Vi phạm hành lang an toàn lưới điện: Thiệt cả kinh tế lẫn tính mạng!

Cập nhật: 14-03-2012 | 00:00:00

Tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (VPHLATLĐ) trên địa bàn tỉnh hiện nay là khá phổ biến, gây thiệt hại nhiều đến tính mạng con người và tài sản Nhà nước. Tuy ngành chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, xử phạt nhưng tình trạng này vẫn không giảm, trong đó có nhiều trường hợp cố tình vi phạm!   Công nhân Công ty Điện lực Bình Dương sửa chữa lưới điện cao áp

Số vụ vi phạm gia tăng

Anh Toàn, một người dân sống tại khu dân cư Bình Chuẩn (TX.Thuận An) vẫn còn bàng hoàng khi kể về trường hợp một nạn nhân bị bị điện giật mà anh tận mắt chứng kiến. Lần đó, anh đang nghỉ ở nhà thì thấy mọi người nhốn nháo chạy ra xem tai nạn điện giật nên cũng ra xem. Nạn nhân là một người phụ hồ từ miền Tây mới lên Bình Dương làm cho một công trình xây dựng nhà tại khu dân cư Bình Chuẩn được mấy ngày. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là do trong khi chuyển sắt thép lên tầng thì cây sắt vướng vào dây điện cao áp nên bị điện giật. Nạn nhân bị hút chặt vào cây sắt, cháy đen! Những người có mặt nhanh chóng cắt điện cấp tốc gỡ người bị nạn ra và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Mặc dù thoát được “lưỡi hái tử thần”, nhưng hiện nay nạn nhân bị liệt hoàn toàn nửa người, đi lại rất khó khăn và không thể tự mình kiếm sống được.

Theo Sở Công Thương, trong năm 2011 toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ tai nạn điện làm 4 người chết, 13 người bị thương, tăng 4 vụ so với năm 2010. Nguyên nhân được xác định là do bất cẩn khi tiếp xúc trực tiếp với lưới điện hạ áp 220V; vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện... Về VPHLATLĐ, năm 2011 toàn tỉnh có 116 vụ (trong đó phát sinh mới 39 vụ, tồn 77 vụ), đã xử lý 78 vụ, đạt 67,2%. Trong năm, Thanh tra của Sở Công Thương cũng đã xử lý 9 trường hợp vi phạm ATLĐ, trong đó có 2 doanh nghiệp và 7 hộ cá nhân, tiến hành xử phạt với tổng số tiền là 26 triệu đồng. Hầu hết các vụ vi phạm là do đang thi công công trình, xây dựng nhà ở, lắp đặt biển quảng cáo, dựng trụ đèn chiếu sáng và tháo dỡ anten gây ra sự cố. Còn theo Công ty Điện lực Bình Dương, tính đến nay trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn 34 trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng cần giải tỏa, tất cả các trường hợp này đều nằm ở địa bàn phường Bình Hòa, TX.Thuận An.

Cần xử phạt nghiêm khắc

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong thời gian qua công tác xử lý VPHLANTĐ tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu. Nguyên nhân là do các công trình nhà ở, dịch vụ phát triển nhanh, công trình cơi nới VPHLANTĐ; dựng biển quảng cáo, anten truyền hình VPHLANTĐ; nhiều trụ điện có hệ thống thông tin liên lạc câu móc chằng chịt không tuân thủ ATLĐ. Trong khi đó, việc quản lý còn bất cập, cấp giấy phép xây dựng chưa có sự phối hợp để xác định HLATLĐ; một số chủ đầu tư khu dân cư, đô thị, tái định cư khi quy hoạch không trừ HLATLĐ... Do vậy, trong thời gian tới, tùy theo mức độ vi phạm mà có biện pháp xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe.

Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho rằng HLATLĐ cần phải được quan tâm đúng mức, bởi hiện còn rất nhiều trường hợp vi phạm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người, làm thiệt hại tài sản Nhà nước và gây mất mỹ quan đô thị. Theo ông Hoàng, Công ty Điện lực Bình Dương cần sớm có kế hoạch ngầm hóa đường dây điện, dù biết rằng chi phí để ngầm hóa hệ thống này là rất lớn. Hiện nay, TP.HCM, Đà Nẵng và một số địa phương khác đã triển khai ngầm hóa hệ thống này, trong khi Bình Dương là một tỉnh công nghiệp phát triển thì chưa làm được điều này. Cùng quan điểm với ông Hoàng, ông Trần Văn Thấy, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, nói: “Hiện nay, trên một số tuyến đường được mở rộng vẫn còn nhiều trụ điện chưa được di dời hoặc di dời không hợp lý, đã góp phần gây ách tắc giao thông và không bảo đảm an toàn cho người đi đường. Hệ thống lưới điện trên một số tuyến chưa hợp lý nên không trồng được cây xanh vì vướng phải lưới điện...”.

Tất cả những bất cập nói trên về HLATLĐ có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nguyên nhân từ quy hoạch, kinh phí, nhận thức người dân... Vì thế, để giải quyết tốt vấn đề này là không dễ và không riêng của ngành điện mà cần có sự phân tích, phối hợp và trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp ở địa phương.

Bến Cát hoàn thành chương trình xóa điện kế tổng, điện kế cụm

Theo UBND huyện Bến Cát, tính đến nay Bến Cát đã hoàn thành chương trình xóa điện kế tổng và điện kế cụm trên địa bàn. Trong đó, đã xóa 9 điện kế tổng với 1.213 hộ được lắp đặt điện kế bán điện trực tiếp; 55 điện kế cụm với 453 hộ được lắp đặt điện kế bán điện trực tiếp. Tổng vốn đầu tư cho 2 danh mục này là 6,6 tỷ đồng.

Hiện nay, Bến Cát đang tiếp tục triển khai 4 dự án khác để nâng số hộ sử dụng điện trực tiếp, trong đó dự án 1 bao gồm An Tây, Phú An, An Điền và Long Nguyên; dự án 2 bao gồm Tân Hưng, Hưng Hòa, Trừ Văn Thố và Cây Trường; dự án 3 bao gồm Lai Uyên, Lai Hưng và thị trấn Mỹ Phước; dự án 4 bao gồm Tân Định, Thới Hòa, Hòa Lợi và Chánh Phú Hòa.

K.TÂN

T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên