Văn hóa Việt Nam - Di sản ngàn đời…

Cập nhật: 22-11-2017 | 08:06:19

72 năm trước, ngày 23-11- 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm bủa vây, nhưng với tầm nhìn của một lãnh tụ vĩ đại, một nhà văn hóa lỗi lạc, Hồ Chủ tịch đã nhận chân tầm vóc, giá trị vĩnh hằng của văn hóa dân tộc đối với sự nghiệp cách mạng, độc lập của nước nhà. 

Sắc lệnh gồm các nội dung cơ bản như khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam, có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn, cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn…”.

Nêu ra một vài nội dung cơ bản của Sắc lệnh do Hồ Chủ tịch ký ban hành 72 năm trước để thấy rằng, công việc bảo tồn cổ tích mà ngày nay chúng ta thường nói đến chính là bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của dân tộc. Tiếp nối tư tưởng bảo tồn văn hóa dân tộc mà Người đã vạch ra, dù trong chiến tranh hay hòa bình, Đảng, Chính phủ luôn coi trọng việc bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam thích ứng với tiến trình đi lên của đất nước.

Bản sắc văn hóa dân tộc là di sản ngàn đời của cha ông để lại. Một đất nước với 54 dân tộc anh em chung dải đất hình chữ S chứa đựng một nền văn hóa đa sắc, giàu sức sống. Nền văn hóa đó, di sản đó thăng hoa theo thời gian, tác động tích cực đến cuộc sống, kinh tế - xã hội của đất nước. Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc như tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã nêu rõ cũng chính là thêm một lần chỉ ra tầm quan trọng của di sản văn hóa của đất nước trong thời đại hôm nay.

Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc chính là bảo tồn “hồn cốt” văn hóa Việt Nam qua bao đời gầy dựng. Thông qua công tác này chính là giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, xây dựng lòng tự tôn, tự hào về truyền thống nước Việt ngàn năm văn hiến cho thế hệ hôm nay và mai sau. Người Việt tự hào về nền văn hóa Việt chính là vậy!

TRIỆU PHONG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên