Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ động vật hoang dã

Cập nhật: 09-02-2014 | 00:00:00
Việt Nam sẽ cùng các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ cùng giải quyết các vấn đề tội phạm liên quan đến động, thực vật hoang dã, khi tham gia một hội nghị được tổ chức vào tuần tới ở Anh.

 Tê giác một sừng ở Việt Nam đã biến mất. Ảnh: WWF. Tê giác một sừng ở Việt Nam đã biến mất. Ảnh: WWF.

Trong hai ngày 12 và 13-2 tại Anh sẽ diễn ra hội nghị với sự tham gia của đại diện từ khoảng 50 nước trên khắp thế giới nhằm giải quyết vấn đề buôn bán bất hợp pháp sản phẩm động thực vật hoang dã. Sự kiện được chủ trì bởi Thủ tướng Anh David Cameron, Bộ trưởng Ngoại giao William Hague, Bộ trưởng Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Owen Paterson.

Các đại biểu sẽ luận bàn những giải pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng săn trộm đang ảnh hưởng đến một số loài hoang dã mang tính biểu trưng trên thế giới, bao gồm tê giác, hổ, và voi.

Trong thông báo phát đi hôm nay, Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) và Mạng lưới giám sát việc buôn bán động vật hoang dã (TRAFFIC) kỳ vọng các đại biểu sẽ chấp thuận và chính thức thông qua Tuyên bố Hội nghị London thể hiện cam kết chính trị nhằm giải quyết nạn săn trộm và buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã và sản phẩm của chúng.

Việt Nam cũng đã nhận được lời mời tham dự sự kiện quan trọng trên. Theo ông Seng Teak, Giám đốc bảo tồn của WWF Tiểu vùng Mekong mở rộng, Việt Nam tham dự Hội nghị London sẽ tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về cam kết của Chính phủ trong việc chấm dứt tình trạng buôn bán bất hợp pháp động, thực vật hoang dã.

"Việt Nam nên xem việc tham dự Hội nghị London như một cơ hội để thể hiện những hành động nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng sừng tê giác và các phương thức đã được thực hiện để tăng cường thực thi pháp luật nhằm chống lại những đối tượng tham gia vào việc buôn lậu sừng tê giác", ông Seng Teak nói.

Việt Nam đã trở thành một điểm đến của sừng tê giác, thứ được sử dụng phổ biến trong những năm gần đây nhằm thể hiện đẳng cấp hay như một loại thần dược. Nhu cầu cao của Trung Quốc và Việt Nam đã dẫn đến nạn săn trộm tê giác, đặc biệt là tại Nam Phi, nơi có hơn một nghìn con tê giác bị giết hại bất hợp pháp trong 2013.

Năm 2010, Việt Nam đã chịu sự tổn thất nặng nề khi mất đi quần thể tê giác duy nhất - một phân loài đặc trưng của tê giác Java và từng tồn tại với số lượng rất ít tại vườn quốc gia Cát Tiên.

Theo VnE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên