Vì sao Công ty Cổ phần Đại Nam bị thanh tra toàn diện? - Bài 2 

Cập nhật: 01-09-2015 | 08:53:14

Bài 2: Được đằng chân, lân đằng đầu!

Không chỉ đơn giản là những công trình phụ tạm, quầy bán vé, nhà vệ sinh…, trong 167 hạng mục công trình được đoàn thanh tra xác minh là vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, có nhiều hạng mục, công trình kiên cố mà chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đại Nam (CPĐN) đã xây dựng hoàn chỉnh nhưng không lập thủ tục xin phép xây dựng và đăng ký sở hữu công trình. Thậm chí, trong đó có những hạng mục công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch. Phải chăng, Công ty CPĐN đã “được đằng chân, lân đằng đầu”, bất chấp những quy định pháp luật về đầu tư xây dựng?

Kết luận thanh tra số 2735/KL-UBND ngày 13-8-2015 của UBND tỉnh Bình Dương về những vi phạm trên lĩnh vực đầu tư xây dựng của Công ty CPĐN Ảnh: P.V

Được đằng chân…

Vì sao chúng tôi lại đặt vấn đề là Công ty CPĐN “được đằng chân”? Ở đây phải nói thêm rằng, Sông Bé cũ và Bình Dương hôm nay có một đặc điểm rất tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội; đó là luôn dựa trên khuôn khổ pháp luật, tìm cách tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Điều này cũng chính là việc cụ thể hóa chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” nổi tiếng lâu nay của địa phương. Và tất nhiên, trường hợp của Công ty CPĐN cũng không hề là ngoại lệ.

Chính vì thế, trong quá trình Công ty CPĐN tiến hành đầu tư xây dựng Khu du lịch Đại Nam (trước đây được gọi là Khu du lịch Huỳnh Long), công ty này đã được tỉnh, trên cơ sở quy định của pháp luật, linh hoạt và tạo khá nhiều điều kiện thuận lợi. Do đây là một dự án mới, mang tính chất kiến trúc đặc thù và có thể mang lại những tác động tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nên tỉnh có linh hoạt xem xét chủ trương chấp thuận cho Công ty CPĐN thực hiện xây dựng các hạng mục công trình của khu du lịch này theo hình thức vừa thiết kế, vừa thi công và “giao cho Sở Xây dựng giải quyết cụ thể”.

Phải khẳng định rằng, đây chỉ là một chủ trương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty CPĐN trong quá trình đầu tư, triển khai xây dựng dự án Khu du lịch Đại Nam, không phải là giấy phép xây dựng, còn vấn đề thực hiện thế nào thì phải được sự xem xét của Sở Xây dựng. Và tất nhiên, tối thiểu là khi xây dựng xong, Công ty CPĐN phải thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng theo đúng quy định của pháp luật. Chính vì thế, khi cho phép Công ty CPĐN được thực hiện theo hình thức vừa thiết kế, vừa thi công, không có nghĩa là khi xây dựng xong các hạng mục, công trình, Công ty CPĐN có thể bất chấp mọi thủ tục pháp lý về xây dựng cơ bản.

…lân đằng đầu!

Theo lẽ thường, khi đã được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư xây dựng, chủ đầu tư Khu du lịch Đại Nam phải thực hiện trách nhiệm của mình trước pháp luật, đó là làm các thủ tục cấp phép xây dựng và đăng ký sở hữu các công trình. Thế nhưng không, trên thực tế, Công ty CPĐN đã “được đằng chân, lân đằng đầu”!

Theo Kết luận thanh tra số 2735/KL-UBND ngày 13- 8-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đến thời điểm đoàn thanh tra tiến hành xác minh, Công ty CPĐN có 4 công trình có thay đổi so với giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng về số tầng, diện tích xây dựng; có 167 hạng mục công trình đã xây dựng hoàn chỉnh nhưng không lập thủ tục xin phép xây dựng và đăng ký sở hữu công trình, trong đó có 4 công trình không phù hợp quy hoạch. Các hành vi này vi phạm quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10- 2013, Nghị định 23/2009/NĐ-CP, Nghị định 126/2014/ NĐ-CP của Chính phủ… Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 190 triệu đồng; đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra là buộc tháo dỡ các công trình vi phạm.

Ngày 10-7-2009, qua xem xét Công văn số 1388/SXD-KTKT ngày 26-6-2009 của Sở Xây dựng về việc đề nghị xử lý việc xây dựng không phép của Công ty CPĐN, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn số 1913/ UBND-KTN, chấp thuận cho Công ty CPĐN được lập thủ tục xây dựng và đăng ký quyền sở hữu đối với các công trình: Khu khách sạn Đại Nam Văn hiến, khu hội nghị Đại Nam, khu biển Đại Nam, khu giải trí Đại Nam. Công ty CPĐN phải bị xử phạt hành chính do vi phạm trong lĩnh lực xây dựng cơ bản…; giao Sở Xây dựng hướng dẫn Công ty CPĐN lập thủ tục xây dựng và đăng ký sở hữu công trình. Ngày 18-9-2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3454/QĐ-CT về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng và yêu cầu Công ty CPĐN phải xin cấp phép xây dựng theo đúng quy định.

Những tưởng, qua việc xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng cơ bản, Công ty CPĐN sẽ chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng nhưng công ty vẫn tiếp tục xây dựng không phép từ năm 2009-2011. Cụ thể, theo Kết luận thanh tra số 2735/KL-UBND ngày 13-8-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đến thời điểm đoàn thanh tra tiến hành xác minh, Công ty CPĐN có 4 công trình có thay đổi so với giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng về số tầng, diện tích xây dựng; có 167 hạng mục công trình đã xây dựng hoàn chỉnh nhưng không lập thủ tục xin phép xây dựng và đăng ký sở hữu công trình, trong đó có 4 công trình không phù hợp quy hoạch. Các hành vi này vi phạm quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10- 2013, Nghị định 23/2009NĐ-CP, Nghị định 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ…

Đặc biệt, không chỉ đơn giản là những công trình phụ tạm, quầy bán vé, nhà vệ sinh…, trong 167 hạng mục công trình được đoàn thanh tra xác minh là vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, có nhiều hạng mục, công trình kiên cố mà chủ đầu tư là Công ty CPĐN đã xây dựng hoàn chỉnh nhưng không lập thủ tục xin phép xây dựng và đăng ký sở hữu công trình. Đơn cử như một số công trình: Nhà trung tâm dịch vụ du lịch (năm 2010), trạm xăng dầu (năm 2010), nhà tiền chế (năm 2013), cổng soát vé (năm 2013)… Tất cả các hạng mục, công trình này, Công ty CPĐN đã hoàn thành xây dựng xong, tính đến thời điểm thanh tra đã gần 4 năm nhưng vẫn chưa thực hiện trình tự thủ tục xây dựng và xin cấp sở hữu công trình. Điều này đã vi phạm quy định về trật tự xây dựng chiếu theo Điểm c, Khoản 2, Điều 11 Nghị định 23/2009 của Chính phủ “chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng”. Với những vi phạm này, chủ đầu tư sẽ bị xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng (nếu còn thời hiệu xử phạt), buộc khắc phục hậu quả và bị xử lý theo Nghị định 180/NĐ-CP là buộc phải phá dỡ công trình…

Những vi phạm quy định về đầu tư xây dựng cơ bản của Công ty CPĐN đã được đoàn thanh tra xác minh rất rõ ràng. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi tổ chức công dân đều phải thượng tôn pháp luật. Thế nhưng, với trường hợp Công ty CPĐN, khi đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi để đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch Đại Nam, lại có thể lấn tới, cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Đó chẳng khác nào là hành vi “được đằng chân, lân đằng đầu”!?

Bài 3: Truy thu trên 99 tỷ đồng, vì sao?

 

 NHÓM P.V

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên