Vì sao Công ty Cổ phần Đại Nam bị thanh tra toàn diện? – Bài 3 

Cập nhật: 02-09-2015 | 09:01:04

Bài 3: Truy thu trên 99 tỷ đồng, vì sao?

Theo Kết luận thanh tra số 2735 của UBND tỉnh, Công ty CPĐN đã phản ánh vào tài khoản chưa đúng bản chất các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, việc hạch toán kế toán còn một số bút toán chưa đúng nguyên tắc tài chính, chưa chấp hành đúng trình tự hạch toán kế toán theo chế độ kế toán hiện hành, sử dụng văn bản đã hết hiệu lực pháp luật, việc phân bổ chi phí chưa đúng quy định, vi phạm một số quy định pháp luật về thuế. Kết luận thanh tra buộc Công ty CPĐN phải nộp số tiền thuế vi phạm và tiền xử phạt qua thanh tra tổng số tiền là 99.050.474.511 đồng, riêng số tiền truy thu và xử phạt về thuế là 97.750.474.511 đồng.


Công văn của Bộ Tài Chính trả lời kiến nghị của Công ty Cổ phần Đại Nam.
Ảnh: P.V

Sau khi UBND tỉnh Bình Dương công bố kết luận thanh tra, đã xuất hiện sự viện dẫn sai lệch Công văn số 11427/BTC-TCT của Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của Công ty CPĐN. Theo Công văn 11427/BTC-TCT của Bộ Tài chính trả lời về kiến nghị của Công ty CPĐN về việc thanh tra đối với khoản chi phí chung, nguyên văn: Về phân bổ chi phí chung đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, tại tiết 1.2, điểm 1, Mục II, phần G Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008 của Bộ Tài chính quy định: “Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau thì phải hạch toán riêng các khoản chi phí. Trường hợp không hạch toán riêng được chi phí từng hoạt động thì chi phí chung được phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản so với tổng doanh thu của doanh nghiệp”. Tại tiết b, khoản 1, Điều 17 Thông tư số 123/TT-BTC ngày 27-7-2012 của Bộ Tài chính quy định: “Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau thì phải hạch toán riêng các khoản chi phí. Trường hợp không hạch toán riêng được chi phí của từng hoạt động thì chi phí chung được phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản so với tổng doanh thu của doanh nghiệp”.

Công văn này nêu rõ: Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty CPĐN có hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau từ năm 2009 đến năm 2013, trong đó có hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì phải hạch toán riêng các khoản chi phí. Trường hợp Công ty CPĐN không hạch toán riêng được chi phí của từng hoạt động (trong đó có hoạt động chuyển nhượng bất động sản) thì chi phí chung được phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản so với tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Bình Dương, trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2012, Công ty CPĐN đã thực hiện phân bổ chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính, chi phí bán hàng theo tỷ lệ doanh thu của từng hoạt động là chưa phù hợp theo quy định tại Tiết b, Điểm 1.2, Khoản 1, Mục II, phần G Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008 (từ năm 2009- 2011) và tại Điểm b, Khoản 1, Điều 17, Chương V Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27-7-2012 của Bộ Tài chính, quy định: “Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau thì phải hạch toán riêng các khoản chi phí. Trường hợp không hạch toán riêng được chi phí từng hoạt động thì chi phí chung được phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản so với tổng doanh thu của doanh nghiệp”.

Căn cứ vào quy định trên, đoàn thanh tra đã thống nhất với Công ty CPĐN tại các biên bản làm việc và biên bản tổng hợp số liệu sai phạm ngày 11- 6-2015 về cách phân bổ chi phí cho đúng với quy định và công ty cũng đã thực hiện cách phân bổ này cho năm 2013, 2014. Cụ thể, đối với chi phí tài chính, do được dùng chung cho hoạt động của công ty không thể tách riêng cho từng hoạt động, thì phân bổ theo tỷ lệ doanh thu như công ty đã thực hiện. Đối với chi phí bán hàng, đoàn thanh tra đã xác định lại chi phí bán hàng theo nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh cụ thể theo từng hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, để đưa chi phí vào cho đúng hoạt động đó, chỉ thực hiện phân bổ theo tỷ lệ doanh thu đối với khoản chi phí bán hàng dùng chung không thể tách riêng cụ thể cho từng hoạt động. Đoàn thanh tra không tiến hành bóc tách mà công ty tự bóc tách, sau đó đoàn thanh tra kiểm tra lại và đã thống nhất số liệu ký kết giữa 2 bên. Sau khi bóc tách chi phí bán hàng riêng cho từng hoạt động, phần chi phí chung không thể bóc tách được nữa, công ty đã đề nghị đoàn thanh tra cho phân bổ theo tỷ lệ doanh thu và đoàn cũng đã chấp thuận. Sau khi đã tách riêng chi phí bán hàng cho từng hoạt động cụ thể và phân bổ lại chi phí bán hàng dùng chung cho hoạt động của công ty theo đúng quy định và điều chỉnh tăng, giảm doanh thu, chi phí thì số thuế TNDN mà Công ty CPĐN phải nộp tăng thêm từ năm 2009 đến năm 2013 là 44.543.820.463 đồng.

Đối chiếu với nội dung công văn trả lời của Bộ Tài chính số 11427/BTC-TCT ngày 20-8- 2015 về việc trả lời kiến nghị của Công ty CPĐN và quy định tại Thông tư số 130/2008/TT-BTC, Thông tư số 123/2012/ TT-BTC của Bộ Tài chính, thì đoàn thanh tra thực hiện việc phân bổ chi phí như trên là đúng quy định pháp luật. Đồng thời, Công ty CPĐN cũng đã thực hiện việc phân bổ này cho năm 2013, 2014.

Hơn thế nữa, tại Công văn số 145/CVĐN ngày 9-7-2015 của Công ty CPĐN gửi cho đoàn thanh tra giải trình về việc xác định thuế TNDN của công ty, đã trích dẫn biên bản thanh tra thuế ngày 5-8-2009 của đoàn thanh tra Tổng cục Thuế thanh tra thời kỳ năm 2007-2008, đã thống nhất với công ty cách phân bổ chi phí: “Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau thì phải hạch toán riêng các khoản chi phí. Trường hợp không hạch toán riêng được chi phí của từng hoạt động thì chi phí chung được phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản so với tổng doanh thu của doanh nghiệp”.

Như vậy, qua trích dẫn trên của Công ty CPĐN cho thấy, công ty đã được đoàn thanh tra của Tổng cục Thuế chỉ ra và hướng dẫn, công ty cũng đã thống nhất với đoàn thanh tra cách phân bổ chi phí; đồng thời chứng tỏ Công ty CPĐN đã hiểu và biết phải hạch toán chi phí riêng cho từng hoạt động kinh doanh, chỉ có chi phí chung (không rõ địa chỉ) thì mới được phân bổ theo tỷ lệ doanh thu, nhưng công ty đã cố ý hạch toán nhập nhằng chi phí bán hàng một thời gian dài từ năm 2009-2012, không tách riêng cho từng hoạt động. Khi đoàn thanh tra yêu cầu thì công ty đã tách riêng được chi phí cho từng hoạt động có địa chỉ cụ thể. Từ đó, đã làm cho kết quả kinh doanh từng hoạt động của công ty phản ánh không chính xác, dẫn đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách Nhà nước chưa đúng quy định, nộp thiếu thuế như kết luận thanh tra của UBND tỉnh Bình Dương đã nêu.

Bài 4: Nhiều vi phạm khác về thuế

NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên