“Viên ngọc quý” của âm nhạc cổ truyền Nam bộ

Cập nhật: 30-03-2017 | 22:00:42

Bình Dương là một trong những “địa danh” gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử, nhiều “nhân kiệt”, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ cũng đã xuất hiện trên vùng đất yêu thương này, tiêu biểu như: Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, cụ Sư Dung, cụ Giáo Khái, cụ Út Búng, NSƯT Nguyễn Văn Thinh, cụ Út Lăng, nhạc sĩ Ba Còn… Cũng tại đất này, năm 1924 (Giáp Tý), soạn giả Quy Sắc cất tiếng khóc chào đời tại xã Tân An, huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), với tên khai sinh là Nguyễn Phú Quý.

 Soạn giả Quy Sắc và phu nhân

 Từ một giáo chức

Thuở nhỏ, Nguyễn Phú Quý theo học chương trình “Thành chung” của Pháp ở Sài Gòn. Đến năm 1943, ông trở về Thủ Dầu Một làm thầy giáo dạy học ở trường Phan Sào Nam và sau đó là trường Lê Tấn Thành (ngôi trường mang tên người sáng lập là anh thứ ba của cố NSND Bảy Nam, cậu ruột của kỳ nữ Kim Cương). Năm 1947, song song với nghiệp làm gia sư, thầy giáo Nguyễn Phú Quý gia nhập vào Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Thủ Dầu Một ở đoàn ca kịch với vai trò sáng tác kịch bản và làm diễn viên cho các vở hài kịch như: “Chiếc ngai vàng mục” (phản ánh, biếm nhẻ vua bù nhìn Bảo Đại); “Lỗi một bước đi” (kêu gọi kẻ lầm đường lạc lối trở về chính nghĩa); “Đi đi” (thuộc dạng nhạc kịch, chiến tích anh hùng du kích hy sinh)…

Vốn xuất thân là nhà giáo, trong số học trò mà ông đến nhà dạy kèm có cô đào Thanh Nga (một nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu cải lương thời hoàng kim với nhiều mỹ danh như: Nữ hoàng sân khấu, Juliette Nga… và là ái nữ của bà bầu Thơ, chủ gánh hát Thanh Minh - Thanh Nga lừng lẫy một thời). Nhờ vậy mà ông thường lui tới hậu trường sân khấu, xem hát và nghĩ đến việc sáng tác kịch bản cải lương. Với sự động viên của gia đình bà bầu Thơ cùng hai soạn giả cải lương danh tiếng thời bấy giờ là Nguyễn Phương và Kiên Giang, ông bắt đầu thâm nhập nghề soạn tuồng và nghệ danh Quy Sắc nhanh chóng được khẳng định trên sàn diễn cải lương thông qua các vở diễn như: Nghiệp giáo; Sơn nữ Phà Ca (tức “Người vợ không bao giờ cưới”, còn được gọi là “Đời sơn nữ”, hợp soạn với soạn giả Kiên Giang, vở tuồng đã giúp NSƯT Thanh Nga đoạt HCV giải Thanh Tâm lần đầu tiên năm 1958); Trăng thề vườn thúy, Má hồng phận bạc và Từ - Kiều ly hận; Khi rừng mới sang thu (hợp soạn với Loan Thảo); Huyện chuột nuôi đề; Tình cô gái Huế… được trình diễn trên các sân khấu đại bang như: Thanh Minh - Thanh Nga, Kim Chưởng và một số đoàn hát khác.

Dấu ấn “để đời”

Trong quãng đời làm nghệ thuật, từng nổi danh với rất nhiều vở tuồng cải lương, được nhiều hãng đĩa, nhiều gánh hát đại bang sử dụng; từng được người trong giới và công chúng hết mực mến mộ, yêu thương; nhưng ấn tượng nhất về soạn giả Quy Sắc có lẽ chính là việc ông góp phần giúp cho cố NS Thanh Hương (ái nữ của danh ca Tư Sạng và NSND - soạn giả Năm Châu, tức Nguyễn Thành Châu) thành Đệ nhứt nữ danh ca vọng cổ do báo Tiếng Dội của miền Nam tổ chức cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, qua bài vọng cổ nổi tiếng của ông có tựa đề “Cô bán đèn hoa giấy”. Ngoài danh ca Thanh Hương, giải thưởng này còn trao cho các nghệ sĩ: NSND Út Trà Ôn - Đệ nhứt nam danh ca vọng cổ (về sau còn được gọi là “Vua vọng cổ”); NSƯT Hoàng Giang-Đệ nhứt kép lẵng, độc và NS Như Ngọc (mẹ ruột của NS Tấn Beo) - Đệ nhứt đào lẵng, độc.

Nhờ kiến thức văn học của một giáo chức, cộng với tâm hồn yêu nghệ thuật cải lương, bút pháp của soạn giả Quy Sắc trong bài vọng cổ “Cô bán đèn hoa giấy” thật mượt mà, trau chuốt. Đề cập đến bản vọng cổ nổi tiếng này, nhiều tài liệu có ghi: Vào thập niên 1950, khi hãng dĩa Hồng Hoa (trước là Asia) của ông bầu Năm Mạnh tung ra thị trường đĩa vọng cổ “Cô bán đèn hoa giấy” của cố soạn giả Quy Sắc, NS Thanh Hương nổi lên như một hiện tượng đặc biệt của làng dĩa nhựa. Danh ca Thanh Hương trở thành nghệ sĩ được săn đón nhất nhờ giọng ca đầy lôi cuốn, tạo nên “cơn sốt” với người ái mộ cải lương qua bản vọng cổ bất hủ này. Nhiều người kể rằng, các rạp hát thời đó khi phát quảng cáo bằng loa phóng thanh trước cửa rạp đều có phát bài “Cô bán đèn hoa giấy” do NS Thanh Hương ca. Một số Đài Phát thanh ở Sài Gòn lúc bấy giờ cũng thường phát bài “Cô bán đèn hoa giấy” theo lời yêu cầu của thính giả trong chương trình cổ nhạc. Cho đến hôm nay, người mộ điệu cao niên (nhất là người trong giới) vẫn xếp “Cô bán đèn hoa giấy” ở vị trí ngang tầm với bài “Tình anh bán chiếu”(của NSND - soạn giả Viễn Châu). Hễ nhớ đến “Cô bán đèn hoa giấy”, người ta ngậm ngùi nhớ đến một soạn giả tài danh của đất Thủ - Bình Dương và đồng thời nhớ đến người nghệ sĩ thể hiện đầu tiên bài vọng cổ này - danh ca Thanh Hương.

Ngoài “Cô bán đèn hoa giấy”, soạn giả Quy Sắc còn nổi tiếng với các bài vọng cổ khác như: “Nắm xương tàn”, “Dưới cổng trường làng” (do NS Hữu Phước ca); “Kiếp hồng nhan”, “Phận làm dâu” (do sầu nữ Út Bạch Lan); “Tình phụ tử” (NSND Út Trà Ôn ca); “Cây trứng cá sau vườn” (NS Minh Cảnh ca); “Nấu bánh đêm xuân” (Minh Vương - Lệ Thủy ca)… Tất cả được thu âm và đều được công chúng ưa thích, đĩa bán rất chạy, phải tái bản nhiều lần với số lượng phát hành rất cao.

Trùng hợp ngẫu nhiên

Trong giới biên soạn cổ nhạc, giữa soạn giả Quy Sắc và soạn giả Viễn Châu có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Hai soạn giả tài năng này có hai bài vọng cổ được người ái mộ yêu thích, qua phần thể hiện của hai đệ nhất danh ca vọng cổ của âm nhạc Tài tử - Cải lương đó là NSND Út Trà Ôn và NS Thanh Hương. Nếu như NSND Út Trà Ôn nổi danh với bản vọng cổ “Tình anh bán chiếu” (của soạn giả Viễn Châu) và “Tình phụ tử” (của soạn giả Quy Sắc) thì NS Thanh Hương “để đời” với bản “Cô bán đèn hoa giấy” (của soạn giả Quy Sắc) và “Đợi chờ” (của soạn giả Viễn Châu).

Sáng ngày 1-6-2010, soạn giả Quy Sắc qua đời ở tuổi 86, khiến giới cổ nhạc và công chúng ái mộ nhạc Tài tử - Cải lương ngậm ngùi, thương tiếc. Quả thật, tác giả “Cô bán đèn hoa giấy”… mất đi, để lại nhiều tiếc nuối cho gia đình, bạn bè, người thân và giới say mê cổ nhạc. Vì soạn giả tài ba Quy Sắc đi qua đời này và đã để lại những tác phẩm đích thực, sáng chói, không chìm với thời gian. Dù nay không còn tại thế, nhưng với những cống hiến cho nghệ thuật dân tộc, người con của quê hương đất Thủ - Bình Dương được tôn vinh là “viên ngọc quý” của âm nhạc cổ truyền Nam Bộ.

 Thạc sĩ PHẠM THÁI BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên