Vay mua hàng trả góp: Coi chừng bị hớ!

Cập nhật: 25-08-2012 | 00:00:00

Trong thời điểm vật giá leo thang, vay trả góp chính là phương án thanh toán linh hoạt nhiều người tìm đến khi có nhu cầu mua xe máy, máy tính, điện thoại... Tuy nhiên, cũng cần phải cẩn trọng khi lựa chọn hình thức vay mua này.  Người tiêu dùng cần cân nhắc trước khi vay mua hàng từ dịch vụ trả góp

Thanh toán linh hoạt hơn

Không thể phủ nhận rằng vay mua trả góp đang trở thành “mốt” trên thị trường bán lẻ bởi ngày càng nhiều công ty tài chính có mặt tại Bình Dương như PPF, ACS, VP Bank... Chính những công ty sẵn sàng cho vay mua trả góp bằng nhiều thủ tục thông thoáng, lãi suất ưu đãi... đã trở thành trợ thủ đắc lực cho người tiêu dùng trong thời buổi “bão” giá. Nếu như trước kia, mua trả góp vẫn là một khái niệm khá xa lạ, thậm chí là có nhiều ấn tượng... không tốt đẹp thì giờ đây đi bất kỳ một trung tâm mua sắm nào tại Bình Dương cũng đều gặp nhân viên tư vấn trả góp của các tổ chức tài chính để được tư vấn hỗ trợ giá tốt nhất.

Theo một nhân viên kinh doanh có kinh nghiệm nhiều năm cho vay mua trả góp thì Bình Dương luôn là thị trường béo bở nhất các tỉnh miền Đông Nam bộ. “Doanh số tại Bình Dương luôn cao ngất ngưởng và dẫn đầu so với các tỉnh còn lại trong khu vực. Bởi tại đây, số lượng người nhập cư, người có nhu cầu mua sắm trả góp là rất lớn” - nhân viên này cho biết thêm. Có thể dễ dàng nhận ra điều này khi “cơn bão” trả góp ngày càng xuất hiện rầm rộ hơn tại Bình Dương. Tại Trung tâm điện máy Trung Thảo, tấm biển trả góp với lãi suất ưu đãi được treo cao nhằm thu hút người tiêu dùng. Còn tại các cửa hàng mua bán xe máy, cho vay mua trả góp trở thành ưu đãi không thể thiếu đối với khách hàng. Rõ ràng, cho vay mua trả góp cũng góp phần kích thích nhu cầu mua sắm các mặt hàng tiêu dùng.

Bạn Nguyễn Phương Thủy, sinh viên trường Đại học Bình Dương cho biết: “Dù có nhu cầu mua máy tính để học tập nhưng không đủ số tiền lớn để mua nên tôi phải đi hỏi nhiều chỗ mới quyết định mua trả góp một máy tính Acer Core i5 giá 11,4 triệu đồng, được giảm giá 10%, chỉ trả trước 2 triệu đồng. Số còn lại được trả dần sau 12 tháng. Tính ra, mỗi tháng tôi chỉ phải trả góp 674 ngàn đồng. Như thế là quá tiện lợi!”.

Ông Đỗ Ngọc Chính, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng thuộc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khuyến cáo: “Thanh toán bằng hình thức trả góp là lựa chọn mới cho hình thức tiêu dùng hiện đại. Hình thức này giúp chúng ta có thể thỏa mãn nhu cầu và vẫn cân đối được khoản tiền tích lũy cho các chi tiêu cần thiết khác. Thế nhưng, trước khi mua hàng trả góp, người tiêu dùng cần tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp hoặc khi làm hợp đồng phải yêu cầu nơi bán ghi rõ mức lãi suất và chúng được tính trên cơ sở nào. Đồng thời, cố gắng tránh trường hợp nộp tiền chậm so với thời gian quy định để khỏi phải bị phạt...”.

Tránh “dính đòn” từ trả góp

Mới đây, chúng tôi nhận được lời than phiền của chị Nguyễn Thị T., là công nhân của một công ty điện tử tại Bình Dương. Tháng 1-2012, chị quyết định mua một chiếc xe Nouvo SX giá 37 triệu đồng, trả trước 18 triệu đồng, số còn lại chị thanh toán theo phương thức trả góp mỗi tháng 1,492 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 7 tháng thanh toán (10 triệu đồng), chị muốn trả hết nợ để lấy giấy tờ xe thì phát hiện nợ vẫn... còn nguyên. Cụ thể, số tiền này là 19,3 triệu đồng. Theo phía công ty cho vay tài chính trả nợ góp, sở dĩ có con số “đắng chát” này là vì lãi suất mà chị đã thỏa thuận lên đến 4,82%/tháng. Nếu tính theo dư nợ giảm dần thì lãi suất của khoản vay trả góp kể trên là 58% mỗi năm. Như vậy, nếu góp đủ số tiền đến cuối kỳ thì chị phải trả khoảng 35 triệu đồng. Trong trường hợp này, chị T. đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nên bị “phạt” lãi suất theo quy định là hoàn toàn hợp lý. 

Những trường hợp “vung tay quá trán” với hàng trả góp như chị T. kể trên không phải là hiếm. Tuy nhiên, lãi suất chưa phải đã là “cái bẫy” nguy hiểm nhất đối với họ mà đôi khi chính giá cả sản phẩm ban đầu cũng là một rào cản quá lớn. Trên thực tế, theo khảo sát của chúng tôi ở hơn 10 điểm bán hàng trả góp tại Bình Dương, thì các mặt hàng bán ra đều cao hơn so với giá bán lẻ nếu thanh toán hết một lần. Chị Linh ở TP.Thủ Dầu Một bức xúc: “Đợt vừa rồi, tôi mua một chiếc tivi Sharp trả góp giá 5,7 triệu đồng. Nhưng sau đó đọc báo Bình Dương thấy Siêu thị điện máy Thiên Hòa bán tivi tương tự với giá chỉ 4,9 triệu đồng. Khi đem thắc mắc này đến nhân viên tư vấn thì họ bảo phải cộng thêm phí lắp đặt, phí tư vấn trả góp...”.

Thường thì sau một thời gian “thấm đòn” lãi suất, bức xúc về số tiền quá cao mình phải bỏ ra mua hàng, nhiều người cố gom tiền để trả một lần cho dứt nợ. Vậy nhưng, đến lúc này họ mới sững sờ khi biết có trả sớm thì hàng mua lại đắt hơn. Bởi theo quy định của các công ty tài chính, nếu thanh toán trước hạn thì khách phải trả phí quản lý 4% trên nợ gốc còn lại. Với mua góp tại nhà cũng không hơn, nếu khách hàng nợ tiền góp sẽ bị thu hồi sản phẩm. Và số tiền đã góp coi như mất do phải trả tiền thuế VAT, tiền khấu hao, tiền lắp đặt...

Như vậy, dù vay mua trả góp là một phương án thanh toán linh hoạt dành cho người có nhu cầu vay mua tiêu dùng nhưng khách hàng cũng cần cẩn trọng với các điều khoản trong hợp đồng và cân nhắc kỹ với mặt hàng cần mua, tránh tình trạng phải trả lãi suất quá cao mà lại bị mua trúng hàng hớ, hàng kém chất lượng.

Gánh nặng trả góp “đè cổ” người nghèo

Đó là cảm quan chung của chúng tôi khi tham khảo và thực hiện chuyên trang này. Trả góp, không ai khác ngoài người nghèo, người có thu nhập thấp mới nghĩ tới việc gom góp từng đồng để mua những chiếc xe máy, vật dụng gia đình... để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của mình. Dường như nắm bắt được tâm lý của người nghèo, các công ty tài chính tung ra hàng loạt “ưu đãi” hấp dẫn như: lãi suất 0%, chỉ phải trả 20% giá mỗi sản phẩm, thủ tục đơn giản... Tuy nhiên, đó lại chính là những cái bẫy tài chính “chết người” khiến cho nhiều người nghèo phải lao đao.

Cầm trên tay tờ giấy nội dung trả lời từ công ty tài chính giải đáp thắc mắc việc trả nợ với lãi suất quá cao, anh Nguyễn Văn Quế, ngụ tại Bình Chuẩn, Thuận An chỉ biết lắc đầu ngao ngán: “Hồi mua xe, nhân viên tư vấn đâu có nói đến những chuyện như lãi suất phạt, tiền bảo hiểm khoản vay nên mình đâu có ngờ phải trả cao như vậy”. Anh vừa vay mua trả góp chiếc xe máy hiệu Luvias của Yamaha. Giá xe từ 24 triệu đồng, trả trước 10 triệu đồng, còn lại 17 triệu đồng và trả lãi thêm 7 triệu đồng. Đó chưa kể là khi có nhu cầu trả trước, con số 7 triệu đồng tiền lãi sẽ đội lên với giá rất cao.

Trường hợp anh Quế không phải là hiếm! Với những câu chào mời: “Mua hàng trả góp, lãi suất 0%” thì thực tế đó là một cái bẫy chết người. Khi mua, khách sẽ phải chịu một mức lãi suất rất cao và giá trị thực tế của sản phẩm đội lên rất nhiều so với giá thị trường. Nhiều người nghèo sẽ phải trả giá cho sự cả tin đến mức ngây thơ của mình.

Không thể phủ nhận những tiện ích của trả góp: phương thức thanh toán linh hoạt. Nhưng đằng sau sự linh hoạt và tiện ích nhỏ nhoi ấy, chính là một gánh nặng tài chính không hề nhỏ. Bởi vậy, người tiêu dùng cần phải cẩn trọng với phương thức mua hàng trả góp.

MINH NGUYỄN

KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên