Vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc nhân dân - Bài 3

Cập nhật: 28-08-2019 | 07:52:26

Bài 3: Tiến nhanh trên con đường đổi mới

 Trong bản Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Thực hiện theo lời Người, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Bắc Nam sum họp, non sông thu về một mối. Sau ngày giải phóng, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh vừa thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sông Bé - Bình Dương đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách mới, sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để tiến nhanh trên con đường phát triển.

 Công nhân sản xuất kính chiếu hậu các loại xe ô tô tại Công ty Suntech Vina, Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (TX.Bến Cát). Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Thực hiện đường lối đổi mới

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, nước ta đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển.

Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; đồng thời tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã trở thành lực lượng quan trọng để thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với tỉnh Sông Bé, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh. Đây chính là luồng gió mới, mở toang cánh cửa phát triển, để Sông Bé phát huy hết tiềm năng, nội lực. Từ đây, công cuộc đổi mới bắt đầu diễn ra mạnh mẽ.

Thực hiện đường lối đổi mới đất nước của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Sông Bé đã đoàn kết, tự lực, tự cường khắc phục những khó khăn, trở ngại, phấn đấu vươn lên. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ IV đã chỉ rõ cần phải đổi mới cách suy nghĩ, cách làm; đổi mới tư duy kinh tế; đổi mới phong cách làm việc gắn bó với quần chúng; đổi mới tổ chức cán bộ và hành động theo quy luật, giải phóng cho kỳ được lực lượng sản xuất hiện có, khai thác và phát huy mọi tiềm năng của tỉnh để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, ổn định tình hình kinh tế, xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh... Kết quả nổi bật trong những năm đầu đổi mới là tỉnh thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh thông qua chính sách “trải chiếu hoa đón các nhà đầu tư”; tập trung phát triển các khu công nghiệp, tạo ra những mũi đột phá trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Trong suốt thời gian dài sau đổi mới, nền kinh tế Sông Bé phát triển đều và liên tục với tốc độ tăng trưởng nhanh. GDP của tỉnh trong năm 1990 chỉ đạt 5,7 tỷ đồng, nhưng đến năm 1991 lên trên 390 tỷ đồng. Đặc biệt giai đoạn 1991- 1996, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng mạnh. Năm 1996 đạt trên 2.324 tỷ đồng, gấp 61 lần so với năm 1991. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh lúc này đã là 3.132.000 đồng/ năm. Thu ngân sách của tỉnh trong giai đoạn sau đổi mới cũng tăng nhanh, năm 1996 thu đạt trên 693 tỷ đồng.

Đường lối đổi mới làm kinh tế khởi sắc, qua đó đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp dân cư tiếp tục được cải thiện, một bộ phận nhân dân có thu nhập khá, đời sống vật chất nâng lên rõ rệt. Các chương trình xóa đói, giảm nghèo được đông đảo nhân dân đồng tình và nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Từ nguồn thu từ kinh tế, tỉnh có điều kiện đầu tư cho các chương trình quan trọng khác là giáo dục, y tế, văn hóa.

Vươn lên mạnh mẽ

Sau khi được tách ra từ tỉnh Sông Bé vào ngày 1-1-1997, qua hơn 22 năm xây dựng và phát triển, tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được của tỉnh Sông Bé trước đây, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Bình Dương đã khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng về vị trí địa lý, tài nguyên đất đai, phát huy nhân tố con người... để đưa một tỉnh còn nhiều khó khăn với cơ sở hạ tầng yếu kém, có điểm xuất phát thấp về phát triển kinh tế, trở thành một địa phương đi lên phát triển công nghiệp, cùng với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp ngày càng lớn vào thành quả phát triển kinh tế chung của đất nước.

Trong suốt quá trình hơn 22 năm xây dựng và phát triển, thành công mang tính đột phá của tỉnh là phát triển nhanh, có hiệu quả các khu công nghiệp gắn với phát triển các khu đô thị mới tập trung. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2019, mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 8,09%. Đến nay, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp với diện tích gần 13.000 ha. Nông nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản xuất quy mô lớn, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh hiện có 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 1.000 ha. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện. Toàn tỉnh có trên 39.000 doanh nghiệp trong nước và gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 33 tỷ đô la Mỹ. Năm 2018, Bình Dương đã được bình chọn là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới và chính thức trở thành thành viên của Cộng đồng thành phố thông minh thế giới (ICF).

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và sau hơn 22 năm xây dựng, phát triển, Bình Dương đã có bước tiến mạnh mẽ về mọi mặt. Hai từ Bình Dương đã được biết đến như là một hình mẫu về tính năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế, vĩnh vực văn hóa, xã hội của tỉnh cũng đạt được kết quả tích cực. Đời sống người dân tiếp tục được nâng lên. Lĩnh vực y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là công tác xã hội hóa trong lĩnh vực này đạt kết quả cao. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm đạt nhiều kết quả tốt. Tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng chính sách, xã hội và thực hiện giảm nghèo vền vững.

Bình Dương đã được Trung ương công nhận là tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều. GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 130,8 triệu đồng. Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh của địa phương; chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân và căn cứ hậu cần trong khu vực phòng thủ tỉnh. Trong quá trình phát triển, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến công tác đối ngoại trên các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh với các địa phương trong và ngoài nước. Đến nay, tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển với một số tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trong cả nước. Đặc biệt, tỉnh đã ký thỏa thuận về hợp tác hữu nghị với 10 tỉnh, thành phố trên thế giới.

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và sau hơn 22 năm xây dựng, phát triển, Bình Dương đã có bước tiến mạnh mẽ về mọi mặt. Hai từ Bình Dương đã được biết đến như là một hình mẫu về tính năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Những thành quả trong phát triển kinh tế đã bảo đảm cho người dân trên địa bàn tỉnh được chăm lo về mọi mặt, qua đó tiếp tục củng cố niềm tin và phát huy nguồn lực trong nhân dân cho chặng đường phát triển lên văn minh, hiện đại của Bình Dương trong thời gian tới. (còn tiếp)

 CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên