sung, quận 7 cũ, nay là phường 14, quận 8, TP.Hồ Chí Minh) có nhã ý dạy đờn guitare phím lõm miễn phí cho cậu bé tật nguyền. Sau một thời gian thọ giáo thầy Văn Bông, ngón đờn của cậu bé kém may mắn ngày càng trau chuốt, điêu luyện. Thấy ngón đờn Lê Văn Thuận có triển vọng, nghệ nhân Văn Đặng - một thầy đờn có tiếng ngụ cùng xóm dạy thêm 6 bài bản thuộc hơi điệu Bắc; sau đó, nghệ nhân Minh Phụng ở Chánh Hưng, quận 8, TP.Hồ Chí Minh bồi bổ thêm 3 bài Nam. Nhờ sự truyền dạy tận tình của các thầy, hơn 10 tuổi, hầu hết những cuộc đờn ca tài tử (ĐCTT) ở vùng quận 8 - Chợ Lớn đều có mặt của Lê Văn Thuận. Trong một buổi đờn hát giao lưu, cậu bé có hoàn cảnh đáng thương được thầy đờn Bảy Tuất ở Xóm Đầm (quận 8, TP.Hồ Chí Minh) nhận làm đệ tử. Chẳng bao lâu, cậu bé đờn rành rọt 20 bài bản Tổ và các làn điệu, bài bản truyền thống khác của nhạc tài tử - cải lương. Năm 1963, nghệ nhân Bảy Tuất đưa “đệ tử ruột” vào đờn chính thức cho sân khấu cải lương chuyên nghiệp tại gánh hát Bình Minh của ông bầu Ba Cầu, khi đó nhạc sĩ Hoàng Thành chỉ mới 14 - 15 tuổi.

Tỏa sáng nhờ ngón đờn mùi mẫn

Khi bắt đầu dấn thân theo nghiệp đờn hát chuyên nghiệp, người nhạc sĩ sinh năm 1949 được một số đoàn cải lương tên tuổi lúc bấy giờ như: Sao Ngàn Phương của soạn giả Hoài Nhân, Tân Hoa Lan của sầu nữ Út Bạch Lan, Việt Nam của NSƯT Minh Vương…; cùng các hãng dĩa: Tân Thanh, Hồng Hoa, Quê Hương và Đài Phát thanh Sài Gòn chú ý lăng xê. Thời gian sau, soạn giả Xuân Phát giới thiệu ông đờn cho Công ty Kim Chung của ông bầu Long và đặt nghệ danh là Hoàng Thành.

 NS Hoàng Thanh (người thứ 2 từ trái sang) cùng ban nhạc tại Studio

Nổi bật nhất lúc này cũng là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Thành là lối rao đờn mùi mẫn, gợi nhiều xúc cảm khi đệm đàn cho nghệ sĩ Thành Được ca bài vọng cổ “Danh nghĩa với tiền tài” ở Hãng dĩa Tân Thanh và Đài Phát thanh Sài Gòn. Thời điểm này, nhiều người trong nghề nhận xét: Ngón đờn của nhạc sĩ Hoàng Thành rất ngọt ngào, mùi mẫn. Với lối đờn vỗ êm, truyền cảm, hầu hết các nghệ sĩ cải lương tài danh đều “chịu” ngón đờn của ông vì rất dễ ca và dễ nhập tâm. Sau năm 1975, danh tiếng nhạc sĩ Hoàng Thành càng rực sáng hơn khi làm trưởng ban nhạc cho Đoàn cải lương tập thể Sài Gòn 2 và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được giới mộ điệu yêu mến tài năng qua các vở tuồng: Tìm lại cuộc đời, Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn Hào Hoa…

Cha đẻ dây đờn Mỹ Châu và điệu Lý Mỹ Trà

Những năm cuối thập niên 1970, lúc tập vở “Tìm lại cuộc đời” do bộ ba tác giả Huy Lam- Hoàng Khâm - Điêu Huyền viết kịch bản, vì muốn giữ giọng cho ngày phúc khảo, NSƯT Mỹ Châu (đóng vai Lan) nhờ nhạc sĩ Hoàng Thành hạ thấp dây đờn xuống một cung (tức một quãng 8). Để thuận tiện cho việc khỏi phải chỉnh dây lên xuống mỗi khi NSƯT Mỹ Châu ca chung với NSƯT Thanh Tuấn (đóng vai đại úy Huy Bình), nhạc sĩ Hoàng Thành đã nghiên cứu lấy thanh gỗ chặn dây đờn để nhấn nhá chữ đờn từ “hò - đô” lên “hò - la” hợp với chất giọng của hai nghệ sĩ danh tiếng này mà không cần phải chỉnh dây lên xuống. Không ngờ, sáng tạo của nhạc sĩ Hoàng Thành lại thành công. Đêm phúc khảo vở diễn, với giọng ca trầm buồn của NSƯT Mỹ Châu cùng tiếng đờn mùi mẫn với kiểu dây đờn vừa được nhạc sĩ Hoàng Thành sáng tạo, khiến các nghệ sĩ đoàn Sài Gòn 2 và người ái mộ yêu thích. Kể từ đó, cổ nhạc miền Nam có thêm kiểu dây đờn mới gọi là dây Mỹ Châu. Ngoài thang âm cổ nhạc vừa kể trên, nhạc sĩ Hoàng Thành còn đóng góp cho âm nhạc cổ truyền Nam bộ điệu Lý Mỹ Trà mà sau này nó được sử dụng khá nhiều trong các bài ca vọng cổ và nhiều vở diễn cải lương. “Thập niên 1980, trong buổi ghi hình một vở cải lương (tôi quên mất tựa) tại Hãng phim Tây Đô, thuộc VTV Cần Thơ, NSƯT Mỹ Châu có nói với tôi, lúc đi hát ở vùng Mỹ Trà, tỉnh Đồng Tháp, khi ở nhà dân, cô có nghe người chủ nhà hát ru con một điệu hát rất hay. Dựa theo cách xướng âm bằng miệng của Mỹ Châu, tôi ký âm và bổ sung thêm chữ nhạc thành điệu Lý Mỹ Trà được phổ biến rộng rãi trong âm nhạc tài tử - cải lương”, nhạc sĩ Hoàng Thành kể lại.

Tác giả cổ nhạc được nhiều người mến mộ

Thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Hoàng Thành bắt đầu cầm bút biên soạn lời ca vọng cổ và kịch bản cải lương. Phong cách sử dụng ngôn từ của ông không khác gì phong cách diễn tấu guitare phím lõm, luôn nhẹ nhàng, tình cảm. Nhạc là văn, nhân cũng là văn, vần điệu suôn sẻ, ngôn từ mộc mạc, dạt dào cảm xúc và đậm chất trữ tình. Tính đến nay, nhạc sĩ Hoàng Thành đã biên soạn gần 100 bài vọng cổ và hàng chục vở tuồng cải lương được nhiều người mến mộ.

Gần trọn một đời với nghiệp Tổ, tuổi đã lục tuần mà ngón đờn của nhạc sĩ Hoàng Thành còn khá phong độ. Vẫn lối rao đờn mùi mẫn và vỗ êm như thuở nào, nhưng trải qua nhiều năm tháng, ngón đờn của ông càng sâu lắng và điệu nghệ hơn. Vẫn tiếng đờn ấy, mấy thập niên qua, giới mộ điệu không cảm thấy xa lạ mỗi khi ông xuất hiện trong các chương trình: Vầng trăng cổ nhạc, Đêm biển hẹn, Nghệ sĩ và tri âm, Chuông vàng vọng cổ, Ngân mãi chuông vàng... Hiện tại, ngoài cộng tác viên thường trực cho Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh (HTV); hàng ngày, nhạc sĩ Hoàng Thành vẫn đắt show, vẫn “tay viết tay đờn”, vẫn góp tiếng đờn của mình cho lời ca thêm mượt mà, sâu lắng, tô đậm thêm cho nhiều nghệ sĩ gặt hái thành công và để lại trong lòng công chúng bao niềm ái mộ.

 Thạc sĩ PHẠM THÁI BÌNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên