Việt Nam - 40 năm thống nhất, phát triển và hội nhập

Cập nhật: 27-04-2015 | 09:57:58

Đó là chủ đề hội thảo (HT) quốc tế do 4 trường đại học (ĐH), gồm: ĐH KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh, ĐH KHXH&NV Hà Nội, ĐH Khoa học Huế và ĐH Thủ Dầu Một đồng tổ chức vừa diễn ra tại trường ĐH Thủ Dầu Một trong 2 ngày 25 và 26-4 vừa qua. HT đã khép lại, nhưng những báo cáo khoa học do các nhà khoa học trong nước và các học giả quốc tế đóng góp, chia sẻ trong 2 ngày qua đã giúp chúng ta có điều kiện hiểu thêm về lịch sử dân tộc trong 40 năm qua một cách sâu sắc và toàn diện hơn...

TS. Nguyễn Hữu Từ, Phó Bí thư Tỉnh ủy (thứ 3 từ phải sang) tham gia đoàn chủ tọa trong phiên toàn thể hội thảo “Việt Nam - 40 năm thống nhất, phát triển và hội nhập”

Một hội thảo tầm cỡ

Trong những ngày tháng tư lịch sử này, cả nước đang long trọng tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015). Hòa trong không khí của những sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của đất nước, tại Bình Dương cũng diễn ra một HT lớn với sự tham gia, phối hợp của nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu trong cả nước và thu hút sự quan tâm của nhiều học giả trên thế giới, đó là HT quốc tế “Việt Nam - 40 năm thống nhất, phát triển và hội nhập”.

HT không chỉ là hoạt động hòa chung vào không khí kỷ niệm lịch sử của dân tộc Việt Nam, mà còn là một diễn đàn khoa học lịch sử với nhiều ý kiến, đóng góp khoa học nâng cao thêm nhận thức khoa học về 40 năm qua của lịch sử Việt Nam với những thành tựu to lớn trong thống nhất đất nước, đổi mới để phát triển và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện của Việt Nam. Theo Ban tổ chức, sau hơn 8 tháng chuẩn bị, HT đã nhận được khoảng 300 bài nghiên cứu, báo cáo khoa học. Bên cạnh các báo cáo của những đại biểu Việt Nam, còn có sự tham gia của 18 học giả đại diện cho giới Việt Nam học đến từ 10 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới, như: Mỹ, Brazil, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và Úc.

PGS-TS Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Huế, cho biết HT đã nhận được một khối lượng bài viết khá đồ sộ. Theo đánh giá của rất nhiều thành viên tham gia HT, đây là một trong không nhiều HT quy tụ được Ban tổ chức từ 4 trường ĐH lớn trong nước và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhiều chuyên gia tên tuổi trong và ngoài nước, không chỉ ở bài tham luận mà còn ở sự hiện diện đông đảo trong các phiên HT.

Khẳng định, làm rõ nhiều vấn đề

Tham dự HT, các nhà khoa học, những học giả trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận 3 nội dung chủ đề lớn, gồm: Những vấn đề thống nhất đất nước (1954-1975); Những vấn đề về xây dựng và phát triển đất nước trong 40 năm (1975-2015) và Những vấn đề hội nhập quốc tế của Việt Nam trong 40 năm (1975-2015). Bên cạnh những báo cáo có hàm lượng học thuật cao được trình bày tại HT, phần trao đổi, thảo luận, chất vấn, đặt câu hỏi cho các tác giả báo cáo tham luận cũng diễn ra hết sức sôi nổi, thẳng thắn và cởi mở.

Ở chủ đề thứ nhất, các báo cáo, trao đổi đã góp phần làm rõ các câu hỏi do Ban chủ trì HT đặt ra, đó là: Tính tất yếu thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tính tất yếu thất bại của chiến tranh xâm lược thực dân mới trong những năm 1954-1975; chiến thắng ngày 30-4-1975 là kết quả của cả dân tộc trong 20 năm kháng chiến trường kỳ; hòa bình, thống nhất đất nước đã mở ra cho lịch sử dân tộc một thời kỳ mới.

Ở chủ đề thứ hai, HT đã tập trung làm rõ những vấn đề: sự phát triển kinh tế, xã hội trong 40 năm qua (1975-2015) đã khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh của quốc gia thống nhất và phù hợp với quy luật vận động, phát triển hay chưa? Những thách thức trong đổi mới hệ thống chính trị và vấn đề phát triển ổn định, bền vững trong đổi mới; phát triển văn hóa, giáo dục nước nhà; khoảng cách phát triển còn lớn giữa Việt Nam và các nước tiên tiến.

Ở nội dung chủ đề lớn thứ ba, HT đã bàn luận về vấn đề hội nhập quốc tế của Việt Nam thể hiện toàn diện hay có trọng tâm là những đóng góp của Việt Nam đối với thế giới và khu vực; những đóng góp của Việt Nam không phải chỉ có trong thời kỳ toàn cầu hóa và cần được nhìn nhận đánh giá đúng mức, khách quan; những bài học thiết thực rút ra cho Việt Nam cũng như nhiều quốc gia phát triển và hội nhập đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen nhau.

Trong không khí hân hoan của những ngày tháng tư lịch sử này, HT đã góp phần làm nổi bật lên công cuộc thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước Việt Nam trong 40 năm qua với biết bao sóng gió, thử thách. 40 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam kết thúc bằng chiến thắng lịch sử ngày 30-4- 1975. Lịch sử hôm nay đã sang trang mới, nhưng những dư âm của cuộc kháng chiến vĩ đại ấy vẫn còn vang vọng mãi.

GS-TS Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, thắng lợi của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại là kết quả của sự lãnh đạo đầy mưu lược, sáng tạo của Đảng và Bác Hồ, của sức mạnh đoàn kết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhưng trước hết và chủ yếu là thắng lợi của ý chí quyết chiến và quyết thắng của hàng triệu người con đất Việt đã không tiếc máu xương, anh dũng chiến đấu và hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Với thắng lợi đó, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành được mục tiêu thống nhất đất nước, bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên hòa bình, độc lập, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tại hội thảo, PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cũng khẳng định, ngày 30-4-1975 là ngày chiến thắng của dân tộc Việt Nam đối với cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ, là ngày thống nhất non sông, Bắc - Nam sum họp, mở ra một thời kỳ mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam - thời kỳ cả nước xây dựng “một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sức lan tỏa từ hội thảo

Phát biểu tại buổi lễ tổng kết, thay mặt Ban tổ chức, PGS-TS Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Huế, chia sẻ: “HT quốc tế “Việt Nam - 40 năm thống nhất, phát triển và hội nhập” đã khép lại, nhưng sức mạnh lan tỏa của HT sẽ không dừng lại trong phạm vi của tỉnh Bình Dương năng động, hiếu khách bởi lẽ đây là kết quả của một quá trình chuẩn bị hết sức công phu, bài bản, khoa học của Ban tổ chức, Ban chủ trì và từng thành viên tham gia”.

PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một cũng bày tỏ, sau HT này các nhà khoa học sẽ có nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi thông tin, tư liệu về chủ đề của HT để các nhà Việt Nam học, các học giả trong và ngoài nước tiếp tục có những phát hiện mới hơn, đi xa hơn trên con đường tiếp cận chân lý lịch sử. GS-TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Tính chất quốc tế sâu rộng đã làm tăng chất lượng và giá trị khoa học của HT. HT là điểm nhấn trí tuệ của chuỗi hoạt động tiến tới kỷ niệm 40 năm hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước”.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên