Vì một Nhà nước kiến tạo

Cập nhật: 16-06-2017 | 23:04:27

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017, với tiêu đề “Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước kiến tạo” công bố sáng hôm qua (16-6) đã đưa ra hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vi mô của Việt Nam trong năm 2017. Theo đó, kịch bản một là tăng trưởng 6,7% và lạm phát ở mức 3,2% có thể đạt được với quyết tâm cao của Chính phủ nhưng sẽ đặt ra vấn đề bền vững trong tăng trưởng. Trong kịch bản hai, kinh tế tăng trưởng tự nhiên, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,37% và lạm phát cả năm chỉ ở mức thấp 2,35%.

 Tuy nhiên, để phát triển kinh tế bền vững, báo cáo cũng khuyến nghị, các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng có thể làm chậm động năng cải cách, trì hoãn sự phục hồi tăng trưởng bền vững. Cùng với đó, Chính phủ cần phải thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, tiếp tục cải cách doanh nghiệp Nhà nước theo hướng tinh giản... Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách thể chế để xây dựng Nhà nước kiến tạo, đặt nền tảng cho những nguyên tắc căn bản của xã hội, người dân. Giải quyết các mối quan hệ lớn thông qua xây dựng và sửa đổi luật pháp.

Để xây dựng được Nhà nước kiến tạo hiệu quả, tại Hội thảo Quốc tế về Quản trị Kinh tế hướng tới một Nhà nước kiến tạo diễn ra cách đây vài ngày, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, không chỉ có người đứng đầu Chính phủ nỗ lực vào cuộc, bộ máy Chính phủ thực thi mà phải cả hệ thống chính trị, các bộ, ban ngành và địa phương phải thay đổi. Tư tưởng, tư duy Nhà nước kiến tạo phải đích thực, không chỉ từ lời nói, mà còn bằng quyết tâm, cam kết. Chúng ta cần phải có tham vọng, khát vọng đưa đất nước, ngành mình, tỉnh mình đi lên. Hiện nay, chúng ta còn vướng mắc nhiều vấn đề nên xây dựng Nhà nước kiến tạo chắc chắn sẽ đối diện nhiều thách thức. Thứ nào kìm hãm phát triển thì hãy tập trung vào đó mà xử lý, không trốn tránh, phải đối mặt mới có thể mang lại hiệu quả được.

Hiện nay, sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về các vấn đề kinh tế lớn, gồm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, đặt nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân đã thổi luồng gió mới vào nền kinh tế, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để hướng tới xây dựng một Nhà nước kiến tạo thực sự, đúng nghĩa

 T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên