Vì sự bình yên cho những chuyến tàu: Chuyện người tuần đường

Cập nhật: 02-07-2014 | 08:44:22

Kỳ 2: Chuyện người tuần đường

> Kỳ1: Lặng lẽ nghề gác chắn tàu

Có lẽ không có nghề nào phải đi bộ nhiều như nghề đi tuần đường (TĐ) sắt. Bất kể nắng hay mưa những nhân viên TĐ vẫn lầm lũi “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nếu tính đến lúc nghỉ hưu họ cũng đi ngót nghét được hàng vạn km.

 

Ghé gác chắn ký sổ, giao nhận thẻ giữa các nhân viên tuần đường - công việc hàng ngày của người đi tuần

Cô độc và nhẫn nại

Có nhiều công việc khác nhau liên quan đến ngành đường sắt, nhưng công việc lặng lẽ và cô độc nhất phải kể đến là nghề TĐ. “Bất kể thời tiết thay đổi thất thường như thế nào, dù đêm hôm mưa bão thì cũng phải đi tuần từ điểm này đến điểm kia theo quy định, để luôn bảo đảm đường ray được an toàn cho tàu lưu thông” - ông Võ Hồng Dũng, Cung trưởng cung đường Dĩ An cho biết. Công việc hàng ngày của người đi tuần như một bộ máy được lập trình sẵn. 1 giỏ xách trên vai với đầy đủ trang thiết bị như cờ pháo, cờ-lê, mỏ lết… lên ban ký lệnh là có thể lên đường bắt đầu việc đi tuần, khi đi thì đi một bên đường ray và khi về thì bên còn lại. Ngày trôi ngày, dù là ngày nắng như đổ lửa hay đêm mưa rét buốt, nhân viên TĐ vẫn cặm cụi rảo bước, từng nhịp từng nhịp với khung đường sắt. Những tuyến đường sắt vô tri nhưng chính nó cũng là người bạn đồng hành thân thiết với người đi tuần. Vẫn một lập trình như cũ, từng cung đường mà người TĐ đi qua họ phải kiểm tra, quan sát thật kỹ từng đoạn ray, từng thanh tà-vẹt để phát hiện và kịp thời sửa chữa những hư hỏng nhỏ. Gặp sự cố hư hại lớn đến đường ray thì người TĐ sẽ báo về cung để xử lý nhằm bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu.

Trong tổ tuần đường tại ga Dĩ An hiện nay có tất cả 4 thành viên. Người lớn tuổi nhất cũng đã 45, trẻ lắm cũng 34 tuổi. Thế mới thấy tuy không phải là công việc nặng nhọc gì nhưng phải thật kiên trì mới có thể đeo bám với nghề. Một ngày chia làm 3 ca, mỗi ca 8 tiếng, cứ vậy mà luân phiên nhau đi tuần. Cả đi và về hết thảy 12 cây số.

 

Ban đêm khoác thêm áo dạ quang, tay xách đèn người tuần đường lại đi dọc cung đường sắt quen thuộc

Nắng trên đỉnh đầu

Vừa đặt chân đến nhà ga Dĩ An, sau vài câu hỏi thăm chúng tôi đã may mắn gặp ngay anh Lê Đình Hùng (41 tuổi) vừa đi TĐ về. Khi thấy tôi có ý định tìm hiểu và xin cùng đi tuần, một anh trực trong nhà ga đã cười hỏi: “Hay để anh chở em đi xe máy ngồi quan sát thôi chứ đi bộ 12 cây số em đi nổi không?”. Vẫn với tâm trạng hồ hởi tôi nhất quyết được đi bộ chứ không đi xe máy như lời mời. Sau khi nghỉ ngơi 30 phút cho nửa ca đi tuần buổi sáng, đúng 10 giờ 30 anh Hùng với túi đồ nghề gồm: Cờ-lê, mỏ lết, quả sấu, quả pháo, 3 lá cờ, nhật ký tàu, thẻ TĐ… cùng chúng tôi xuất phát cho đoạn đường còn lại. Vừa đi anh vừa kể, tính đến nay anh đã có kinh nghiệm 18 năm trong nghề, anh từng trải qua nhiều việc làm khác nhau trước khi gắn bó lâu dài với nghề đi tuần. Anh Hùng tự hào khoe: “Anh từng làm huấn luyện viên dạy võ suốt 13 năm. Sau này như cái duyên cái số thế nào mà lại theo luôn nghề TĐ này”. Một tháng anh làm 23 ngày thì hết 8 ban là ca đêm. Nhìn dáng người anh nhỏ nhắn, nhanh nhẹn không ai nghĩ anh đã ngoài 40. Với những bước đi quen thuộc, bàn chân anh cứ thoăn thoắt trên đường ray. Còn tôi cứ bước thấp bước cao, trật lên trật xuống trên những hòn đá lộc cộc cố bước đuổi theo anh. Chốc chốc anh lại chỉ cho tôi xem đoạn đường mà người dân vi phạm hành lang đường sắt. Anh cho biết, dân hai bên đường thường xuyên đổ rác ra ven đường, có khi tràn xuống đường ray xe lửa. Đi tuần mà nhìn thấy thì dọn sạch để tàu còn lưu thông. Vào mùa mưa, anh càng phải đi tuần kỹ hơn để kiểm tra những nơi đất đá sụt lún, nhất là mưa to cây cối ngã đổ chắn ngang đường ray, phải nhanh chóng dọn dẹp để bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu vào ga. Theo thói quen cứ đi khoảng 50m là anh Hùng ngoảnh ra phía sau một lần để canh chừng xem có tàu đi tới hay không. Thỉnh thoảng đang đi anh lại cúi xuống chỉnh mấy con ốc vít bị lệch.

 Cung đường Dĩ An dài 6km, điểm đầu từ km 1703+00 tiếp giáp với cung đường Biên Hòa, điểm cuối km 1709+00 tiếp giáp cung đường Sóng Thần. Trước khi bắt đầu công việc đi tuần mọi người sẽ được đào tạo vài tháng để lấy chứng chỉ tuần gác. Lương của một người TĐ hiện nay tại cung đường Dĩ An cao lắm là ở bậc 7; khoảng 3,2 triệu đồng/tháng.

Làm ca sáng từ 6 giờ sáng tới 2 giờ chiều mới tan ca, cứ mải miết theo lộ trình nhất định và còn kịp giờ để giao ban, với những người TĐ như anh Hùng thì 2 giờ chiều mới được gọi là giờ ăn trưa. Khi nghe tôi hỏi có khi nào thấy nghề đơn điệu, buồn tẻ anh muốn bỏ tìm nghề khác hay không thì anh nghiêm nghị trả lời: “Yêu nghề thì việc gì cũng giống nhau thôi”. Lâu lâu anh còn hài hước nói: “Coi như mình đi bộ hàng ngày tập luyện sức khỏe mà hết tháng được trả lương ấy mà! Quãng đường đi bộ như anh chắc cũng ra tới Hà Nội mấy lần rồi về đấy chứ nhỉ?”. Tôi biết anh nói vậy thôi chứ để có thể đi bộ như anh suốt 18 năm không phải đơn giản. Đi tuần vào ban ngày thì chống chọi với cái nắng chói chang, những ngày vào ca đêm anh phải đối phó với cơn buồn ngủ nhờ ấm trà hay ly cà phê. Vậy đấy! Đêm xuống, trong khi nhà nhà, người người còn đang say giấc thì nhân viên TĐ vẫn với bộ đồ nghề quen thuộc và thêm cây đèn trên tay lại rảo bước đi tuần.

Gần 12 giờ trưa, nắng gay gắt trên đầu, mùi xác động vật dưới lớp đá thi thoảng xộc vào mũi khó chịu. Như biết tôi mệt, cứ qua mỗi trạm gác chắn để xin “thông hành” là anh kêu tôi vào ngồi nghỉ. Dù đã lường trước sẽ đi bộ dưới cái nắng xiên từ đỉnh đầu tới gót chân nhưng chúng tôi cũng không ngờ lại mệt đến thế, đầu óc cứ quay cuồng bởi nắng và do nhìn xuống đất lâu quá. Ngồi trong trạm nghỉ mà mồ hôi tuôn như tắm. Quay sang nhìn anh Hùng thấy anh vẫn tươi vui, nói chuyện rôm rả với các chị gác chắn tàu tôi mới thầm nể phục sức dẻo dai của anh. Gần đi hết quãng đường đầu tiên, anh Hùng chỉ cho chúng tôi người đàn ông đang đứng đợi tại trạm chắn bên vệ đường. Lại là một anh TĐ của cung đường khác. Hàng ngày trên tuyến đường đi tuần, các anh gặp nhau ở trạm này để ký sổ giao ban và đổi thẻ cho nhau. Đây như là hình thức chống gian lận trong đi tuần, có đi mà không có đến hay có đến mà không có đi.

Vẫn còn hành trình dài 2 cây số nữa cho lượt tuần về nhưng không thể tiếp tục theo anh hết đoạn đường, chúng tôi đành tạm biệt anh Hùng với đôi bàn chân bỏng rát bởi nắng và đá. Nhìn bóng dáng gầy gò của anh cứ đội nắng mà đi xa dần, xa dần theo tuyến đường ray như chú ong cần mẫn với công việc, cứ âm thầm góp sức mình mang lại sự bình an cho những chuyến tàu ngược xuôi.

 

 

 LAN HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên