Về Bàu Gốc, ôn lại truyền thống hào hùng

Cập nhật: 25-04-2015 | 09:04:02

Ngày 26-4, Công an Bình Dương sẽ tổ chức họp mặt truyền thống tại khu căn cứ Bàu Gốc (thuộc xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên). Đây là địa danh thân thiết, thiêng liêng, gắn với lịch sử cách mạng của Chiến khu Đ nói chung và của lực lượng Công an Bình Dương nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lịch sử oai hùng

Ngày 16-10-1967, toàn bộ Ban An ninh tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) rời vùng đất bắc Bến Cát chuyển sang Ban An ninh tỉnh Phước Thành, hợp nhất các đơn vị thành Ban An ninh Phân khu 5 (gồm 2 tỉnh Thủ Dầu Một, Phước Thành và một phần của Biên Hòa, Chợ Lớn) và chọn rừng Bàu Gốc làm căn cứ để phát triển lực lượng và tham gia chiến dịch. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968, địch phản công quyết liệt, căn cứ Bàu Gốc bị đánh phá liên tục, cơ quan phải nhiều lần di chuyển từ Bàu Gốc lên bờ nam, bờ bắc sông Bé, lên tận vùng rừng Mã Đà, Bàu Cháp của Chiến khu Đ.

Đại biểu thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại căn cứ Bàu Gốc, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: PX15

Tháng 11-1972, khi có quyết định giải thể phân khu, thành lập lại tỉnh, Ban An ninh Phân khu 5 trở thành Ban An ninh tỉnh Thủ Dầu Một. Tháng 12-1974, Ban An ninh tỉnh chuyển về vùng rừng Bàu Gốc của xã Bình Mỹ xây dựng lại căn cứ kháng chiến. Tại căn cứ này, Ban An ninh tỉnh tập trung xây dựng và phát triển lực lượng, mở nhiều cuộc họp tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 13-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một thành lập Ban chỉ đạo tiền phương và phân công Ban An ninh tỉnh chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng tại thị xã như: Tòa hành chính, Tòa án, Khám đường, Nhà việc Phú Cường và Ty Cảnh sát Bình Dương. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, từ ngày 20-4 đến 26-4- 1975, tại căn cứ Bàu Gốc, Ban An ninh tỉnh mở nhiều cuộc họp nhằm chuẩn bị lực lượng, phương tiện tham gia chiến dịch. Ban An ninh đã tiến hành lập tiểu ban tiếp quản và xây dựng kế hoạch tấn công chiếm tỉnh lỵ bằng 3 mũi giáp công. Rạng sáng 27-4-1975, 3 mũi tiến công của ta đồng loạt tiến thẳng vào các mục tiêu đã định, góp phần giải phóng tỉnh nhà vào ngày 30-4-1975...

Bàu Gốc hôm nay

Kể từ đó, khu căn cứ Bàu Gốc được xem là “địa chỉ đỏ” gắn với lịch sử phát triển của Công an Bình Dương. Để khu căn cứ trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và cán bộ, chiến sĩ công an, Công an tỉnh đã vận động xây dựng nơi đây một khu tưởng niệm. Ngày 28-8-2014, Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã tổ chức khánh thành khu tưởng niệm căn cứ Bàu Gốc, thuộc xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Đây là công trình tiến tới chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chào mừng 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19.8.1945 - 19.8.2015).

Tại buổi khánh thành khu tưởng niệm, đại tá Mai Công Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã cảm ơn các tập thể, cá nhân nhiệt tình hỗ trợ Công an tỉnh trong quá trình xây dựng khu tưởng niệm. Tại buổi lễ, các đại biểu đã được nghe đại tá Mai Công Danh ôn lại truyền thống đầy hào hùng và oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ an ninh tại khu căn cứ Bàu Gốc ngày ấy. Trong cảnh đói cơm, lạt muối, bệnh tật hành hạ nhưng tất cả vẫn một lòng sắt son với cách mạng, anh dũng chiến đấu, góp phần thắng lợi chung cho ngày đại thắng. Tại vùng căn cứ này, nhiều chiến sĩ an ninh năm xưa chiến đấu tới giây phút cuối cùng và trở về với đất mẹ. Sự hy sinh mất mát này là không gì bù đắp được nhưng cũng là niềm vinh dự, tự hào của lực lượng Công an Bình Dương, thể hiện truyền thống vì nước, vì dân quên thân phục vụ.

Nay, trở về với căn cứ Bàu Gốc, hình ảnh đầu tiên mà nhiều người cảm nhận được là sự thay đổi của một vùng đất. Đồng chí Trần Thị Hường, một cán bộ cách mạng lão thành, cho rằng đối với thế hệ trẻ hôm nay, bên cạnh nhiệm vụ chính trị được giao, công tác tổng kết lịch sử, ghi lại các chiến tích là trách nhiệm cao cả của thế hệ hôm nay và mai sau đối với người đi trước. Chính vì thế, việc ra đời của khu tưởng niệm căn cứ Bàu Gốc từ lâu đã trở thành “địa chỉ đỏ” có một ý nghĩa giáo dục đầy thiết thực và bổ ích đối với thế hệ trẻ tỉnh Bình Dương nói chung và tuổi trẻ Công an tỉnh nói riêng.

Trong khi đó, theo đồng chí Lê Hà Thanh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh thì việc xây dựng công trình khu tưởng niệm căn cứ Bàu Gốc nhằm góp phần giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc; đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh của quân và dân ta. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trẻ…

P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên