Vốn FDI đầu tư vào công nghiệp phụ trợ dệt may tăng mạnh

Cập nhật: 08-10-2014 | 09:04:49

Trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, dệt may là ngành hàng đang có giá trị xuất khẩu cao nhất hiện nay. Để ngành này ổn định và cạnh tranh tốt, việc đẩy mạnh các giai đoạn sản xuất phụ trợ gồm nguyên phụ liệu, kéo sợi, dệt vải… hiện được các doanh nghiệp (DN) quan tâm và đầu tư, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tăng tốc vốn đầu tư

Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh hiện nay. Với thế mạnh và tiềm năng hiện có, việc phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành này tại Bình Dương cũng như cả nước được DN chú trọng đầu tư trong thời gian gần đây, nhất là các DN có vốn FDI. Trong nguồn vốn FDI đầu tư hơn 1,43 tỷ USD vào tỉnh 9 tháng đầu năm 2014, vốn cho công nghiệp phụ trợ ngành dệt may tăng tốc đáng kể.

Công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng dệt may. Trong ảnh: Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH Một thành viên May mặc Bình Dương. Ảnh: T.MINH

Dự án lớn nhất lĩnh vực phụ trợ ngành dệt may là nhà máy sản xuất vải dệt các loại của Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile (hợp tác giữa Tập đoàn Haputex Development Limited của Hồng Kông và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương) vừa khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Việt Hương 2 (TX.Bến Cát). Ông Hàn Vay Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty cho biết, dự án nhà máy sản xuất vải có vốn đầu tư 120 triệu USD, quy mô xây dựng trên diện tích 12 ha này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2015. Sau khi triển khai qua 3 giai đoạn, nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho 3.000 lao động và cung cấp gần 100 triệu mét vải/năm cho ngành may mặc.

Trước đó, đầu năm 2014 Công ty TNHH KyungBang Việt Nam tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) đã tăng vốn đầu tư thêm hơn 54,2 triệu USD để mở rộng sản xuất sợi cotton chất lượng cao nhằm phục cho ngành dệt may tại Việt Nam và xuất khẩu. Điều đáng nói, đây là DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may chỉ mới đi vào hoạt động từ tháng 5-2013 với nhà máy sản xuất sợi giai đoạn I 40 triệu USD. Sau khi tăng vốn, công ty đã nâng vốn đầu tư lên hơn 94,2 triệu USD.

Tiềm năng và lợi thế

Chỉ trong thời gian ngắn tỉnh đã thu hút những dự án đầu tư lớn vào công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may từ các nhà đầu tư FDI. Các nhà đầu tư này cho rằng, cùng với môi trường đầu tư thuận lợi và hiệu quả đã được chứng minh, những tác động tích cực của việc đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần đây giúp họ tự tin đầu tư vào lĩnh vực này tại tỉnh.

Theo ông Marcus IP, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile, việc Tập đoàn Haputex Development Limited hợp tác xây dựng nhà máy tại tỉnh là vì nền kinh tế Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng tốt và Bình Dương có công nghiệp phát triển mạnh, có môi trường đầu tư thuận lợi, trong khi Việt Nam sắp tham gia TPP. “Chúng tôi tin rằng, khi TPP được ký kết, các sản phẩm của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn khi thâm nhập thị trường các nước thuộc TPP”, ông Marcus IP tự tin cho biết.

Việc phát triển công nghiệp phụ trợ nói chung và cho ngành dệt may nói riêng được tỉnh rất quan tâm. Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh rất hoan nghênh các DN đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ dệt may để kịp thời đáp ứng nhu cầu nguyên liệu tại chỗ, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả cho ngành dệt may của tỉnh trong thời gian tới. Ông Lê Thanh Cung cũng cho rằng, để khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hiện nay tỉnh đã quy hoạch và xây dựng tại Khu công nghiệp Bàu Bàng một khu công nghiệp chuyên ngành, rất phù hợp cho DN thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ dệt may đến đầu tư. Việc này sẽ góp phần giúp DN có nhiều lợi thế để đón đầu cơ hội và phát huy hiệu quả khi Việt Nam tham gia TPP.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may đạt kim ngạch hơn 15,5 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, Bình Dương xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ; chiếm 12,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh và chiếm hơn 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may cả nước.

 

TRỌNG MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên