KỶ NIỆM 67 NĂM CHIẾN THẮNG THÁP CANH CẦU BÀ KIÊN (19.3.1948 - 19.3.2015) VÀ 48 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI ĐẶC CÔNG VIỆT NAM (19.3.1967 - 19.3.2015)

Về thăm vùng đất anh hùng

Cập nhật: 19-03-2015 | 08:17:26

Ngày này cách đây 67 năm, trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên (nay thuộc phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên) đầy táo bạo của du kích Tân Uyên do đồng chí Trần Công An chỉ huy đã mở ra cách đánh công đồn mới, tạo tiền đề cho sự ra đời của Binh chủng Đặc công sau này. Chiến thắng trong trận đánh đã làm phong phú thêm nghệ thuật chiến tranh của Quân đội nhân dân Việt Nam, xây đắp nên truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của quê hương Thạnh Phước và vùng Chiến khu Đ anh hùng…

 Tượng đài chiến thắng cầu Bà Kiên ở khu phố Dư Khánh, phường Thạnh Phước (TX.Tân Uyên) Ảnh: K.TUYẾN

 Trong kháng chiến, phường Thạnh Phước vốn là một vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ phía nam của vùng Chiến khu Đ. Tự hào với truyền thống lịch sử, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã đoàn kết, đồng lòng xây dựng nên diện mạo mới cho vùng đất anh hùng năm xưa. Về Thạnh Phước trong một ngày giữa tháng 3, chúng tôi nhận thấy sự nhộn nhịp của một vùng đất đang từng ngày khoác lên chiếc áo công nghiệp hóa, đô thị hóa với những cảng sông, công ty, xí nghiệp, khu tái định cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, điện, đường, trường học khang trang và bát ngát đồng xanh hoa màu trù phú… Hòa cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Thạnh Phước hôm nay đã và đang đổi thay, khởi sắc từng ngày.

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ phường, Thạnh Phước đã có sự phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ với nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 682 tỷ đồng, tăng 576 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước; giá trị thương mại dịch vụ đạt 326 tỷ đồng, tăng 263 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 124 tỷ đồng tăng 73 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước. Hàng năm, công tác giảm nghèo đều đạt chỉ tiêu cấp trên giao và đạt so với nghị quyết nhiệm kỳ; riêng năm 2014, phường đã giảm được 7/20 hộ nghèo, đạt 30% chỉ tiêu.

Bà Lê Thị Út, Bí thư Đảng ủy phường Thạnh Phước cho biết: “Trên địa bàn phường hiện có 56 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương và hơn 2.500 lao động từ nơi khác đến sinh sống lập nghiệp. Các công trình xây dựng cơ bản, đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng được đầu tư để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng - kỹ thuật cho địa phương hòa nhịp phát triển. Đồng thời, phường cũng tập trung thực hiện công tác quy hoạch để đẩy mạnh phát triển đô thị trong thời gian tới. Trên lĩnh vực nông nghiệp, cấp ủy đã chỉ đạo chính quyền, đoàn thể chú trọng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, hiệu quả kinh tế cao”. Cũng theo bà Út, phát huy truyền thống anh hùng, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tình hình kinh tế - xã hội của phường Thạnh Phước ngày càng phát triển. Sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ được duy trì và tăng hàng năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Về Thạnh Phước hôm nay, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể, nhiều người dân đã xây dựng thành công các mô hình kinh tế hiệu quả. Từ mô hình bán, cho thuê, chăm sóc cây mai, gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, khu phố Dư Khánh, đã vươn lên khá giả. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và được tham gia lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân phường tổ chức, ông Thanh đã được trang bị các kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển vườn mai mang lại thu nhập trung bình hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Trên mảnh đất anh hùng Thạnh Phước hiện nay còn xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, giúp cải thiện cuộc sống cho người nông dân như trồng hoa lan, nuôi bồ câu, nuôi bò sinh sản, sản xuất rau an toàn… Ông Nguyễn Văn Báo, người dân ở khu phố Cây Da chia sẻ: “Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ trong việc nuôi bò sinh sản, hiện nay cuộc sống gia đình đã rất ổn định. Chúng tôi rất vui mừng trước bộ mặt mới của địa phương…”.

Tại khu phố Dư Khánh, chúng tôi tự hào ngắm nhìn tượng đài lịch sử chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên hiên ngang trong nắng sớm và được nghe người dân ở đây kể lại thời khắc đã làm nên chiến công vang dội của những người chiến sĩ, người con quê hương Thạnh Phước. Điều đó cho thấy, dù đã trải qua 67 năm nhưng âm hưởng hào hùng của trận đánh năm xưa vẫn được lưu truyền trong người dân nơi đây, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tự hào về truyền thống cách mạng, trong thời kỳ đổi mới người dân địa phương đã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Trưởng khu phố Dư Khánh, cho biết thực hiện chương trình xây dựng đô thị của phường giai đoạn 2011-2015, Ban điều hành khu phố đã vận động nhân dân và nhà hảo tâm tham gia chương trình thông qua việc ủng hộ, đóng góp kinh phí để thực hiện nâng cấp sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn. Kết quả trong năm 2014, khu phố đã thực hiện được 2 tuyến đường với tổng chiều dài 1.701m; trong đó kinh phí vận động từ người dân hơn 108 triệu đồng. Ngoài ra, Ban điều hành còn vận động các chủ nhà trọ và 213 hộ đăng ký xử lý rác thải sinh hoạt theo đúng nơi quy định. Thực hiện phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, Chi hội Cựu chiến binh và Chi hội Phụ nữ khu phố còn tổ chức các hình thức xoay vòng vốn, giúp hội viên khó khăn có điều kiện để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Theo bà Lê Thị Út, Bí thư Đảng ủy phường Thanh Phước, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội do Đảng bộ đề ra được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phường triển khai, vận động quần chúng kịp thời, nhân dân đều đồng tình hưởng ứng. Cùng với truyền thống anh dũng, sự đồng thuận của người dân chính là điều kiện tiên quyết để phường đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bắt nhịp cùng với tốc độ phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

 Đêm 18 rạng ngày 19-3-1948, đồng chí Trần Công An cùng 2 đồng đội là Trần Văn Đông và Hồ Văn Lung bí mật tiếp cận địch ở tháp canh cầu Bà Kiên (thuộc phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên). Cả tổ 3 người, lợi dụng bóng đêm đã vượt qua hàng rào kẽm gai và dùng thang cây tre (mượn của bà Nguyễn Thị Tỵ, nhà ở gần cầu Bà Kiên) áp sát vào tường để leo lên, ném lựu đạn vào nơi lính Pháp đang ngủ. Quá bất ngờ trước sự tấn công táo bạo của ta, cả 10 tên địch tại đây đều bị tiêu diệt gọn, ta thu về 8 khẩu súng… Có thể nói, trận đánh đầu tiên vào tháp canh cầu Bà Kiên là một bước ngoặt cho cách đánh mới trên chiến trường lúc bấy giờ, thể hiện ý chí quyết tâm, gan dạ của du kích Tân Uyên, tinh thần sáng tạo tiêu diệt địch chỉ bằng vũ khí thô sơ, đặc biệt là thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa quân và dân địa phương trong việc chuẩn bị trận đánh.

Cách đánh táo bạo, bất ngờ, sử dụng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, lấy ít đánh nhiều, tiếp cận địch sát sườn của đội du kích đánh tháp canh cầu Bà Kiên đã góp phần mở ra một khả năng mới đánh địch trong vị trí cố thủ vũng chắc. Từ thực tế đánh tháp canh, Việt Minh đúc kết được kinh nghiệm thực tiễn, làm tiền đề cho chiến thuật đặc công ra đời. Ngày 19-3-1967, Binh chủng Đặc công được thành lập. Với những chiến công vang dội, Binh chủng Đặc công đã được Bác Hồ tặng 4 câu thơ: Đặc biệt tinh nhuệ/ Anh dũng tuyệt vời/ Mưu trí táo bạo/ Đánh hiểm thắng lớn.

 K.TUYẾN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên