Việt Nam là quốc gia có thuận lợi để phát triển thị trường kỹ thuật số

Cập nhật: 24-11-2019 | 16:34:29

(BDO) Trong khuôn khổ Horasis Bình Dương 2019, chiều 24-11, các chính khách, nhà khoa học và doanh nhân từ các quốc gia trên thế giới đã tham gia phiên thảo luận chủ đề: “Xây dựng tương lai kỹ thuật số chia sẻ, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện”.

 

Các đại biểu đều cho rằng, tăng trưởng số nhanh chóng của châu Á cũng đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp những thách thức mới (Ảnh: Xuân Thi)

Các  diễn  giả  tham dự  phiên thảo  luận  đều có nhận định chung là  người tiêu dùng châu Á đặc biệt năng động khi tích hợp công nghệ vào cuộc sống so với các khu vực khác. Dòng vốn từ các nhà đầu tư vào khu vực cho thấy thương mại trực tuyến tại châu Á đã và đang phát triển rất nhanh chóng. Trong đó, số lượng người dùng smart phone, tiếp cận với internet ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam là một trong những thuận lợi để phát triển thị trường kỹ thuật số. Tuy nhiên, sự tăng trưởng số nhanh chóng của châu Á cũng đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp những thách thức mới nhằm khai thác các lợi ích mà số hóa mang lại trong khi có thể giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra. Cùng với nền tảng bảo mật, an ninh mạng, một số chính sách, quy định pháp luật chưa rõ ràng, rạch ròi đó chính là rào cản lớn để tương lai kỹ thuật số phát triển, trong đó có các giao dịch thương mại điện tử…

Ông Michael Walsh, Tổng thư ký hội đồng hợp tác kinh tế lưu vực Thái Bình Dương - Hồng Kông cho rằng, để xây dựng một tương lai kỹ thuật số và chia sẻ bền vững thì cần phải xem xét mọi góc cạnh liên quan như những người đã sử dụng kỹ thuật số, độ tuổi, giới tính, về những công ty vừa và nhỏ đang đầu tư tài chính cho lĩnh vực này.

Các ý kiến đóng góp tại hội thảo đều cho rằng, hiện các nhà quản lý và hoạch định chính sách của châu Á đang tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu của người tiêu dùng, trong khi đó các doanh nghiệp đang đẩy mạnh khai thác dữ liệu để tạo ra những lợi thế trong các hoạt động kinh doanh.

Khó khăn nhất là vấn đề bảo vệ dữ liệu tại châu Á có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Các khái niệm cơ bản về dữ liệu cá nhân và dữ liệu nhạy cảm vẫn chưa nhất quán, dẫn tới việc xử lý chúng gặp nhiều khó khăn. Do đó, các nhà hoạch định chính sách khu vực cần đưa  ra các phương thức quản lý dữ liệu mà người dân tin tưởng thông qua sự minh bạch, lựa chọn và kiểm soát, bảo mật, sử dụng hợp lý và có trách nhiệm.

“Chúng tôi muốn những người tham dự hội thảo lắng nghe những điều mà họ không thường được nghe, về xu hướng phát triển kỹ thuật số, vì ở đây có những chuyên gia đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực kỹ thuật số như: Ấn Độ, Myanmar, Canada, và Hồng Kông quê hương tôi. Chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm và những quan điểm, để từ đó có được những bước đi đúng hướng. Bởi, chúng ta có thể phạm phải những sai lầm không đáng có nếu chúng ta không chịu lắng nghe”, ông Michael Walsh chia sẻ tại diễn đàn.

Nền kinh tế số có tính chất đa ngành và do đó liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, sản xuất, y tế, giáo dục, giao thông, logistics, du lịch, khách sạn và thực phẩm… Vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh, các  quốc gia châu Á cần xây dựng môi trường pháp lý khuyến khích đổi mới và cạnh tranh, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng thông qua điều tiết và phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan chính phủ.

Minh Duy  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên