Về với nhân dân...

Cập nhật: 21-06-2019 | 09:06:49

Tôi xin mượn những câu thơ trong bài “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên như một lời mở đầu cho câu chuyện nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2019):“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ/Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa/Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa/Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa...”...


Các đại biểu tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2019) do Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương tổ chức sáng 20-6.
Ảnh: QUỐC CHIẾN

Bài học không bao giờ cũ

Với những người làm báo, có những bài học không bao giờ cũ, đó là bài học: Viết cho ai (?), viết để làm gì (?), rồi sau đó mới viết như thế nào (?). Tôi luôn ghi nhớ những bài học này từ lúc còn là một sinh viên của Khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khi được tìm hiểu về lịch sử báo chí và báo chí cách mạng Việt Nam. Lênin đã từng nói: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”. “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”.

Đó cũng là lý do vì sao cuối năm 1924, khi về đến Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bắt tay ngay vào việc chuẩn bị xuất bản một tờ báo chính trị và số đầu tiên của tờ Thanh Niên, cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được xuất bản ngày 21-6-1925, mở ra một dòng báo chí mới - Báo chí cách mạng Việt Nam. Rồi “các số báo Thanh Niên được thực hiện, nhân ra trên những bản bằng giấy sáp, chuyển bí mật về nước”... Ở trong nước, tờ báo Thanh Niên được các cơ sở cách mạng chép tay thành nhiều bản rồi cán bộ cách mạng chuyền tay đọc và truyền đạt tới nhân dân...


Nhà báo Đình Hậu
(trái), phóng viên Báo Bình Dương trong một lần về cơ sở tác nghiệp. Ảnh: THÀNH SƠN

Đó là bài học đầu tiên khi tôi mới bước chân vào giảng đường đại học với tư cách là một sinh viên báo chí. Rồi sau đó, những người học viết báo, làm báo như tôi, trải qua năm tháng rèn luyện, trưởng thành, ngày càng thấm nhuần hơn về lời dạy của Bác đối với người làm báo. Bởi với tư cách là người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, cùng ngòi bút sắc sảo, sự nghiệp báo chí của Người đã góp phần quan trọng làm nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam trong một thời kỳ oanh liệt và hào hùng của dân tộc (trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký với gần 200 bút danh).

Người đã để lại cho các thế hệ nhà báo nhiều bài học lớn về nghề báo, trong đó có cách viết, cách nói. Cùng với sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Người còn để lại những tác phẩm văn học kinh điển nhưng Người chưa từng nhận mình là nhà thơ, nhà văn, riêng với tư cách một nhà báo thì: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi là nhà tuyên truyền tôi cũng không tranh cãi, nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất”. Dẫn chứng này được trích trong cuốn “Sự nghiệp báo chí và văn học của Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Giáo Dục phát hành mà tác giả là Giáo sư Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng là người thầy tôi vinh dự được sự dìu dắt khi mới chập chững bước chân vào giảng đường với những bài học lôi cuốn đến say mê mà các thế hệ sinh viên sau này muốn cũng không chắc đã có được!

Ngày 8-9-1962, tại buổi nói chuyện ở Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8-9-1962), Bác nói: “Bây giờ Bác lấy tư cách một đồng chí ít nhiều có kinh nghiệm về báo chí, nêu vài ý kiến sau đây: Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của báo chí đòi hỏi người làm báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, không ngại gian khó, hy sinh (kể cả hy sinh tính mạng), vì nhân dân phục vụ. “Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng, chứ không phải làm báo để lưu danh thiên cổ, muốn viết cho ai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn” (Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Sự thật, 2011).

Theo Người: Muốn viết báo khá thì cần: Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm... Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người xem và hỏi những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. Luôn luôn học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ...

“Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”

Trong suốt gần 20 năm theo nghiệp viết báo với bản thân tôi và có lẽ là với nhiều đồng nghiệp nữa, đôi khi cũng không tránh khỏi “chút xao lòng”! Đó là khi cuộc sống “cơm áo không đùa với khách thơ”, nhuận bút và thu nhập của người làm báo chưa bảo đảm tốt cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày...; đó là khi “đói ăn vụng, túng làm liều”... Trên thực tế, đã có không ít những nhà báo vì động cơ cá nhân, vì “lợi ích nhóm” đã không còn giữ được bản chất và lý tưởng cách mạng của người làm báo, rồi phải trả giá... Mặt khác, sự xa rời lý tưởng và bản chất của báo chí cách mạng không chỉ thể hiện ở những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật đã được phản ánh thời gian qua. Đó còn là xu hướng “câu view”, “câu like”, “đặt tít tựa đánh lừa độc giả”, “đầu voi, đuôi chuột”, đưa tin theo thị hiếu tầm thường mà buông bỏ vai trò định hướng dư luận, chạy đua theo mạng xã hội...

Một thông điệp mới nhất mà tôi rất tâm đắc, trong cuộc họp mặt với báo chí nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh có nói: “Chưa bao giờ những người làm báo có điều kiện đóng góp cho sự phát triển như hiện nay, nhưng cũng có nhiều thách thức lớn đối với người làm báo chân chính”. Người làm báo phải tiếp tục tự hào, tự tin và tự vấn mình đã làm hết sức để đất nước phát triển hay chưa? Báo chí phải phát huy sáng tạo trong nhân dân, thúc đẩy chính quyền làm tốt hơn công việc của mình...

Và hôm qua (20-6), tại buổi họp mặt kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam do Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương tổ chức, ông Lê Hữu Phước, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng khẳng định: Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã phát huy vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh những cách làm, mô hình hay, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Các cơ quan báo chí, người làm báo tiếp tục phải đi đầu trong công tác tuyên truyền, đóng góp vào sự phát triển chung của Bình Dương...

Tôi nghĩ những lời nhắn nhủ và gửi gắm trên thật ra cũng chính là trách nhiệm tự thân của báo chí và những người làm báo. Và, bài học: “Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào?” sẽ luôn còn nguyên giá trị thời sự.

Vậy thì: “Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ/Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa/Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa/Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa...”. Tôi tin chắc rằng, khi về với nhân dân, những người làm báo, trong đó có tôi, sẽ tìm thấy chính mình, để từ đó khơi nguồn cho sự sáng tạo, tiếp tục yêu nghề, dấn thân với nghề và vượt qua mọi sự cám dỗ, “đấu tranh với quỷ dữ, vươn lên bằng đôi cánh của thiên thần”...

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên