Vun đắp ước mơ cho người khuyết tật

Cập nhật: 25-09-2018 | 09:27:46

Sinh ra, ai cũng mong muốn được lành lặn, khỏe mạnh, được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, được học tập và cống hiến cho xã hội. Song, điều mong muốn tưởng chừng như đơn giản ấy đối với người khuyết tật (NKT) lại trở nên vô cùng khó khăn. Để tiếp sức cho NKT, những năm qua các ngành, các cấp, hội, đoàn thể, nhà hảo tâm đã và đang chung tay thực hiện nhiều việc làm thiết thực hỗ trợ NKT.


NKT được tạo điều kiện học nghề.
Trong ảnh: NKT học nghề tại Trung tâm Dạy nghề NKT tỉnh

Tiếp thêm động lực

Anh Nguyễn Ngọc Thanh (SN 1974), ấp Hòa Hiệp, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng không may bị tai nạn giao thông cách đây 9 năm. Tai nạn năm ấy khiến cho đôi chân của anh teo tóp và khó khăn trong việc đi lại. Là một người khỏe mạnh, gánh vác trách nhiệm nuôi vợ và ba con nhỏ nhưng chỉ sau vụ tai nạn ấy đã khiến anh phải ngồi một chỗ và trông chờ vào gia đình. Được sự động viên, quan tâm của gia đình, anh đã vượt qua mặc cảm số phận. Anh được địa phương tặng xe lăn để làm phương tiện di chuyển. Có được “đôi chân 2 bánh”, anh phụ giúp vợ con trong việc nhà. Năm tháng trôi qua, chiếc xe cũng cũ, hư hỏng, điều kiện gia đình lại khó khăn nên lúc nào anh cũng mơ ước có chiếc xe mới. Ước mơ đó của anh thành hiện thực khi mới đây, Hội Bảo trợ NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh đã trao tặng anh chiếc xe lắc để làm phương tiện đi lại.

Sinh ra là một cô bé bình thường, đến năm 4 tuổi bị sốt cấp tính, mặc dù được gia đình chạy chữa nhưng không khỏi. Cũng từ giây phút đó, đôi mắt cô bé Trương Thị Diễm Phương (TP.Thủ Dầu Một) không còn nhìn thấy. Sống trong bóng tối suốt 35 năm qua nhưng Phương không nản chí mà luôn vui vẻ vì được xã hội, gia đình quan tâm. Tiếp thêm sức mạnh, động lực để Phương vượt qua mặc cảm số phận, Hội Người mù tỉnh đã tạo cơ hội để chị học văn hóa, học làm chổi. Sau đó, Phương được cho đi học xoa bóp và làm tại cơ sở xoa bóp của Hội Người mù tỉnh. Phương tâm sự: “Nếu không được cho đi học nghề, được tạo điều kiện làm việc thì không biết cuộc sống của tôi sẽ như thế nào. Giờ đây tôi đã có gia đình, có con nhỏ, cuộc sống ổn định. Tôi cảm ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi có công việc ổn định để lo cho bản thân, gia đình”.

Đó là tâm sự của 2 trong số gần 17.168 NKT trên địa bàn tỉnh, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Họ là những đối tượng yếu thế nhất trong những người yếu thế, rất cần sự trợ giúp, sẻ chia của cộng đồng. Chính vì vậy, trong những năm qua các ngành, các cấp, hội đoàn thể quan tâm, chăm lo cho NKT bằng cách trao tặng những máy móc, thiết bị hỗ trợ cho cuộc sống, đi lại, học tập; đào tạo, giới thiệu việc làm; xây nhà tình thương…

Tạo mọi điều kiện

Nói đến việc quan tâm, chăm lo cho NKT trong tỉnh phải kể đến vai trò của Hội Bảo trợ NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh. Hội là một tổ chức xã hội đặc thù, mang tính chất thiện nguyện, hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của NKT, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo. Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT tỉnh cho biết: “Thời gian qua, hội luôn cố gắng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm dành sự quan tâm, giúp đỡ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NKT, giúp họ vơi đi nỗi đau, giảm bớt khó khăn. Cùng với việc vận động, đóng góp quỹ, hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền những gương điển hình về NKT vượt khó vươn lên trong học tập, lao động sản xuất... nhằm nâng cao nhận thức và sự chia sẻ trách nhiệm xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc NKT”.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, thời gian qua, hội đã vận động được nhiều tổ chức cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp… tham gia ủng hộ, giúp đỡ, góp phần tiếp thêm sức mạnh để NKT tự tin vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Tỉnh hội cùng với các cấp hội tích cực vận động nguồn lực, phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình trọng tâm hỗ trợ NKT, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo với các hoạt động thiết thực. Công tác vận động quỹ hội đạt hơn 8,5 tỷ đồng; hoạt động phối hợp với các đơn vị khác đạt gần 4 tỷ đồng... Các chương trình trợ giúp NKT được thực hiện có hiệu quả mang tính bền vững. Hội còn hỗ trợ xin việc làm cho NKT vào làm tại các công ty, xí nghiệp để họ hòa nhập nhanh chóng với cộng đồng.

Hỗ trợ cho NKT bằng nhiều việc làm thiết thực như dạy nghề cho NKT. Nhiệm vụ này được Trung tâm Dạy nghề NKT thực hiện suốt nhiều năm qua. Bà Đặng Thị Minh Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề NKT, cho biết trung tâm thường xuyên chiêu sinh các lớp điện tử, điện cơ, in lụa, may, dệt, tin học và cắt uốn tóc. Đến nay, nhiều học viên đã ra trường có việc làm ổn định tại các công ty, doanh nghiệp, hoặc tự tạo việc làm tại nhà. Không chỉ hỗ trợ về vật chất, tạo điều kiện để NKT sinh hoạt văn hóa tinh thần thông qua các hoạt động của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội như hội thao, hội thi văn nghệ cho NKT, tỉnh còn xây dựng Đề án “Hỗ trợ NKT tỉnh Bình Dương tiếp cận thông tin và truyền thông giai đoạn 2013- 2020”. Với đề án này, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện các hạng mục trong đề án. Có thể thấy, những hoạt động trên đã giúp NKT từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, vượt lên nỗi đau để cống hiến cho xã hội.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên