Vốn FDI “chảy” mạnh vào lĩnh vực sản xuất

Cập nhật: 27-03-2019 | 07:42:52

Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn, uy tín trên thế giới đã mạnh dạn rót vốn vào lĩnh vực sản xuất tại Bình Dương. Đây được xem kết quả tốt đẹp đối với tỉnh nhà cũng như ngành sản xuất công nghiệp của cả nước.

 Tại Bình Dương, lĩnh vực sản xuất “hút” vốn FDI. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất dao, nĩa inox xuất khẩu tại Công ty Sung Hwang Vina (TX.Tân Uyên). Ảnh: KHÁNH VINH

 Nhiều nhà máy khởi động

Những ngày cuối năm 2018, Tập đoàn Cargill (Hoa Kỳ) chính thức khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi với tổng vốn đầu tư 28 triệu USD tại Bình Dương nhằm phục vụ nhu cầu của người chăn nuôi gia súc, gia cầm tại khu vực phía Nam. Được xây dựng trên diện tích đất 48.000m2, nhà máy này sẽ cung cấp ra thị trường nhiều chủng loại thức ăn phục vụ chăn nuôi heo và gia cầm với công suất 240.000 tấn/năm. Đây là nhà máy sản xuất dinh dưỡng vật nuôi thứ 12 của Cargill tại Việt Nam, đồng thời là nhà máy được trang bị công nghệ hiện đại nhất và có quy mô lớn nhất.

Bình Dương với vị thế kinh tế chiến lược của Việt Nam, là địa điểm lý tưởng cho Cargill đặt nhà máy mới này. Đặc biệt là khi trong những năm gần đây, tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Mới đây, Công ty Chinli Việt Nam cũng đã tổ chức khánh thành, chính thức vận hành nhà máy sản xuất đế giày phục vụ ngành giày da xuất khẩu tại Bình Dương. Nhà máy Chinli Mỹ Phước (TX.Bến Cát) được xây dựng trên diện tích 5 ha, đáp ứng một phần nhu cầu đế giày cho ngành giày da trong nước và khu vực. Công ty Chinli Việt Nam cũng là đối tác của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Asics, Mizuno, Adidas, Skechers, Nike... Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn đánh giá cao và rất trân trọng dự án đầu tư của Công ty Chinli Việt Nam. Ông cũng tin tưởng và hy vọng rằng, với kinh nghiệm, nỗ lực không ngừng, công ty sẽ đưa nhà máy sớm đi vào hoạt động hiệu quả, quan tâm bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, đồng thời chăm lo thật tốt đời sống của người lao động.

Các chuyên gia cho biết, việc nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ là cơ hội để thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực được nhìn nhận là có nhiều lợi thế như dệt may, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, linh kiện điện tử… Đó cũng là cơ sở để kỳ vọng trong năm 2019 sẽ có nhiều dự án FDI vào lĩnh vực sản xuất tại Bình Dương.

Nhờ mạnh dạn đổi mới mô hình phát triển, Bình Dương đã tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, trở thành địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với trên 3.500 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 32,5 tỷ USD. Thời gian qua cũng ghi nhận sự “đổ bộ” của dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, với hàng loạt dự án lớn, có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động vào Bình Dương.

Đáng chú ý, trong số các dự án FDI vào tỉnh có gần 75% thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Khu vực doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 67% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, góp phần cho nền kinh tế tỉnh nhà chuyển dịch theo đúng định hướng, với công nghiệp - dịch vụ đóng vai trò chủ đạo và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương thông qua việc chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất. Kết quả nói trên cũng tạo tiền đề cho Bình Dương phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, làm nền tảng cho việc triển khai các giải pháp cụ thể về phát triển công nghiệp gắn với xây dựng đô thị thông minh.

Chuẩn bị tốt để “hút vốn” nhà đầu tư lớn

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong năm qua, Bình Dương đứng thứ 4 cả nước về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt 2,204 tỷ USD, vượt 57% so với kế hoạch đề ra.

Theo ông Trúc, các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư như công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao… đang thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài và đã có nhiều dự án có quy mô vốn lớn được tỉnh cấp phép. Đáng kể trong số này có 2 dự án kinh doanh dịch vụ logistics, bất động sản công nghiệp do Tập đoàn Tài chính Warburg Pincus (Hoa Kỳ) liên doanh với Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư tại Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng và KCN Mỹ Phước 3 có tổng vốn đăng ký 135,2 triệu USD. Cùng với đó là Dự án sản xuất các sản phẩm màng nhựa của Công ty TNHH Gunze Plastics & Engineering Việt Nam (Nhật Bản) tại KCN Việt Nam - Singapore II-A có vốn đăng ký 40 triệu USD.

Nổi bật còn có dự án Nhà máy sản xuất bao bì công nghiệp của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper (Đài Loan), đã hoàn thành giai đoạn I và đi vào hoạt động từ đầu năm 2019. Dự án này có vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD, được cấp phép vào cuối năm 2015. Thời gian qua, chủ đầu tư dự án này đã nhiều lần tiếp xúc với các cơ quan chức năng để chuẩn bị các thủ tục điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm khoảng 700 triệu USD.

Trong năm 2019, Bình Dương tiếp tục đổi mới công tác thu hút vốn FDI. Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, các ngành công nghiệp tạo ra giá trị sản phẩm lớn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đất đai, đồng thời giảm dần các dự án, ngành nghề thâm dụng lao động. Ông Trúc cho biết thêm, tới đây Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh và các công ty đầu tư, phát triển hạ tầng KCN tăng cường xúc tiến đầu tư, tiếp thị nhằm thu hút các dự án mới. Cùng với đó, sở tiếp tục phối hợp rà soát và nắm bắt nhu cầu tăng vốn của các dự án đang triển khai, trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án mở rộng sản xuất, kinh doanh.

 Theo quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020, KCN Lai Hưng (Bàu Bàng) có diện tích 600 ha được dành để thu hút các doanh nghiệp khoa học - công nghệ vào đầu tư. Qua đó sẽ hình thành một KCN riêng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, từ đó thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trên địa bàn phát triển. Dự án này đã được tỉnh Bình Dương phối hợp với đối tác Hà Lan để nghiên cứu và triển khai những phần việc đầu tiên trong năm 2018.

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên