Vòng 1/8 Euro 2016: Sức mạnh của phòng ngự phản công

Cập nhật: 28-06-2016 | 09:06:02

 Lượt trận vòng 1/8 Euro 2016 lắng đọng nhiều cảm xúc bởi chất kịch tính của thể thức đấu loại trực tiếp. Dù chiến thắng gọi tên những chiến lược gia chọn lối đá phòng ngự phản công, nhưng điều đó hoàn toàn hợp lý khi chênh lệch trình độ giữa các đội ngày càng thu hẹp.

Vòng đấu bảng ghi nhận 11/36 trận hòa, trong đó có đến 4 trận kết thúc không có bàn thắng. Các đội bóng lần đầu tham dự đều là ẩn số khó lường. Khát khao cống hiến của những tuyển thủ Albania, Iceland… mà tên tuổi vẫn còn xa lạ càng gây bất ngờ cho Euro 2016. Các tân binh như Slovakia, Romania, Iceland, Bắc Ailen… đều ưa thích triết lý bóng đá phòng ngự phản công với sơ đồ 4-2-3-1. Ngoài Romania kém may mắn bị loại, phần còn lại xứng đáng vượt qua vòng bảng. CH Ailen đã thành công khi đổ bê tông trước khung thành thủ môn Randolph, nhưng họ phải trả giá bằng thất bại 0-3 trước Bỉ khi chuyển sang chơi đôi công vào đầu hiệp 2. Trong khi đó, lối đá tấn công quyến rũ suýt chút nữa khiến Bồ Đào Nha (BĐN) hay Bỉ sớm xách vali về nước khi đối đầu với các đội bóng “hạt tiêu”. Euro lần này có quá nhiều thủ thành xuất sắc góp phần đưa bóng đá phòng ngự lên ngôi. Đó sẽ là những diễn viên chính trong màn đá phạt luân lưu 11m, góp phần quyết định khả năng tiến xa của các đội bóng.


Ronaldo
(trái) đã biết lùi về tranh chấp như 1 hậu vệ

Trong số các đại gia bóng đá châu Âu, Ý luôn trung thành với lối đá phòng ngự cổ điển Catenaccio. Họ tung ra những “tuyệt chiêu” phản công khi tiếng còi mãn cuộc sắp vang lên và Bỉ, Thụy Điển đành phơi áo trước nước cờ cao tay của HLV Conte. Bước vào vòng 1/8, thiên hướng chơi phòng ngự càng thể hiện rõ nét khi BĐN rút ra nhiều bài học quý giá ở vòng bảng. Ronaldo biết rằng khó có đất để anh “dụng võ” trước Croatia vừa hạ gục Tây Ban Nha 2-1. Lần đầu tiên CR7 thu mình, lùi sâu và có lúc trở thành 1 hậu vệ, sẵn sàng tranh bóng hoặc phạm lỗi khi cần. Cuối cùng từ pha phản công nhanh ở phút 117, Ronaldo đã tung cú sút bật tay thủ môn Subasic để Quaresma băng lên đánh đầu ấn định chiến thắng 1-0 trước Croatia. Trong khi đó, chủ nhà Pháp suýt ôm hận nếu như CH Ailen sau khi sớm mở tỉ số nên sớm chuyển sang phòng ngự phản công, có lẽ “Gà trống” khó lòng lội ngược dòng với chiến thắng 2-1. Hungary trung thành với lối đá đẹp, họ chiếm ưu thế khi chơi ép sân. Với HLV M.Wilmots, ông khôn ngoan áp dụng lối đá phòng ngự phản công, khoét sâu vào hàng thủ lỏng lẻo của đối phương, tổ chức phòng ngự chặt phản công nhanh và đánh bại Hungary 4-0 để đưa Bỉ vào tứ kết. Ngay Đức cũng phải khai thông bế tắc nhờ cú sút xa của trung vệ Boateng mới có thể giành chiến thắng 3-0 trước Slovakia không còn gì để mất. Hầu hết các đội bị loại đều không có hàng thủ chắc chắn. Càng vào sâu, xu hướng chơi phòng ngự phản công tiếp tục được áp dụng. Người hâm mộ sẽ còn “hằn sâu khóe mắt” khi các trận cầu có thể kéo dài đến 120 phút hoặc phải giải quyết bằng “trò chơi tử thần” khi sút luân lưu 11m và điều đó càng khẳng định sức mạnh của bóng đá phòng ngự phản công.

 BA KHÔI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên