VŨ THỊ LAN: Vượt lên số phận tật nguyền

Cập nhật: 10-04-2012 | 00:00:00

Không có đôi chân lành mạnh như bao người khác nhưng ở chị có một nghị lực phi thường, không đầu hàng số phận. Với sự nỗ lực vươn lên không ngừng, chị đã tạo dựng cho mình một cuộc sống gia đình hạnh phúc, lạc quan bên người chồng tuy tật nguyền nhưng giàu tình yêu và lòng nhân ái.

Hạnh phúc trên quê hương mới

Tuy mới hòa nhập với các chị em ở Trung tâm Dạy nghề người tàn tật tỉnh không lâu, nhưng chị Vũ Thị Lan luôn được mọi người ưu ái, thương yêu. Bởi chị không chỉ là người giàu tình cảm, mà còn biết quan tâm, chia sẻ với người khác từ những việc nhỏ nhất. Chị cũng là người có tay nghề giỏi nhất trong lớp gia công dụng cụ y tế Stent (ống Stent dùng để khơi thông động mạch). Với đôi tay lành nghề chuyên nghiệp của mình, trung bình mỗi ngày chị Lan có thể gia công tới 4 ống Stent, trong khi những người khác giỏi lắm cũng chỉ làm được 2 ống. Cũng vì thế mà mức lương của chị khá cao, trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, để đạt được mức lương ấy, với chị Lan không dễ dàng chút nào khi mỗi ngày chị phải lao động khoảng 15 giờ đồng hồ. “Ngày nào cũng vậy, sáng sớm phải thức dậy chợ búa, sau đó mang số hàng mình đã gia công lên trung tâm bàn giao để nhận hàng mới. Khoảng 11 giờ 30 phút quay về nhà lo cơm nước xong là đến gần 13 giờ, rồi lại tiếp tục bắt tay làm việc cho đến khi trời nhá nhem tối. Cơm chiều xong lại ngồi vào bàn gia công hàng cho đến 2 giờ khuya”, chị tâm sự.

 Chị Lan trong giờ gia công hàng tại trung tâm

Để có tiền lo cho hạnh phúc gia đình nhỏ bé của mình, hầu hết thời gian trong ngày chị đều dành cho công việc. Chị tâm sự, mỗi tháng phải dành một ít tiền gửi về quê lo cho đứa con trai nhỏ đang ở với bà ngoại, tiền phòng trọ, tiền ăn của hai vợ chồng nên tích cóp lắm cũng chỉ thừa một hai triệu. Chồng chị bị cụt một cánh tay vì thế khó tìm được việc làm thích hợp, anh chỉ ở nhà phụ chị gia công hàng kiếm thêm chút ít thu nhập. Tuy khó khăn là thế, nhưng cuộc sống của anh chị luôn hạnh phúc, rộn rã tiếng cười. Chị cho biết trong căn phòng nhỏ của 2 vợ chồng khi nào cũng có những cuốn sách, truyện, những bản nhạc cả hai yêu thích để cùng nghe, cùng đọc. Anh ấy nhớ rất rõ những ngày kỷ niệm, sinh nhật của vợ. Không có tiền tiệc tùng ở những quán ăn sang trọng, anh luôn tự tay nấu nướng làm một tiệc nhỏ tặng chị. Hai từ hạnh phúc là những gì chị đang có cũng như từng mơ ước. Cũng vì thế mà chị luôn thầm nghĩ: “Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả”. Cả hai vợ chồng không ngừng nỗ lực để vượt qua những khó khăn, thách thức trên vùng đất mà họ chọn lập nghiệp với bao dự định.

Vượt lên chính mình

Quê ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, nhưng chị xa gia đình từ thuở bé. Chị cho biết do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ bố nên bản thân bị tật nguyền từ lúc lọt lòng. Đến năm 8 tuổi, chị mới tập tễnh những bước đi đầu đời bằng nẹp trên đôi tay. Và cũng từ đó, chị chính thức xa gia đình để ấp ủ những giấc mộng. Nhìn bạn bè đến lớp, đến trường, cô bé Lan ngày ấy quyết tâm không thua kém. Để tốt nghiệp được THPT, rồi trung cấp kế toán, sự nỗ lực của chị không thể kể hết.

Ngày ấy, ở Tiên Lãng không có trường dành cho người khuyết tật, chị phải vượt quãng đường hơn 200km lên đến tận Hà Tây để học. Chị kể ngày nào cũng vậy, sáng thì học văn hóa, chiều quay sang học nghề đan, thêu hàng gia công. Khi thạo việc cũng kiếm thêm được chút ít tiền trang trải học tập. Tuổi nhỏ, lại sớm xa gia đình, chị cũng như bao đứa trẻ khác là rất nhớ nhà, nhớ người thân nên không ít lần rơi nước mắt trong đêm khuya. Chị bảo, nhất là những ngày lễ, lúc ốm đau, chị thèm được sự quan tâm, ôm ấp bên vòng tay của mẹ, sự ân cần của bố. Mỗi năm chị chỉ được bố mẹ lên tận trường đón về nhà ăn tết cùng gia đình đúng 2 tuần, sau đó lại khăn gói lên đường, lòng nặng trĩu. Không ít lần chị muốn thôi học trở về nhà, nhưng sau đó liền gạt bỏ suy nghĩ ấy ngay. Bởi chị luôn nghĩ: “Không có quyết tâm chị sẽ trở thành nỗi lo, là gánh nặng cho gia đình”, thế là tiếp tục đứng dậy trên đôi tay nhỏ bé.

Một cô bé Lan sớm tự lập, va chạm, nên dần trở nên cứng rắn trong nếp nghĩ, việc làm. Việc gì chị cũng có thể tự làm, khó khăn nào cũng quyết vượt qua. Sau ngày tốt nghiệp THPT, chị từng lăn lộn tại thành phố Hải Phòng làm nghề thêu thùa, may vá. Khi kiếm được chút ít tiền, chị học tiếp lên trung cấp kế toán. Do bản thân tật nguyền không xin được việc làm đúng với chuyên ngành khi ra trường, chị lại xoay sang mở tiệm kinh doanh internet... Để tìm được hạnh phúc riêng tư, chị không ngại theo chồng vào Nam, dù biết phía trước luôn có nhiều khó khăn. Những ngày đầu đặt chân đến đất Bình Dương, chưa tìm được việc làm thích hợp, chị không ngại khó khi lăn xe khắp các nẻo đường để bán vé số. Chị Lan cho biết, để đến được với Trung tâm dạy nghề khuyết tật tỉnh, được học nghề và tìm được một việc làm có thu nhập khá ổn định như hiện tại, với chị là một cơ duyên, một câu chuyện dài. Sự tận tụy với công việc, ân cần chỉ bảo nghề cho thế hệ đàn em, chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp... đó không chỉ là cách sống thường có mà còn là việc chị phải làm. Đó như là một tri ân chị dành gởi tặng các thầy cô ở trung tâm, những người đã tận tình giúp chị vượt qua những lúc gian khó.

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên