Vì đâu Nga làm Ấn Độ “bẽ mặt”?

Cập nhật: 09-06-2011 | 00:00:00

Nga gần đây đã bất ngờ rút ra khỏi hai cuộc tập trận quan trọng với Ấn Độ mặc cho Ấn Độ đã tốn công tốn sức đưa một loạt tàu chiến đi một quãng đường dài hàng nghìn km đến Vladivostok. Trong khi báo chí Ấn Độ sôi sùng sục vì hành động làm họ “bẽ mặt” này thì chính phủ Ấn Độ lại tìm cách giảm nhẹ tính nghiêm trọng của vấn đề. New Delhi biết rõ, dù thế nào, Nga vẫn là đối tác đáng tin cậy nhất của Ấn Độ trong lĩnh vực vũ khí.

Quan hệ Nga-Ấn bị tổn thương

Ấn Độ và Nga vốn có mối quan hệ quốc phòng lâu đời và bền chặt. Ấn Độ là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga. Tuy nhiên, mối quan hệ gắn bó này gần đây đã vấp phải sóng gió khi Nga đột ngột hoãn hai cuộc tập trận song phương quan trọng với Ấn Độ, trong đó có một cuộc tập trận hải quân và một cuộc tập trận lục quân.

 Lãnh đạo hai nước Nga- Ấn Độ trong một cuộc gặp gần đây.

Theo tin từ báo chí Ấn Độ cho biết, cuối tháng trước, Nga đã đột ngột hoãn một cuộc tập trận với Hải quân Ấn Độ. Sự trì hoãn này sẽ không có gì đáng nói nếu như không có chuyện một loạt tàu chiến của Ấn Độ gồm các tàu khu trục gắn tên lửa dẫn đường như INS Delhi, INS Ranvir và INS Ranvijay đã có mặt ở Vladivostok, một cảng phía đông của Nga ở Thái Bình Dương, để sẵn sàng cho cuộc tập trận. Lý do mà Nga đưa ra để giải thích cho quyết định bất ngờ nói trên là các tàu chiến của Nga không sẵn sàng cho một cuộc tập trận vì còn phải đến cứu trợ Nhật Bản sau thảm hoạ hạt nhân Fukushima.

Tuy nhiên, điều khiến New Delhi bị sốc hơn nữa là các tàu chiến của Nga sau đó đã tự tiến hành một cuộc tập trận riêng rẽ thay vì đến Nhật Bản cứu trợ như tuyên bố ban đầu.

Mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Không chỉ hoãn cuộc tập trận với Hải quân Ấn Độ nói trên, Moscow còn thẳng thừng quyết định hoãn luôn cả một cuộc tập trận bộ binh đáng lẽ sẽ diễn ra tại Nga vào tháng 6 này. Lý do mà Moscow đưa ra lần này đơn giản đến mức khiến nhiều người phải nghi ngờ. Nga cho rằng họ có quá ít thời gian để chuẩn bị nên không thể tổ chức một cuộc tập trận như kế hoạch.

Khỏi phải nói Ấn Độ đã thất vọng như nào trước động thái của người bạn Nga. Báo chí Ấn Độ cũng sôi sùng sục lên. Một quan chức hàng đầu của Hải quân cấp cao Ấn Độ đã phải thốt lên: "Vladivostok cách chúng tôi hơn 8.000km. Vì thế, để đưa một loạt tàu chiến đi một đoạn đường dài như vậy đến Nga tham gia tập trận chung là rất phức tạp và khó khăn. Khi Moscow quyết định hoãn các cuộc diễn tập, chúng tôi không thể không thất vọng".

Sự thất vọng và tức giận của Ấn Độ hoàn toàn dễ hiểu bởi không họ đã phải tốn rất nhiều công sức, tiền của mới có thể chuẩn bị cho một loạt tàu chiến tham gia vào cuộc tập trận với Nga. Điều đáng nói hơn là họ cảm thấy bị bẽ bàng khi bị một người bạn thân thiết lâu năm đối xử như vậy.

Vì đâu nên nỗi?

Cả hai lần hoãn tập trận với Ấn Độ, Nga đều đưa ra đầy đủ các lý do. Nhìn bề ngoài thì có vẻ những lý do đó là hợp lý và giới lãnh đạo Ấn Độ muốn chấp nhận lý do này để cứu vãn “thể diện” cho họ.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều nghi ngờ những lý do mà Nga đã đưa ra. Một sĩ quan quân sự Ấn Độ cho biết, các cuộc tập trận chung Nga-Ấn đều đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng trước đó và đây không phải là các cuộc tập không chính thức hay bột phát. Cả hai cuộc tập trận vừa bị hoãn đều là một phần của một loạt cuộc tập trận quân sự mà Nga và Ấn Độ đã tiến hành từ năm 2003. Tất cả những cuộc tập trận kiểu này trong quá khứ đều diễn ra êm đẹp. Vì thế, không có lý gì Nga lại đưa ra lý do là không có thời gian chuẩn bị.

Báo chí và dư luận Ấn Độ tin rằng, việc Nga bất ngờ hoãn hai cuộc tập trận là hành động trả đũa cho việc Ấn Độ từ chối không mua máy bay chiến đấu của Nga. Đây có vẻ là lý do thực sự bởi động thái trên của Nga diễn ra sau khi Ấn Độ chọn nhà sản xuất máy bay chiến đấu Châu Âu trong hợp đồng cung cấp 126 máy bay chiến đấu đa năng trị giá 10,4 tỉ USD cho nước này thay vì chọn đối tác thân thiết lâu năm là Nga. Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng, Moscow đang phản ứng thái quá. Tuy nhiên, rõ ràng việc mất “hợp đồng thế kỷ” với Ấn Độ đã làm tổn thương Nga dù trong 3 nước thất bại trong cuộc đua (gồm Nga, Mỹ, Thuỵ Điển) Nga là nước phản ứng ít ồn ào nhất. Lâu nay, Nga vẫn tin mình là đối tác buôn bán vũ khí không thể thiếu của Ấn Độ.

Còn hai lý do khác khiến Moscow có hành động trả đũa khá rắn với Ấn Độ. Một là, việc New Delhi từ chối mua máy bay MiG-35 của Nga gần như đồng nghĩa với việc Không quân Nga sẽ không nhận được những chiếc máy bay chiến đấu tối tân này. Nếu có được hợp đồng khổng lồ của Ấn Độ, nhà sản xuất máy bay MiG-35 của Nga sẽ giảm được giá thành cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, khi không có hợp đồng này, giá của MiG-35 sẽ rất đắt và Không quân Nga sẽ buộc phải đặt kế hoạch mua 72 chiếc máy bay loại này sang một bên.

Thứ hai, việc Ấn Độ quay lưng lại với MiG-35 của Nga sẽ làm ảnh hưởng đến cơ hội bán loại máy bay này trên các thị trường tiềm năng ở Châu Mỹ Latin và Trung Đông.

Bất chấp sóng gió vừa nổi lên, quan hệ Nga-Ấn được đánh giá là sẽ ổn định và bền vững hơn bất kỳ mối quan hệ nào của Ấn Độ với các cường quốc khác. Ấn Độ hiểu rõ, Nga là một đối tác tin cậy nhất của họ. Nga sẵn sàng chia sẻ công nghệ với Ấn Độ và không giống Mỹ, Moscow còn cân nhắc kỹ càng khi bán vũ khí cho Pakistan - kẻ thù của Ấn Độ. Trong khi đó, Nga cũng không thể rời xa Ấn Độ bởi nước này là nhà nhập khẩu vũ khí lớn của họ.

Theo VnMedia

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên