Việc cần làm ngay: Tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên

Cập nhật: 23-03-2012 | 00:00:00

Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 12/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được thông qua tại Hội nghị cán bộ (CB) chủ chốt phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) do Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức vào sáng 22-3 đã xác định nhiệm vụ cần phải làm ngay đó là tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên.

Từ tỉnh đến cơ sở đều tự phê bình và phê bình

Đây là nhóm giải pháp rất quan trọng trong các nhóm giải pháp về tổ chức CB và sinh hoạt Đảng; về cơ chế, chính sách; về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Vì thế, sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng và tất cả CB, đảng viên (ĐV) từ tỉnh đến cơ sở phải tiến hành kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo nguyên tắc tập thể trước, cá nhân sau. Cấp trên, CB lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đúng đầu  phải gương mẫu làm trước. Liên hệ với chức trách, nhiệm vụ được giao theo cương vị công tác, nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang né tránh. Kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trì trệ nhất hiện nay. Khắc phục coi tư tưởng, coi khuyết điểm chỉ là của người khác, đơn vị khác. Làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, đồng thời nêu ra phương hướng khắc phục.

 Các đại biểu nghe triển khai, quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 4 (Ảnh: Q.Chiến)

Song song đó, tập thể, cá nhân CB, ĐV kiểm điểm phê bình và tự phê bình không đạt yêu cầu phải kiểm điểm lại; kiên quyết xử lý kỷ luật những cấp ủy, tổ chức Đảng, CB, ĐV không tự giác kiểm điểm tự phê bình và phê bình không tự nhận được sai lầm khuyết điểm, không khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm đã được nêu ra. Những trường hợp có vi phạm tự giác kiểm điểm, tự phê bình nghiêm túc, tích cực sửa chữa khắc phục sẽ được xem xét giảm hoặc miễn xử lý kỷ luật.

Việc tổ chức kiểm điểm lần này phải thật sự dân chủ nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, đúng yêu cầu, nội dung cách làm, thời gian theo kế hoạch của Tỉnh ủy. Làm tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình sẽ có căn cứ để hiểu rõ thêm CB, đánh giá, xem xét, sàng lọc đội ngũ CB của cả hệ thống chính trị và chuẩn bị quy hoạch cấp ủy, các chức danh chủ chốt các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.

Kiểm điểm tự phê bình và phê bình là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài, do đó các cấp ủy, tổ chức Đảng, từng ĐV phải thường xuyên tự giác xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, không chờ đến khi tổ chức hội nghị kiểm điểm. Và sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 lần này, cần duy trì nghiêm túc nề nếp, chế độ tự phê bình và phê bình hàng năm, gắn với kiểm điểm theo chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tự phê bình và phê bình đúng theo nghị quyết

Trong khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các cấp ủy Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và mỗi CB, ĐV phải theo các nội dung nghị quyết đã nêu. Cụ thể về tư tưởng đạo đức, lối sống, phải thực hiện quy định về những điều ĐV không được làm; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng và từng ĐV, của người đứng đầu về tình trạng CB, ĐV suy thoái; những hạn chế, yếu kém trong công tác CB nhất là trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí CB. Tình trạng một số trường hợp bố trí CB không đúng ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, quản lý sự phát triển của ngành, địa phương; hạn chế khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là của người đứng đầu.

Khi kiểm điểm cần tập trung liên hệ làm rõ những hạn chế, yếu kém cụ thể nêu trong Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), làm rõ tại sao những hạn chế khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm, nhưng chậm được khắc phục?

Đối với tập thể: Các cấp ủy, tổ chức Đảng kiểm điểm tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của cấp ủy cấp trên về công tác giáo dục tư tưởng chính trị; kiểm điểm về việc quản lý kiểm tra, giám sát CB, ĐV, thực hiện nhiệm vụ ĐV, thực hiện nhiệm vụ về Quy định về những điều ĐV không được làm; tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của CB, ĐV thuộc diện cấp ủy, tổ chức Đảng quản lý. Kiểm điểm thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác tổ chức và cán bộ; tập trung kiểm điểm làm rõ những trường hợp bố trí không đúng làm ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, cơ quan quản lý ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, địa phương. Kiểm điểm thực hiện Quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình, trách nhiệm của tập thể trong việc bàn và ban hành các quyết định của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo...

Đối với cá nhân: Kiểm điểm tự phê bình và phê bình về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kiểm điểm về thực hiện quy định về những điều ĐV không được làm, đi sâu kiểm điểm cá nhân có suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không? Nếu có thì ở mức độ nào? Nội dung suy thoái về tư tưởng chính trị là: Phai nhạt lý tưởng cách mạng không kiên định con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa; mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo nhận thức sai trái quan điểm lệch lạc, không còn ý thức hết lòng vì nước vì dân, không làm tròn bổn phận chức trách được giao, không thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; nói và làm trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết của Đảng. Suy thoái về đạo đức lối sống và sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí, bè phái cục bộ mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của người dân; sống xa hoa hưởng lạc, tham gia tệ nạn xã hội...

Đối với ĐV và cấp ủy, kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân tham gia cùng tập thể cấp ủy khi bàn và quyết định các vấn đề về công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức CB, về việc thực hiện quy chế làm việc.

Các bước tiến hành

Trước khi kiểm điểm phải thực hiện lấy ý kiến của tập thể các cấp ủy tổ chức Đảng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của cấp mình và các đồng chí nguyên là cấp ủy viên, nguyên là các thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc đã nghỉ hưu. Ý kiến góp ý của tập thể, tổ chức được thể hiện bằng văn bản chính thức của tập thể, tổ chức đó. Ý kiến góp ý của cá nhân viết bằng văn bản, ghi rõ họ tên và địa chỉ người góp ý; gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý của cấp mình nếu thấy cần thiết. Ủy ban kiểm tra các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ban Thường vụ cấp ủy, cấp mình nội dung gợi ý kiểm điểm của tập thể cá nhân. Kết quả kiểm điểm là căn cứ xem xét sàng lọc và xây dựng đội ngũ CB của mỗi cơ quan, đơn vị, gắn với quy hoạch cấp ủy, chức danh lãnh đạo, quản lý và CB chủ chốt. Sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này, việc thực hiện chế độ kiểm điểm tự phê bình , phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện thường xuyên hàng năm, gắn với kiểm điểm theo chức trách nhiệm vụ được giao.

Trước khi tổ chức kiểm điểm, cần tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản và tập hợp các ý kiến của Ban Thường vụ các huyện, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy... Việc lấy ý kiến của các đồng chí nguyên là cấp ủy, nguyên là thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh đã nghỉ hưu thì chỉ lấy ý kiến các đồng chí đã nghỉ hưu đang sinh sống, sinh hoạt Đảng tại địa phương...

HÒA NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên