Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài

Cập nhật: 15-02-2019 | 14:56:02

Chiều qua (14-2), tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh đã diễn ra hội nghị “Tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới”. Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì, cùng sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Sau khi lắng nghe những ý kiến, giải pháp của các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam sẽ đổi mới công tác thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào Bình Dương tháng 1-2019. Ảnh: X.THI

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (thứ hai từ trái qua) trao đổi với các nhà đầu tư bên lề hội nghị “Tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới” tổ chức tại Bình Dương chiều 14-2. Ảnh: XUÂN THI

Vốn FDI tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn

Theo báo cáo, từ khi thực hiện đường lối “Đổi mới” của Đảng năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn. Đến hết năm 2018, cả nước có 27.353 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động đến từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đầu tư cam kết khoảng 340,1 tỷ USD, trong đó hơn 191 tỷ USD đã thực hiện. Vốn FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp (chiếm 69,4% tổng vốn đầu tư đăng ký), tiếp đến là dịch vụ (chiếm 29,6%), nông - lâm nghiệp là 1%. Vốn FDI cũng có mặt ở tất cả các địa phương trong cả nước, trong đó vùng Đông Nam bộ chiếm 43,6% tổng vốn đăng ký. Hình thức 100% vốn FDI chiếm đến 71,9% tổng vốn đăng ký, liên doanh 22,1%, hợp đồng BOT (hợp đồng xây dựng - vận hành-chuyển giao), BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), BTO (hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) chiếm 4,1%..

Thực hiện yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Mục tiêu của đề án là đánh giá kết quả thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về đầu tư nước ngoài, đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, phân tích nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế và bất cập, rút ra bài học kinh nghiệm; đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt là xu hướng dòng vốn đầu tư quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng thu hút, sử dụng, quản lý vốn FDI đến năm 2030.

 

Trong những năm gần đây cũng đã diễn ra hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) xuyên biên giới rất sôi động, có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ từ năm 2007. Giai đoạn 2001-2015, số lượng và quy mô hoạt động M&A tăng nhanh, bình quân 143 thương vụ/năm với tổng giá trị đạt khoảng 2,3 tỷ USD/năm, tập trung vào tài chính và bảo hiểm, dầu khí...

Những năm qua, vốn FDI đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn và hiện đại hóa nền kinh tế nước nhà. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI đã thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai... Khối doanh nghiệp FDI cũng giữ vai trò to lớn trong xuất khẩu, từng bước đưa Việt Nam tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, khối doanh nghiệp FDI cũng đã có mối liên kết với khu vực đầu tư trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Sớm giải quyết những hạn chế

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, trong công tác thu hút và sử dụng vốn FDI suốt 30 năm qua của nước ta đã bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là trong bối cảnh mới hiện nay. Theo bà Virginia B.Foote, đồng Chủ tịch Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), đã đến lúc Việt Nam cần quan tâm đến sự bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để thu hút nhiều nhà đầu tư FDI hơn trong thời gian tới. Điều quan trọng là chính sách ưu đãi, luật và thuế cần nhất quán để tạo sự yên tâm hơn trong nhà đầu tư FDI.

Trong khi đó, ông Choi Heung Yeon, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh, cũng lưu ý những điểm nghẽn hiện nay trong việc chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI vào Việt Nam. Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng cần sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan nhằm tiếp tục tạo nguồn lực mới để Việt Nam tăng tốc thu hút đầu tư trong giai đoạn mới.

Có thể nói, hàng loạt ý kiến đóng góp về thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới đã được nêu ra và được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đại diện các bộ, ngành tiếp thu. Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, năm 2018 đã chứng kiến một Việt Nam ổn định và phát triển, nhiều mô hình kinh doanh mới, ngành nghề mới đã xuất hiện và tạo nhiều cơ hội cho nước ta. Tuy nhiên, cũng từ đó xuất hiện nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, tương lai của nền kinh tế cần nâng cao tiêu chuẩn khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tính toán lại nguồn lực đất đai, nhiên liệu thô cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước... Bên cạnh đó, cần thay đổi công cụ marketing, chủ động hơn trong việc thu hút vốn FDI, thay đổi ưu đãi sang hiệu quả giá trị gia tăng suất ưu đãi đầu tư thay vì ưu đãi về thuế như trước đây.

Bình Dương - điểm nhấn thu hút FDI của cả nước

Sau hơn 20 năm phát triển với xuất phát điểm từ một tỉnh nông nghiệp với nhiều khó khăn, tỉnh Bình Dương đã đạt tốc độ phát triển khá mạnh, với tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 14,5%. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã thu hút trên 3.500 dự án FDI đến từ 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký hơn 32,5 tỷ USD, trở thành địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn FDI. Chỉ tính riêng trong năm 2018, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp trên 49,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm gần 20% trong tổng thu ngân sách của tỉnh, góp phần cho GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 130,3 triệu đồng.

Với gần 75% tổng vốn FDI vào tỉnh Bình Dương thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giai đoạn 2011-2016 khu vực doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 67% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh; bảo đảm cho cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo đúng định hướng với công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo. Các doanh nghiệp FDI đã tham gia thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Bình Dương thông qua việc chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI là một nguồn lực to lớn, tạo tiền đề cho Bình Dương phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; làm nền tảng cho việc triển khai các giải pháp cụ thể về phát triển công nghiệp gắn với xây dựng đô thị thông minh.

Năm 2016, tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn đổi mới mô hình phát triển, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, hình thành động lực tăng trưởng mới cho sự phát triển bền vững qua việc ban hành Đề án “Thành phố thông minh - Bình Dương”. Với việc triển khai đề án này, bằng những kinh nghiệm đã được đúc kết của thành phố kết nghĩa Eindhoven, Hà Lan, trong đó bao gồm việc thực hiện mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp), tỉnh Bình Dương hy vọng sẽ mang đến lợi ích hài hòa cho các bên trong quá trình phát triển; hình thành cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền - doanh nghiệp và các viện, trường; tạo ra sức mạnh tổng hợp nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới.

Có thể nói, Đề án “Thành phố thông minh Bình Dương” đã tạo tiền đề để Bình Dương hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, nâng tầm môi trường đầu tư của tỉnh. Cũng thông qua việc triển khai đề án, tỉnh đã hình thành Chương trình chiến lược đột phá Bình Dương 2021, tầm nhìn 2030, xác định phương hướng phát triển bao gồm 46 nhiệm vụ cụ thể, theo 4 lĩnh vực gồm: Con người, công nghệ, doanh nghiệp, các yếu tố nền tảng. Đề án quy hoạch Vùng thông minh Bình Dương bao gồm khu vực phía nam của tỉnh, trong đó thành phố mới là hạt nhân phát triển, tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn tỉnh.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết
Tags
Việt Nam

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên