Viết tiếp những kỳ tích! - Kỳ 15

Cập nhật: 16-12-2016 | 23:40:52

Kỳ 15: Đầu tư hiệu quả kết cấu hạ tầng

 Sau thành công của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, Bình Dương tiếp tục bước vào giai đoạn phát triển mới, trên nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại.

 Kết cấu hạ tầng tốt là đòn bẩy để kinh tế - xã hội của Bình Dương phát triển mạnh mẽ. Ảnh chụp đường ĐT743 đoạn đi qua các trung tâm logistics, ICD Tân cảng Sóng Thần (TX.Thuận An). Ảnh: D.CHÍ

 Hạ tầng - đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội

Những năm qua, Bình Dương đã tập trung triển khai xây dựng nhiều công trình giao thông mang tính đột phá. Điển hình như đường Mỹ Phước - Tân Vạn là tuyến đường đô thị chạy xuyên suốt từ phía nam lên phía bắc của tỉnh đi qua các khu công nghiệp, đô thị, trung tâm logistics tập trung… nhằm rút ngắn thời gian, chi phí và đẩy mạnh giao thương, xuất nhập khẩu của tỉnh. Tuyến đường này được thiết kế giao cắt với đường Vành đai III, mở ra hành lang thông thương hàng hóa từ các khu công nghiệp của tỉnh hướng lên Tây nguyên, về TP.Hồ Chí Minh và đi các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, cầu Ông Cộ, đường ĐT744 nối trung tâm tỉnh lỵ Bình Dương đi qua các di tích lịch sử cách mạng, khu du lịch, khu công nghiệp, cụm cảng ven sông Sài Gòn; là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội của huyện Dầu Tiếng và kết nối các trung tâm thương mại, dịch vụ đô thị phía nam của tỉnh. Còn các công trình cầu Thới An, đường 7A tạo thành trục giao thông ngắn nhất kết nối hệ thống giao thông từ Đông sang Tây, tạo thành thế liên hoàn giữa giao thông đối nội (trong tỉnh) và giao thông đối ngoại (ngoài tỉnh) của vùng, của khu vực và hệ thống giao thông quốc gia.

Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong việc sắp xếp lại đô thị, mở ra nhiều loại hình giao thông vận tải mới, lấy giao thông công cộng làm trung tâm tạo cơ hội lớn cho bất động sản cùng nhiều loại hình dịch vụ khác của tỉnh phát triển. Song song với hệ thống hạ tầng đường bộ, Bình Dương cũng tiếp tục phát huy tiềm năng địa lý là các con sông lớn đi qua địa bàn tỉnh như Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Tính nhằm phát triển hệ thống giao thông thủy gắn với hệ thống cảng sông, cảng cạn (ICD). Qua đó giúp giảm áp lực giao thông đường bộ, tăng tính an toàn và gia tăng giá trị hàng hóa nhờ tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Thành công từ cách làm sáng tạo

Nhiều ý kiến được nêu trực tiếp với lãnh đạo tỉnh tại các cuộc gặp gỡ, học tập kinh nghiệm của các đoàn lãnh đạo tỉnh bạn và cả đoàn quốc tế là vì sao Bình Dương có nhiều tuyến đường lớn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Để có được những công trình này, Bình Dương tìm nguồn vốn từ đâu?

Theo lãnh đạo tỉnh, việc Bình Dương có nhiều tuyến đường lớn cũng dễ hiểu, bởi với số lượng khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Bình Dương đầu tư lớn thì tỉnh phải đầu tư mở rộng đường để đáp ứng nhu cầu phát triển. Còn việc Bình Dương lấy nguồn vốn từ đâu để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng liên hoàn, đồng bộ thì Bình Dương có cách làm sáng tạo của mình. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) - đơn vị được giao nhiệm vụ kiến tạo hệ thống hạ tầng, đường sá, khu công nghiệp của tỉnh, chia sẻ: “Điều quan trọng là chúng tôi biết tìm đối tác cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn và hưởng lợi khi công trình hoàn thành. Khi việc nhỏ thành công thì chúng tôi làm đến việc lớn; khi việc lớn thành công sẽ mở ra cơ hội cho nhiều việc lớn khác…”.

Một “bí quyết” quan trọng khác giúp hệ thống hạ tầng của Bình Dương phát triển như hôm nay là nhờ Quy hoạch đô thị của tỉnh Bình Dương được các chuyên gia giàu kinh nghiệm thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore thực hiện, dựa trên các yêu cầu cơ bản là hiện đại, thân thiện môi trường, không làm thay đổi cảnh quan tự nhiên. Quy hoạch này được chính các nhà thiết kế quản lý, kiểm soát trong suốt quá trình triển khai nhằm bảo đảm tiêu chuẩn của một đô thị năng động, hiện đại và thân thiện môi trường; tách biệt giữa công nghiệp, dịch vụ, đô thị nhưng không tách rời các bộ phận này với nhau.

Ông Hùng lý giải, nếu khu công nghiệp mà tách rời khu dân cư đô thị sẽ phát sinh chi phí đi lại, làm tăng giá thành của nhà đầu tư. Ngược lại, khi bố trí dân cư đô thị hợp lý với công nghiệp sẽ tạo điều kiện tốt để kích thích lẫn nhau phát triển. Điều này còn giúp cư dân địa phương đã hợp tác giải tỏa, nhường đất để xây dựng hạ tầng, khu công nghiệp có điều kiện chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế bằng dịch vụ, thương mại. Điều quan trọng của việc quản lý, kiểm soát quy hoạch là không để xảy ra khoảng cách trong tiếp cận, hưởng thụ các lợi ích của đô thị mang cho người dân nông thôn và thành thị.

 Kỳ 16: Vốn đầu tư nước ngoài vượt mốc 25 tỷ USD

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên