Viết tiếp những kỳ tích! - Kỳ 12

Cập nhật: 14-12-2016 | 09:05:57

Kỳ 12: Phát triển dịch vụ gắn với đô thị

Từ lợi thế của vùng đất giàu tiềm năng, đón làn sóng đầu tư mới, Bình Dương đã dốc sức phát triển dịch vụ gắn với đô thị. Khát vọng xây dựng đô thị hiện đại, dịch vụ đa dạng từ ý tưởng đến chương trình hành động đô thị cho ngày mai của tỉnh đã dần thành hiện thực.

 

Thời gian qua, Bình Dương quan tâm phát triển dịch vụ gắn với đô thị. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opMart Bình Dương I Ảnh: T.HỒNG

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đề ra mục tiêu tổng quát 5 năm là: Tạo ra bước đột phát mới nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống dân cư, góp phần cải thiện mạnh mẽ đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân; quy hoạch xây dựng định hướng phát triển tỉnh Bình Dương thành đô thị loại I trong 5 - 10 năm tới… Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII cũng chỉ rõ: Chú trọng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị - dịch vụ và bảo vệ môi trường... Đây chính là căn cứ quan trọng để Bình Dương có thêm ngọn lửa niềm tin để xây dựng đô thị cho ngày mai, đồng thời tạo thêm định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên thực tế, từ khi chủ động hội nhập, tăng tốc phát triển, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, bên cạnh những thành tựu, thuận lợi của các nhiệm kỳ trước, trong những năm cuối của nhiệm kỳ 2005 -2010, Bình Dương đã gặp không ít khó khăn trên một số lĩnh vực. Song với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Bình Dương đã vượt qua khó khăn, thách thức.

Giai đoạn 2005-2010, Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, cơ sở hạ tầng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị đã được tỉnh đầu tư mở rộng, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, các ngành dịch vụ như bưu chính - viễn thông, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, điện, cấp nước, vận tải chuyên dùng, thương mại, du lịch, dạy nghề... cũng phát triển mạnh, với nhiều thành phần kinh tế tham gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh nhà. Một điểm nhấn trong phát triển đô thị của tỉnh, trên cơ sở Chương trình phát triển đô thị đến năm 2020 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị Thuận An và Dĩ An; quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị mới trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị Bình Dương...

Đối với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, lĩnh vực giao thông - vận tải, đường giao thông trong các khu công nghiệp, khu đô thị cũng được xây dựng, nâng cấp, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối với các địa phương trong tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong khi đó, phong trào làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị ở các địa phương đã được nhân dân tích cực tham gia. Hoạt động vận tải cũng phát triển mạnh, các tuyến xe buýt được mở rộng trong nội tỉnh và kết nối đến các tỉnh lân cận đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Mạng lưới điện, cấp thoát nước trong giai đoạn 2005-2010 được cũng phát triển mạnh. Riêng về nước sạch, đến năm 2010 đã có 95% hộ dân trong toàn tỉnh được sử dụng nước sạch. Đối với kết cấu hạ tầng bưu chính - viễn thông không ngừng phát triển, chất lượng phục vụ được nâng cao; mạng lưới bưu cục và điện thoại được đưa đến tất cả các khu vực trong tỉnh. Công tác quy hoạch, xây dựng đô thị tiếp tục được chú trọng và ngày càng nâng cao về chất lượng.

Trên lĩnh vực hoạt động tài chính - ngân hàng đã có nhiều đổi mới, chất lượng phục vụ từng bước được nâng cao. Giai đoạn này, nguồn lực huy động vốn dồi dào đã giải quyết cơ bản nhu cầu vốn cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế. Đến năm 2010, toàn tỉnh đã có chi nhánh của 35 ngân hàng thương mại cổ phần và Nhà nước, 4 ngân hàng liên doanh, 1 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 11 quỹ tín dụng, 84 phòng giao dịch.... Các ngân hàng đã lắp đặt 520 máy ATM phục vụ cho nhu cầu rút, gửi tiền, thanh toán các dịch vụ trả lương qua tài khoản thẻ của các cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, việc ưu tiên thực hiện mục tiêu phát triển dịch vụ gắn với đô thị là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa. Từ đó giúp tỉnh Bình Dương phát triển ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao gắn với dịch vụ. Với điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cộng với phát huy tinh thần đoàn kết và nhất trí cao trong toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh là điều kiện thuận lợi để Bình Dương thực hiện thành công chiến lược phát triển dịch vụ gắn với đô thị, mở ra hướng đi bền vững cho Bình Dương sau này.

Kỳ 13: Đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông

 

 THANH HỒNG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên