Việc trùng tu, tôn tạo di tích theo đúng quy định và kế hoạch đề ra...

Cập nhật: 01-11-2011 | 00:00:00

Là một trong những địa phương có nhiều di tích, danh thắng (DT, DTh), trong đó có nhiều DT, DTh nổi tiếng như Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Đ, chùa Hội Khánh, núi Châu Thới... Trong những năm qua, các DT, DTh trên địa bàn tỉnh đã góp phần rất lớn vào việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ cũng như thu hút khách tham quan, nâng cao doanh thu của ngành du lịch. Để các DT, DTh ngày càng phát huy hiệu quả, dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí nhưng thời gian qua tỉnh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH, TT&DL) và các địa phương đã luôn quan tâm thực hiện việc trùng tu, tôn tạo di tích (TT, TTDT) và DTh trên địa bàn. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Lê Phan Thuần xung quanh vấn đề TT, TTDT và DTh trong thời gian qua và kế hoạch trong những năm tới.

- Xin ông cho biết tình hình chung của việc TT, TTDT, DTh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

- TT, TTDT đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa của địa phương. Trong thời gian qua, việc TT, TTDT trên địa bàn tỉnh gặp nhiều thuận lợi, nhất là đầu tư, phân bổ nguồn vốn từ Trung ương (chương trình mục tiêu quốc gia), nguồn vốn ngân sách của tỉnh và  nguồn vốn từ xã hội hóa công tác bảo tồn, phần nào đã đáp ứng kịp thời việc trùng tu, bảo quản di tích nhất là những di tích kiến trúc nghệ thuật có chất liệu gỗ...

 

Một góc quang cảnh Khu di tích Vườn cây cao su thời Pháp thuộc (huyện Dầu Tiếng)

Hiện công tác TT, TTDT trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện theo Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi DT ban hành kèm tại Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 26-2-2003 của Bộ VH, TT&DL; đề án: “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DT lịch sử văn hóa và DTh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5979/QĐ-UBND ngày 29-12-2006 và các văn bản pháp lý của bộ, ngành...

Công tác TT, TTDT của tỉnh cũng được thực hiện theo Quy chế quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị DT tại Quyết định số 74/2007/QĐ-UBND, ngày 26-7-2007 của UBND tỉnh Bình Dương. Theo quy chế phân cấp này, những di tích xếp hạng cấp quốc gia do Sở VH, TT&DL làm chủ đầu tư, DT xếp hạng cấp tỉnh do Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị làm chủ đầu tư...

- Những khó khăn chính khi thực hiện TT, TTDT ?

- Hiện nay tỉnh có 42 DT được công nhận, trong đó có 11 DT cấp quốc gia và 31 di tích cấp tỉnh. Đến nay, có 6 DT cấp quốc gia đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng và phát huy DT là nhà cổ Trần Văn Hổ, nhà ông Trần Công Vàng, chùa Hội Khánh, đình Phú Long, DTh núi Châu Thới (từ nguồn vốn xã hội hóa), địa đạo Tam giác sắt (hoàn thành khu trung tâm quần thể tượng đài). Có 4 DT đang lập dự án đầu tư: Chiến khu Đ, Nhà tù Phú Lợi, Sở Chỉ huy Tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, khảo cổ Dốc Chùa sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Những DT cấp tỉnh đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo là nhà ông Nguyễn Tri Quan, trường Mỹ thuật Bình Dương, lò lu Đại Hưng, miếu Mộc Tổ, đình An Sơn, dinh Tỉnh trưởng Phước Thành, địa điểm Mỹ thả bom B52 lần đầu tiên ở Việt Nam, Chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên, chùa Long Hưng và 2 DT: Vườn cây cao su thời Pháp thuộc, Mộ ông Võ Văn Vân (bằng nguồn vốn xã hội hóa). Riêng 2 DT: Căn cứ cách mạng Hố Lang và Rừng Kiến An đang lập dự án đầu tư.

Có thể nói, nhìn chung tình hình TT, TTDT của tỉnh trong thời gian qua được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, ngành... nên đã triển khai việc TT, TTDT đúng theo quy định và kế hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên trong quá trình triển khai tiến độ thi công còn chậm do thủ tục xây dựng phức tạp, thay đổi quy hoạch, ảnh hưởng khủng hoảng tình hình kinh tế có nhiều biến động, giá vật tư liên tục thay đổi... công tác TT, TTDT chỉ mang tính cấp thiết để ngăn chặn sự xuống cấp của di tích. Việc đầu tư còn dàn trải nhiều DT cùng một lúc, nên chưa có DT nào đầu tư đúng mức để làm điểm nhấn thu hút du khách đến Bình Dương. Mặt khác, do kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên chưa làm nổi bật giá trị của di tích, chưa tôn tạo được cảnh quan, khu vui chơi giải trí... vì vậy chưa thu hút được nhiều khách tham quan đến với DT.

- Trong thời gian tới, ngành đã có những giải pháp gì để thu hút khách đến DT?

- Trong thời gian tới ngành sẽ tiếp tục thực hiện đề án “Bảo tồn, tôn tạo DT giai đoạn 2011-2015 với các nhiệm vụ cụ thể như: Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án TT, TTDT, nhất là DT Nhà tù Phú Lợi (là một DT hiện đang thu hút nhiều khách tham quan nhất của tỉnh), địa đạo Tam giác sắt, Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, rừng Kiến An, chiến khu Đ... Phối hợp với ngành du lịch tổ chức lên sóng truyền hình quảng bá, giới thiệu để thu hút khách tham quan đến với DT Bình Dương; tổ chức khai thác các dịch vụ tạo nguồn thu như: quầy lưu niệm, thu vé tham quan DT...; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về DT lịch sử - văn hóa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện kế hoạch liên ngành với chương trình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, vận động các em học sinh, sinh viên các trường học đến tham quan tìm hiểu về DT và trực tiếp chăm sóc DT...

BÌNH MINH (thực hiện)

 

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên