Võ thuật cổ truyền TP.Thủ Dầu Một: Từng bước khẳng định vị thế

Cập nhật: 11-03-2016 | 08:53:32

Được thành lập cách đây 30 năm (1986), với tên gọi ban đầu là Câu lạc bộ Thiếu Lâm Long Phi, nay là Hội Võ thuật cổ truyền thành phố, hội đã từng bước khẳng định vị thế, thu hút đông võ sinh tập luyện, gặt hái nhiều huy chương cho thể thao Bình Dương. Đặc biệt, hội còn là đơn vị võ thuật đầu tiên trong tỉnh lồng ghép giữa võ và nhạc để tạo nên những bài biểu diễn võ nhạc đặc sắc đại diện tỉnh tham dự Liên hoan quốc tế võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Bước đầu thành lập


 Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền TP.Thủ Dầu Một hướng dẫn võ sinh tập luyện các tiết mục võ nhạc

Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền TP.Thủ Dầu Một cho biết, những ngày đầu thành lập, CLB có 1 võ sư, 4 huấn luyện viên (HLV) phụ tá cùng 180 võ sinh. Con số này tăng dần lên, đến nay gần 500 võ sinh, 8 HLV cấp cao, 12 HLV trung cấp và 36 hướng dẫn viên. Để đạt được kết quả trên, các võ sư, HLV đã không ngại khó, ngại khổ để truyền thụ những nét tinh hoa của môn võ cổ truyền cho thế hệ trẻ. Bên cạnh dạy võ còn hướng các em đến chân - thiện - mỹ, lối sống đạo đức để xứng đáng với những bậc tiền bối đã khai sinh ra môn võ cổ truyền của dân tộc.

Hội Võ thuật cổ truyền thành phố luôn tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và xây dựng đức tính tốt cho đội ngũ HLV, võ sinh. Hàng năm, qua các giải toàn quốc, khu vực, liên hoan quốc tế, võ sinh của hội đã gặt hái nhiều thành tích, đóng góp nhiều huy chương cho tỉnh. Hội có 5 lần tham gia Liên hoan quốc tế võ thuật cổ truyền Việt Nam tại Bình Định và đều có tiết mục xuất sắc được chọn công diễn bế mạc.

Với những kết quả đạt được, năm 2002, Hội Võ thuật cổ truyền thành phố được Ủy ban Thể dục thể thao (TDTT) tặng huy chương Vì sự nghiệp TDTT cùng với nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL).

Đặc sắc võ nhạc

Bên cạnh tập luyện, thi đấu các giải trong ngoài tỉnh, Hội Võ thuật cổ truyền thành phố còn được biết đến với những bài biểu diễn võ nhạc đẹp mắt, ấn tượng. Ông Trí giải thích, theo xu thế chung của phong trào võ nhạc cả nước, năm 2006, ông đã suy nghĩ và dàn dựng các tiết mục biểu diễn bằng cách kết hợp các bài quyền trên nền nhạc mang âm hưởng dân tộc, ca ngợi lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, được các võ sinh đón nhận và tập luyện vô cùng hào hứng.

Cũng trong năm 2006, hội vinh dự được đại diện võ thuật cổ truyền Bình Dương góp mặt tại Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam và để lại nhiều ấn tượng. Từ đó đến nay, liên hoan tổ chức 2 năm 1 lần, thì cái tên Võ cổ truyền Thủ Dầu Một luôn nằm trong danh sách các đội khách mời tham dự. Hiện nay, hội đang tập luyện để biểu diễn trong lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thể thao Việt Nam của tỉnh (27.3.1946 - 27.3.2016); tham dự Liên hoan võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ tổ chức vào cuối tháng 8 tại Bình Định.

Đam mê võ thuật bao nhiêu, thì khi đến với võ nhạc, tình yêu dành cho võ thuật cổ truyền dân tộc trong các võ sinh càng thăng hoa thêm bấy nhiêu. Tuy nhiên, so với luyện võ thông thường, thì để thực hiện một chương trình sân khấu hóa võ nhạc kéo dài khoảng 10 phút như các tiết mục “Vươn vai Phù Đổng”, “Nòi giống tiên rồng” lại rất vất vả, mất nhiều thời gian và công sức. Thế nhưng, được tham gia biểu diễn, được tập luyện võ nhạc từ võ sư, HLV đến võ sinh trong hội vui, phấn khởi, hăng hái tập luyện.

Từ mục đích ban đầu chỉ tập vì đam mê và hoàn thành nhiệm vụ do Sở VH-TT&DL giao tại Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam 2006. Đến nay, các tiết mục võ nhạc sân khấu hóa của hội được nhiều khán giả biết đến hơn, cũng như nhận được nhiều lời mời biểu diễn tại TP.Thủ Dầu Một và một số huyện, thị trên địa bàn tỉnh.

 T.LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên