Vụ án ông Nguyễn Hồng Khanh, Nguyên Bí thư Thị Ủy Bến Cát: Làm rõ nhiều sai phạm

Cập nhật: 29-03-2019 | 04:57:39

 Năm 2015, cũng với phương thức như các lần trước, Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Quang Lộc tiếp tục đồng ý cho bà Hiệp bán cho ông Nguyễn Hồng Khanh 52.242,2m2. Sau đó hồ sơ tách thửa của bà Hồ Thị Hiệp được UBND huyện Bến Cát phê duyệt.

Gây thất thoát tài sản Nhà nước

Theo tờ trình của Nguyễn Quang Lộc, giá bán mảnh đất trên dự kiến là 2,797 tỷ đồng và được Nguyễn Huy Hùng phê duyệt. Ngày 20-3-2015, bà Hiệp ký hợp đồng chuyển nhượng cho vợ của ông Nguyễn Hồng Khanh với giá 2,7 tỷ đồng. Cũng trong tháng 3-2015, bà Hiệp tiếp tục xin bán tài sản 20.000m2 đất sản xuất, kinh doanh; 15.463m2 đất nông nghiệp và máy móc thiết bị của Công ty An Tây. Lần này, Nguyễn Huy Hùng tổ chức thuê đơn vị thẩm định giá với máy móc thiết bị trị giá hơn 791 triệu đồng và 20.000m2 đất sản xuất, kinh doanh có trị giá hơn 3,9 tỷ đồng; 15.463m2 đất nông nghiệp được định giá hơn 865 triệu đồng. Thế nhưng, sau đó bà Huỳnh Thị Phương Anh (vợ ông Nguyễn Hồng Khanh) có văn bản gửi Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn đề nghị mua phần đất 20.000m2 với giá 3 tỷ đồng và được Nguyễn Huy Hùng phê duyệt, riêng phần máy móc thiết bị bán cho Nguyễn Hồng Thoại giá 300 triệu đồng cùng phần đất nông nghiệp 15.463m2 giá 850 triệu đồng.

Ngoài ra, tờ trình có nội dung sau khi bà Hiệp bán hết tài sản, bà Phương Anh sẽ hỗ trợ cho bà Hiệp tiếp tục sống ở ngôi biệt thự có trên đất, mỗi tháng hỗ trợ cho bà Hiệp 10 triệu đồng cho đến khi chết hoặc hỗ trợ 500 triệu đồng nhưng gửi ở ngân hàng và chi mỗi tháng từ 5 - 10 triệu đồng. Sau khi phê duyệt tờ trình, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn tiếp tục xóa đăng ký thế chấp đối với 20.000m2 đất sản xuất công nghiệp. Riêng 15.463m2 đất nông nghiệp do không đưa vào đăng ký thế chấp khi sang tên cho bà Hiệp trước đó nên không làm thủ tục xóa thế chấp. Đối với máy móc thiết bị, sau khi mua được Nguyễn Hồng Thoại giao lại cho Nguyễn Hồng Khanh bán cho người khác để thu lợi.

Trong khi đó, theo kết luận định giá của Hội đồng định giá đối với diện tích 20.000m2 đất sản xuất công nghiệp thời điểm chuyển nhượng có trị giá hơn 8,5 tỷ đồng; phần đất nông nghiệp 15.463m2 có trị giá hơn 4,7 tỷ đồng.

Căn biệt thự nằm trên phần đất liên quan đến vụ án

Cơ quan điều tra xác định, sau khi xử lý tài sản thế chấp, ông Nguyễn Hồng Khanh đã mua tổng cộng 181.905,2m2, trong đó có 20.000m2 đất công trình công nghiệp. Công ty Cơ khí Thiên Phát Lộc mua trúng đấu giá phần đất 20.000m2 đất xây dựng công trình công nghiệp do Công ty An Tây thế chấp tại Ngân NN&PTNN Thủ Đức. Tuy nhiên, thực tế phần đất nông nghiệp này được thế chấp tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn. Phần đất 1.689,2m2 chưa được xử lý nhưng Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Quang Lộc không kiểm tra chặt chẽ dẫn đến bỏ sót tài sản thế chấp, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Điều chỉnh ranh để chiếm đất

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng xác định hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ khi làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho Nguyễn Hồng Khanh và Nguyễn Trung Kiên, do sai sót của cán bộ đo vẽ địa chính là Nguyễn Thành Luân (SN 1986, ngụ TX.Bến Cát) nên hai GCNQSDĐ có phần đất chồng lấn lên nhau với diện tích 987,8m2. Mặc dù cả ông Khanh và Kiên biết rõ việc chồng lấn ranh đất nhưng không tiến hành thủ tục yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định mà tự thỏa thuận điều chỉnh ranh đất. Thông qua việc điều chỉnh này, ông Khanh và Kiên chiếm đoạt luôn phần đất có diện tích 1.698,2m2 của bà Nguyễn Hiệp Hảo. Trong đó Nguyễn Hồng Khanh chiếm đoạt 844,7m2 bằng việc làm hồ sơ hợp thửa và điều chỉnh ranh đất lấn sang phần đất còn lại của bà Hảo; Nguyễn Trung Kiên chiếm đoạt phần đất có diện tích 844,5m2 bằng việc kê khai giả tạo về nguồn gốc đất nhận chuyển nhượng từ năm 2007.

Cơ quan điều tra còn thu thập đầy đủ chứng cứ xác định cá nhân ông Nguyễn Hồng Khanh đã có hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể, ngày 25-5-2015, bà Hồ Thị Hiệp có ký biên bản bàn giao tài sản cho Huỳnh Thị Phương Anh nhưng bà Phương Anh không có mặt mà do ông Nguyễn Hồng Khanh ký thay và giữ bản chính. Sau đó ông Nguyễn Hồng Khanh đã tự ý dùng bút bi chỉnh sửa từ “là” thành “và” trong biên bản bàn giao có nội dung thành “Toàn bộ tài sản và (bản gốc từ “là”) vật kiến trúc có trên thửa đất mà bà Huỳnh Thị Phương Anh đã mua từ Công ty TNHH SXTM An Tây và của bà Hồ Thị Hiệp, Nguyễn Hiệp Hảo, bao gồm: ngôi nhà biệt thự, nhà xưởng cũ nằm kế biệt thự, nhà mát phía trước biệt thự, nhà bảo vệ trước cổng, các nhà công nhân, căn- tin, nhà ăn…”. Theo cơ quan điều tra, việc chỉnh sửa này đã mở rộng diện tài sản nhận bàn giao từ giới hạn là những vật kiến trúc có trên đất thành tất cả tài sản hiện diện trên đất, nhằm mục đích chiếm đoạt toàn bộ tài sản còn lại của bà Hiệp.

Điều đáng nói, lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, bằng mối quan hệ với Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Đông Nam bộ, là đơn vị đóng quân trên địa bàn, ông Nguyễn Hồng Khanh đã đề nghị đơn vị cử 2 chiến sĩ đến Công ty An Tây để canh giữ tài sản cho mình. Ngoài ra, trong thời gian cho người trông giữ, ông Nguyễn Hồng Khanh đã tự ý cho chị ruột lấy đi một số tài sản trong căn biệt thự. Trên cơ sở tài liệu của cơ quan công an thể hiện Nguyễn Hồng Khanh có hành vi gian dối trong việc tự ý chỉnh sửa nội dung biên bản bàn giao tài sản và thông qua lực lượng chức năng để chuyển dịch trái phép tài sản cá nhân của bà Hiệp thành tài sản riêng của mình. Đối với phần tài sản là công trình xây dựng có trên đất đã được cơ quan điều tra, Công an tỉnh yêu cầu Hội đồng giám định xác định giá trị nhưng cho đến nay chưa có kết quả.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, cho biết ngày 12- 3-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Khi có kết luận định giá sẽ phục hồi điều tra, xử lý sau.

Như vậy, tổng số tiền Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn bị thất thoát sau khi xử lý tài sản thế chấp là hơn 36 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định các bị can Hùng, Lộc, Khanh liên đới chịu trách nhiệm số tiền hơn 35,7 tỷ đồng bị thất thoát; bị can Hùng, Lộc liên đới chịu trách nhiệm về số tiền hơn 491 triệu đồng khi xử lý tài sản là máy móc thiết bị và số tiền hơn 748 triệu đồng khi để thất thoát phần đất 1.689,2m2 còn lại của bà Hảo chưa được xử lý để thu hồi nợ.

Hành vi phạm tội của các bị can Lê Hoài Linh (37 tuổi, nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TX.Bến Cát), Nguyễn Thành Luân (33 tuổi, nguyên cán bộ đo vẽ địa chính), Nguyễn Minh Tâm (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã An Tây) và Đặng Văn Thọ (50 tuổi, nguyên cán bộ địa chính xã An Tây) trong việc cấp GCNQSDĐ cho Nguyễn Trung Kiên đối với thửa đất 757 có diện tích 1.749,5m2, trong đó có 844,5m2 của bà Hảo còn là tải sản thế chấp tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn và 905m2 đất do Nguyễn Hồng Khanh điều chỉnh dư ra. Việc Nguyễn Trung Kiên kê khai nguồn gốc giả tạo mua từ năm 2007 là sai quy định trong việc cho tặng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên về nguồn gốc tài sản thì do được sự chấp thuận của chủ tài sản nên không xem là thiệt hại. Các bị can Linh, Luân, Tâm và Thọ đã gây thiệt hại phần đất 844,5m2 của bà Hảo đang thế chấp tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn có trị giá hơn 577 triệu đồng.

Trên cơ sở chứng cứ tài liệu trong hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố các bị can Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Quang Lộc và Nguyễn Hồng Khanh về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; đề nghị truy tố các bị can Nguyễn Thành Luân, Lê Hoài Linh, Nguyễn Minh Tâm và Đặng Văn Thọ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Riêng trường hợp bà Hồ Thị Hiệp hưởng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng từ tiền bán tài sản thế chấp do Nguyễn Hồng Khanh thanh toán bằng tiền mặt được xác định là số tiền thu lợi bất chính, nhưng do bà Hiệp đã chết nên không truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng số tiền này phải được thu hồi khi giải quyết vấn đề dân sự có liên quan trong vụ án.

 Cơ quan điều tra còn thu thập đầy đủ chứng cứ xác định cá nhân ông Nguyễn Hồng Khanh đã có hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể, ngày 25-5-2015, bà Hồ Thị Hiệp có ký biên bản bàn giao tài sản cho Huỳnh Thị Phương Anh nhưng bà Phương Anh không có mặt mà do ông Nguyễn Hồng Khanh ký thay và giữ bản chính. Sau đó ông Nguyễn Hồng Khanh đã tự ý dùng bút bi chỉnh sửa từ “là” thành “và” trong biên bản bàn giao nội dung thành “Toàn bộ tài sản và (bản gốc từ “là”) vật kiến trúc có trên thửa đất mà bà Huỳnh Thị Phương Anh đã mua từ Công ty TNHH SXTM An Tây và của bà Hồ Thị Hiệp, Nguyễn Hiệp Hảo, bao gồm: Biệt thự, nhà xưởng cũ nằm kế biệt thự, nhà mát phía trước biệt thự, nhà bảo vệ trước cổng, các nhà công nhân, căn-tin, nhà ăn…”. Theo cơ quan điều tra, việc chỉnh sửa này đã mở rộng diện tài sản nhận bàn giao từ giới hạn là những vật kiến trúc có trên đất thành tất cả tài sản hiện diện trên đất, nhằm mục đích chiếm đoạt toàn bộ tài sản còn lại của bà Hiệp.

 

NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên