Vụ Vũ Huy Hoàng: Các bị cáo đã dùng thủ đoạn thoái vốn không minh bạch

Cập nhật: 29-04-2021 | 16:26:35

Bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) khai báo trước tòa ngày 22/4. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sau 1 tuần xét xử và nghị án, chiều 29/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với 10 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có đơn xin vắng mặt tại phiên tuyên án vì lý do sức khỏe không đảm bảo. Hội đồng xét xử đã chấp thuận đơn xin vắng mặt này của bị cáo Vũ Huy Hoàng.

Theo bản án sơ thẩm, Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (viết tắt là Sabeco, thuộc Bộ Công Thương quản lý) được giao cho khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) có tổng diện tích 6.080 m2 dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hàng năm.

Quá trình thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Sabeco, Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương), Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương) và Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) đã chỉ đạo các cán bộ cấp dưới thuộc Bộ Công Thương và Sabeco thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê" ở khu đất tại địa chỉ trên.

Sau khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư dự án cho liên doanh Sabeco Pearl và đề nghị được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận bổ sung chức năng officetel (mô hình kết hợp văn phòng cho thuê với khách sạn) và căn hộ ở cho dự án, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco trong dự án này cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh.

Từ đó, hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 3.816 tỷ đồng là tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.713 tỷ đồng.

Trong vụ án này, mặc dù không đúng đối tượng cho thuê đất chỉ định, nhưng bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) cùng với các bị cáo khác là cán bộ, lãnh đạo tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm các quy định về quản lý đất đai, giao cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và thuê đất không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá, trái quy định của pháp luật đối với khu đất 6.080m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Bản án sơ thẩm xác định, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Đa số các bị cáo trong vụ án là những người giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, cán bộ chủ chốt của Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, có trình độ chuyên môn và hiểu biết trong lĩnh vực công tác.

Các bị cáo đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài, với thủ đoạn dùng quyền sử dụng đất hoặc các quyền về tài sản khác của Nhà nước để góp vốn, liên doanh sau đó thoái vốn (chuyển nhượng vốn) không minh bạch, cố ý vi phạm các quy định về quản lý tài sản nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Từ đó, chuyển dịch quyền quản lý, sử dụng khu đất trên là tài sản của Nhà nước sang tài sản tư nhân gây thiệt hại, thất thoát đặc biệt lớn cho nhà nước với số tiền hơn 2.713 tỷ đồng.

Trong số các bị cáo, bị cáo Vũ Huy Hoàng bị Hội đồng xét xử đánh giá là người đã trải qua các cương vị công tác, có trình độ, kinh nghiệm, kiến thức trong công tác quản lý kinh tế, công nghiệp và thương mại.

Bị cáo được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công Thương từ ngày 2/8/2007 đến ngày 8/4/2016, có nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý toàn diện các mặt công tác của Bộ Công Thương, thường xuyên tham dự các cuộc họp của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về quản lý ngành Công Thương; thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác thuộc Bộ Công thương quản lý, trong đó có Sabeco là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất rượu, bia và nước giải khát.

Mặc dù bị cáo Vũ Huy Hoàng biết khi Sabeco liên doanh thành lập Công ty cổ phần bất động sản Sabeco Land để triển khai thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Sabeco không bố trí được số tiền phải nộp để chuyển mục đích sử dụng là hơn 1.236 tỷ đồng.

Mặt khác, Chính phủ đã có Quyết định số 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 yêu cầu các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước tập trung đầu tư vào các ngành kinh doanh chính, không đầu tư vào ngành ngoài, nhất là lĩnh vực bất động sản…

Đối với các Tập đoàn, Tổng Công ty trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt khi kinh doanh. Năm 2012, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 26/NQ-CP ngày 9/7/2012 tiếp tục chỉ đạo việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước.

Nhưng khi Bộ phận quản lý vốn Nhà nước của Sabeco đề xuất tiếp tục được hợp tác với các nhà đầu tư thành lập Công ty liên doanh mới để đầu tư dự án thì bị cáo Vũ Huy Hoàng vẫn quyết định cho đầu tư dự án, không chấp hành các Nghị quyết của Chính phủ.

Từ năm 2012 đến năm 2016, bị cáo Vũ Huy Hoàng thực hiện các hành vi chỉ đạo cấp dưới, cụ thể là Hồ Thị Kim Thoa, Phan Chí Dũng có các văn bản chỉ đạo các cán bộ tại Bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản sau khi góp vốn và Sabeco đứng ra thực hiện xong các thủ tục pháp lý cho dự án.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt, mà chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh với giá cổ phần thấp chưa tính đến giá trị khu đất khi đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung thêm chức năng officetel và căn hộ ở, để hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.713 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử xác định, cần áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc đối với bị cáo Vũ Huy Hoàng mới có tác dụng cải tạo giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm.

Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử cũng xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như bị cáo khai nhận hành vi phạm tội, nhân thân chưa có tiền án tiền sự, quá trình công tác bị cáo Vũ Huy Hoàng được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, nhiều Huân, Huy chương, các Bằng khen khác… để giảm nhẹ một phần hình phạt đối với bị cáo./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên