Việt Nam - một trong ba nước đi đầu kết thúc chiến dịch bệnh lao

Cập nhật: 14-11-2016 | 20:40:41

 

Cán bộ y tế khám và điều trị cho bệnh nhân lao. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao về công tác phòng chống lao của Việt Nam, đặc biệt là việc lồng ghép các chương trình đào tạo. Cho đến nay, Việt Nam là một trong ba nước đi đầu trong chiến lược kết thúc chiến dịch bệnh lao trên toàn cầu gồm: Việt Nam, Brazil, Nam Phi.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đưa ra tại Hội nghị quốc gia về đào tạo chuyên ngành lao và bệnh phổi, diễn ra sáng 14-1, tại Hà Nội.

Hiện nay, bệnh lao vẫn còn là một gánh nặng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng.

Gánh nặng bệnh lao ở Việt Nam hiện nay vẫn đang ở mức cao, đứng thứ 12 trong 20 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới.

Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh lao đến năm 2020. Trong đó có giải pháp về nguồn nhân lực chính là đào tạo về chuyên ngành lao.

Phát biểu tại hội nghị, phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, qua khảo sát cho thấy nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực ở các tuyến rất lớn. Cán bộ được đào tạo ở nhiều cơ sở khác nhau với các chương trình đào tạo với tài liệu, phương pháp đào tạo khác nhau.

Các nội dung đào tạo chính được cán bộ phòng chống lao quan tâm ở các tuyến từ trung ương, tuyến huyện, tuyến cơ sở gồm: quản lý chương trình, trong đó chú trọng đến vấn đề quản lý chất lượng toàn diện, lập kế hoạch; Dịch tễ học bệnh lao; Quản lý bệnh lao; Phối hợp y tế công tư; Lao đa kháng thuốc…

Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có 10,2 triệu người mắc bệnh lao và có khoảng 1,8 triệu người tử vong vì căn bệnh này trên toàn Thế giới. Tại Việt Nam vẫn có 16.000 người tử vong do bệnh lao trong năm 2015.

Theo phó giáo sư Nhung, hiện nay, Việt Nam đã có nhiều phương tiện chẩn đoán mang tính đột phá theo công nghệ mới có thể phát hiện ra vi khuẩn lao trong vòng 2 giờ đồng hồ. Đặc biệt, ngành y tế có thể điều trị lao đa kháng thuốc, thậm chí siêu kháng thuốc. Việt Nam hiện nay là một trong những nước đã điều trị được lao siêu kháng thuốc nhờ những thuốc chống bệnh lao mới.

Tại hội nghị, nhiều chủ đề được các diễn ra đưa ra thảo luận như: Mô hình đào tạo y khoa: Hiện trạng và tương lai; Thực trạng đào tạo chuyên ngành lao và bệnh phổi 10 trường đại học y trên toàn quốc; Nhu cầu đào tạo chuyên ngành lao và bệnh phổi; Một số dự kiến kế hoạch chuẩn hóa đào tạo chuyên ngành.../. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên