Vũ khí hóa học ở Syria: Liệu kịch bản Iraq có lặp lại?

Cập nhật: 23-08-2013 | 00:00:00

Ngày 21-8, tình hình chiến sự  Syria đột ngột “nóng lên” sau khi phe nổi dậy lại cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học giết hại hàng trăm người. Cáo buộc được đưa ra đúng vào thời điểm hết sức nhạy cảm, khi đoàn thanh sát của LHQ bắt đầu điều tra về vũ khí hóa học tại Syria được 3 ngày.

  Người dân Syria cầu nguyện cho các nạn nhân và lên án việc sử dụng vũ khí hóa học

Vụ tấn công này đồng thời làm gia tăng những quan ngại của cộng đồng quốc tế về cái mà Mỹ gọi là “giới hạn đỏ”. Một năm trước đây, Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã lên tiếng cảnh báo Chính quyền Syria rằng việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ vượt qua “giới hạn đỏ”và sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest trong một tuyên bố hôm 21-8 cho biết, Mỹ đang "quan ngại sâu sắc" về các báo cáo ở Syria và kêu gọi Liên Hợp Quốc mở một cuộc điều tra.

Ông Earnest nói: “Chúng tôi đang khẩn trương làm việc để thu thập thêm thông tin. Mỹ mạnh mẽ lên án việc sử dụng vũ khí hóa học, những người sử dụng chúng sẽ phải chịu trách nhiệm. Hôm nay, chúng tôi chính thức yêu cầu Liên Hợp Quốc khẩn trương điều tra về cáo buộc mới này. Nhóm thanh sát của Liên Hợp Quốc đang có mặt ở Syria và họ sẽ điều tra cáo buộc trên”.

Tờ The Guardian đưa tin, phe đối lập đã cáo buộc quân đội Chính phủ Syria sử dụng rocket chứa nguyên liệu hóa học bắn vào khu vực Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus làm 1.400 người thiệt mạng, con số này có thể còn tăng cao khi nhiều người bị thương nặng vẫn phải điều trị trong bệnh viện.

Tuy nhiên, có nhiều báo cáo khác lại cho rằng con số thương vong là hơn 200 người hoặc hơn 500 người. Thông tin chính xác vẫn chưa được kiểm chứng. Chính phủ Syria thừa nhận thực hiện cuộc tấn công vào Ghouta nhưng mạnh mẽ phản đối cáo buộc của phe đối lập về việc sử dụng vũ khí hóa học.

Một quan chức trong Chính phủ Syria nói: “Đây là những luận điệu dối trá nhằm phục vụ công tác tuyên truyền của những kẻ khủng bố. Chúng tôi không sử dụng những loại vũ khí như vậy”.

Hãng thông tấn nhà nước Syria Sana, đã lên tiếng bác bỏ những thông tin về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Ghouta và gọi đây là hành động “nhằm cản trở ủy ban điều tra của Liên Hợp Quốc làm nhiệm vụ”. Hãng tin này mô tả vụ tấn công của quân đội Syria là “hoạt động của các đơn vị quân sự nhằm chống lại các nhóm khủng bố”.

Trong một tuyên bố  liên quan, quân đội Syria cũng lên án “những cáo buộc là vô giá trị, vô nghĩa và hoàn toàn vô căn cứ” của phe đối lập và mô tả đây là “một nỗ lực tuyệt vọng nhằm che giấu sự thất bại của họ trên chiến trường”.

Vũ khí hóa học sẽ biến Syria thành Iraq thứ 2?

Trong bối cảnh đoàn thanh sát của Liên Hợp Quốc vừa có mặt tại Syria hôm 18/8, không ít người bắt đầu tỏ ra hoài nghi rằng liệu có phải đây là “cái cớ” để hợp lý hóa các hành động can thiệp quân sự vào Syria, tương tự như kịch bản đã từng diễn ra khi Mỹ tấn công Iraq hồi năm 2003 với lý do phát hiện vũ khí hủy diệt hàng loạt tại nước này.

Một sự trùng hợp không rõ là vô tình hay hữu ý, đó là việc bổ nhiệm chuyên gia người Thụy Điển Ake Sellstrom, người từng là cựu thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp Quốc tại Iraq làm trưởng nhóm thanh sát tại Syria càng khiến cho nhiều người hình dung ra một viễn cảnh Iraq thứ 2 ở Syria.

Mười năm về trước, liên quân do Mỹ, Anh cầm đầu đã bất ngờ không kích Iraq rồi sử dụng lực lượng bộ binh đổ bộ vào Iraq xâm lược nước này và lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein. Điều đáng nói là khi ấy Mỹ một mực khẳng định rằng Iraq đang sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học), đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Trước cuộc chiến tại Iraq, cả Mỹ và Liên Hợp Quốc đã không thể tìm thấy bằng chứng cho cáo buộc này. Dù không nhận được nghị quyết phê chuẩn của Liên Hợp Quốc (do thiếu chứng cứ) và bị nhiều nước trên thế giới kịch liệt phản đối, Tổng thống Mỹ George W. Bush vẫn phát động cuộc chiến tại Iraq dựa trên các cáo buộc của mình.

Tuy nhiên, điều trớ trêu là sau khi đã tiến quân vào Iraq và lật đổ được ông Saddam Hussein, Mỹ và đồng minh vẫn không thể nào tìm được vũ khí hủy diệt hàng loạt ở đây để biện minh cho cuộc chiến mà họ phát động.

Đến năm 2008, khi sắp kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống, ông Bush đã thú nhận quyết định tiến hành chiến tranh chống lại ông Saddam Hussein đã dựa trên những tin tức tình báo sai và đây là điều hối tiếc lớn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Dẫu vậy, ông vẫn bảo vệ quyết định để lại quân Mỹ ở Iraq (phải đến năm 2011, sau hơn 8 năm kể từ ngày bắt đầu cuộc chiến, quân Mỹ mới rút hết khỏi quốc gia này).

Sau đó năm 2009, đến lượt Thủ tướng Anh Tony Blair, đồng minh thân cận của Mỹ trong Chiến tranh Iraq, thừa nhận rằng dù cho năm 2003 Iraq không có vũ khí hủy diệt hàng loạt thì ông vẫn ủng hộ cuộc chiến nhằm loại bỏ ông Saddam Hussein.

Đã hơn 10 năm trôi qua, Iraq vẫn chìm đắm trong bất ổn chính trị. Nỗi ám ảnh về một cuộc chiến đau thương vẫn đeo đẳng và dường như vẫn chưa có hồi kết bởi lý do “chống sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt” rốt cuộc lại được thừa nhận là một sai lầm, điều này chỉ khiến Trung Đông càng thêm bất ổn và cũng không củng cố vị thế của Mỹ tại khu vực này.

Mỹ không dễ diễn lại kịch bản chiến tranh Iraq ở Syria

Đối với Syria, mặc dù Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã có những cảnh báo khá cứng rắn đối với chính quyền Tổng thống Assad nhưng theo các nhà phân tích, một kịch bản tương tự cuộc chiến Iraq sẽ khó xảy ra ở Syria do “hoàn cảnh đặc biệt” của nước này.

Ở trường hợp của Iraq, khi cuộc chiến năm 2003 nổ ra, đất nước này đã gần như kiệt quệ sau thất bại trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1991 và do ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Trước sức ép của Mỹ và đồng minh, Iraq còn phá hủy dần kho tên lửa của mình trong nỗ lực tránh nguy cơ nổ ra chiến tranh - một điều Iraq không hề mong muốn trong bối cảnh đất nước đang phải đối phó với muôn vàn khó khăn.

Trong khi đó, Syria luôn nhận được sự hậu thuẫn của Nga, Nga vẫn luôn khẳng định chính sách của họ về Syria sẽ không thay đổi dưới bất bất cứ sức ép nào. Hãng tin Interfax đưa tin, lập trường của Nga là "rõ ràng, cân bằng, nhất quán và hoàn toàn hợp lý. Do đó, không có gì để tranh cãi về việc Nga thay đổi lập trường dưới sức ép của bất kỳ ai”.

Lý giải vấn đề này, một số nhà phân tích cho rằng, Syria từ lâu là một trong những đồng minh gần gũi nhất của Nga ở Trung Đông. Đồng thời, “người bạn Syria” cũng là một trong những vị khách quen thuộc của ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Nga; cộng với việc cảng Tartus của Syria hiện là căn cứ hải quân bên ngoài lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ duy nhất của Nga.

Trong khi đó, thực hư về kho vũ khí hóa học của Syria vẫn là một ẩn số, nhiều người cho rằng kho vũ khí hóa học của Syria đã có từ nhiều thập kỷ trước, thậm chí còn có quy mô lớn nhất nhì tại Trung Đông. Mặc dù vậy, do Damascus từ chối ký Công ước năm 1992 về Vũ khí Hóa học (CWC), cấm việc sử dụng, sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học, nên các nước cũng có rất ít thông tin chính xác về kho vũ khí này. Mỹ chắc chắn sẽ phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề này nếu muốn can thiệp quân sự vào Syria.

Chuyên gia phân tích chính trị Hmaidi al-Abdullah trả lời phỏng vấn của Tân Hoa xã nói: “Các nước phương Tây và Mỹ có ý định diễn lại kịch bản Iraq tại Syria. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ không thể thành công do môi trường chính trị và thế cân bằng quyền lực hiện tại không giống thời điểm Mỹ, Anh khai chiến ở Iraq”.

Theo ông Abdullah, vào thời điểm diễn ra chiến dịch can thiệp quân sự của liên quân do Mỹ cầm đầu nhằm vào Iraq, cộng đồng quốc tế bị chi phối bởi quyền lực của phương Tây, nhất là Mỹ, song tình hình hiện nay đã khác.

Lập trường kiên định gần đây của Nga đã tạo nên thế cân bằng hơn trong các vấn đề quốc tế, chấm dứt thế “đơn cực” của phương Tây. Cùng với đó, điều khác biệt cơ bản giữa Iraq và Syria là thỏa thuận giữa các cường quốc trong Hội đồng Bảo an sẽ giúp các cuộc điều tra công bằng hơn.

Đồng quan điểm với chuyên gia Hmaidi, Maher Morhej, Chủ tịch đảng Thanh niên Syria, nhận định mặc dù các nước phương Tây có ý định tái diễn kịch bản Iraq, song kế hoạch này đã bị cản trở bởi bối cảnh thực tế hiện nay.

Theo ông Morhej, nhiệm vụ duy nhất của cuộc điều tra là xác định xem liệu có phải các loại vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria hay không chứ không phải là xác định các đối tượng phải chịu trách nhiệm về hoạt động này. Đó là một trong những điểm đã được các bên nhất trí theo thỏa thuận.

Ông Morhej cũng cho rằng các cường quốc phương Tây đã lấy vấn đề vũ khí hóa học để lôi kéo sự chú ý của dư luận đối với các loại vũ khí hóa học mà Syria sở hữu cũng như nhấn mạnh hơn quan ngại về việc các kho vũ khí này có thể rơi vào tay các phần tử xấu nếu chính quyền sụp đổ.

Trong một bức thư mới được tiết lộ của Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ gửi cho Nghị sỹ Eliot Engel của đảng Dân chủ, ông Dempsey khẳng định rằng Mỹ không quan tâm đến hành động can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria tại thời điểm này.

Ông Dempsey cho rằng, cuộc chiến ở Syria là rất "phức tạp” và Mỹ nên xem xét lựa chọn can thiệp quân sự có hạn chế trong bối cảnh hiện nay. Ông Demsey cũng bác bỏ thực tế về khả năng tấn công bằng tên lửa hành trình hoặc sử dụng bộ binh.

Ông Dempsey nói: "Syria ngày nay không phải là lựa chọn giữa hai bên mà thay vào đó là sự chọn một trong số nhiều bên. Bên mà chúng tôi lựa chọn phải sẵn sàng thúc đẩy lợi ích của họ cũng như lợi ích của Mỹ khi thế cân bằng chuyển sang thế có lợi cho họ”.

Theo tướng Dempsey, quân đội Mỹ có thể dễ dàng vô hiệu hóa lực lượng không quân của Tổng thống Syria Assad, xoay chuyển cục diện hiện nay sang  thế có lợi cho lực lượng nổi dậy chống lại ông Assad. Mặc dù Việc sử dụng lực lượng quân đội Mỹ có thể thay đổi cán cân quân sự nhưng không thể giải quyết các vấn đề dân tộc, tôn giáo, sắc tộc cơ bản và lịch sử đã thúc đẩy cuộc xung đột này.

Những nhận xét không mấy lạc quan của tướng Dempsey chắc chắn sẽ khiến phe đối lập Syria và một vài thành viên trong chính quyền Mỹ đang vận động ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria cảm thấy thất vọng.

Nghị sỹ Eliot Engel cho biết, ông “rất không hài lòng” với chiến lược hiện tại của Mỹ, “việc chúng tôi đứng bên lề cuộc chiến trong khi cuộc khủng hoảng ở Syria vẫn đang tiếp diễn sẽ đe dọa tính mạng của hàng ngàn người và gieo rắc bất ổn trong khu vực”.

Rõ ràng những bất đồng xung quanh cuộc chiến tại Syria vẫn đang tồn tại và ngày càng trở nên sâu sắc khiến cho viễn cảnh về một tương lai tươi sáng hơn ở Syria vẫn còn rất xa vời. Cho đến nay, cuộc xung đột Syria đã khiến hơn 100.000 người chết và tàn phá nền kinh tế, xã hội Syria nặng nề. Cuộc chiến cũng đã khiến hàng triệu người chạy tị nạn sang các nước láng giềng và dẫn đến nguy cơ về một cuộc xung đột toàn diện lan rộng trong khu vực.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên