Vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc nhân dân - Bài 4

Cập nhật: 29-08-2019 | 07:51:27

Bài 4: Chăm lo cho nhân dân

Sinh thời, Bác từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ mà vô cùng vĩ đại của mình, Bác luôn có nỗi niềm trăn trở khôn nguôi là làm sao chăm lo, nâng cao đời sống cho nhân dân. Và trong Di chúc để lại cho đời sau, Bác căn dặn Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội phải không ngừng chăm lo nâng cao đời sống nhân dân.

 Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà cho ông Hồ Văn Thu, thương binh 1/4, phường An Thạnh, TX.Thuận An. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Giá trị đích thực của độc lập, tự do

Ngay từ năm 1945, khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một quan điểm bất hủ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Người còn nói rõ: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Người lưu ý thực hiện những nhiệm vụ của thời hậu chiến, tức là sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi, đó là: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Đây là những lời dặn dò thể hiện tình nhân ái bao la, chủ nghĩa nhân văn trong sáng, sự biểu cảm của tư duy người cách mạng vô sản chân chính, suốt đời hết lòng, hết sức chăm lo đến đời sống của tất cả mọi người dân.

Nâng cao đời sống nhân dân

Trong diễn văn ôn lại truyền thống, lịch sử 44 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2019), ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tự hào cho biết: Nhìn lại chặng đường 44 năm sau ngày giải phóng và sau 22 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Bình Dương đã và đang vươn mình phát triển mạnh mẽ. Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp về kinh tế, Bình Dương đã trở thành một tỉnh phát triển với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo nên nhiều kỳ tích trong phát triển kinh tế - xã hội. Những kỳ tích về phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội đã mang đến cho người dân một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Một điểm nhấn quan trọng trong việc chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là Bình Dương đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố thông minh. Với khát vọng đổi mới, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, từ tháng 3-2016 tỉnh Bình Dương đã triển khai Đề án thành phố thông minh. Đối với Bình Dương, thành phố thông minh có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó các thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa không ngừng. Thành phố thông minh Bình Dương còn nhấn mạnh những tầm nhìn lớn tạo đột phá, đổi mới toàn diện, trong đó vấn đề phát triển đối với con người là trọng tâm.

Ở vùng nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được đẩy mạnh thực hiện. Tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí NTM nâng cao để làm cơ sở đánh giá việc nâng cao các tiêu chí, hướng đến chăm lo đời sống của người dân nông thôn ngày một tốt hơn. Đến nay, 46/4 6 xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng cho biết: “Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bàu Bàng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra mục tiêu, đến cuối năm 2020, 7/7 xã (100%) đạt tiêu chí xã NTM và được công nhận huyện đạt NTM. Mục đích cuối cùng của xây dựng NTM là đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; giảm chênh lệnh, phân hóa giữa khu vực đô thị và nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa...”.

“Uống nước nhớ nguồn”

Chiến tranh qua đi để lại cho Bình Dương biết bao nhiêu nỗi đau, nhiều bà mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha và nhiều người trở về sau chiến tranh với một cơ thể không lành lặn. Vì vậy, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của những người có công luôn là mục tiêu hàng đầu đối với Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể các cấp ở Bình Dương. Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã có những bước tiến mới, không ngừng nỗ lực thực hiện đầy đủ các chính sách, hỗ trợ cho những gia đình có công có được cuộc sống ổn định nhất, giúp họ vượt lên những mất mát, hy sinh, nỗi đau trong quá khứ.

Hiện toàn tỉnh có 51.721 đối tượng chính sách. Bên cạnh việc chi trả trợ cấp thường xuyên, những dịp lễ, tết, ngoài quà của Trung ương, hàng năm tỉnh đã trích từ ngân sách tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng… Qua đó, góp phần hỗ trợ, động viên họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ðến nay, tỉnh Bình Dương là một trong 10 địa phương trên cả nước không còn hộ gia đình chính sách, người có công thuộc diện nghèo.

 Chăm lo đời sống nhân dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân. Và chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã và đang được các cấp ủy Đảng, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh thực hiện tốt để chăm lo ngày càng tốt hơn cho nhân dân.

Bên cạnh sự quan tâm từ chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể, tri ân gia đình chính sách, người có công với cách mạng, nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã có nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa, như phụng dưỡng hàng tháng cho mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng thương binh, xây dựng nhà tình nghĩa… Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, chăm lo cho gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là tình cảm thiêng liêng, cao quý, là nghĩa cử cao đẹp và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân vàtoàn xãhội. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo cho gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công trên địa bàn tỉnh, các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các cấp, các ngành trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Đặc biệt, cần thực hiện tốt hơn nữa công tác xã hội hóa, đẩy mạnh các phong trào, như ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, giúp đỡ ngày công, chăm sóc thương, bệnh binh… Để tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả là chăm lo, cải thiện và nâng cao đời sống của những người có công và gia đình của họ, UBND tỉnh còn phê duyệt Đề án nâng cao mức sống cho người có công và bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2019.

Chăm lo đời sống nhân dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân. Và, chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã và đang được các cấp ủy Đảng, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh thực hiện tốt để chăm lo ngày càng tốt hơn cho nhân dân... (còn tiếp)

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên