Vùng đất của những chiến công và đổi mới – Bài 5

Cập nhật: 27-04-2019 | 08:49:13

Bài 5: Chiến khu Đ - niềm tự hào của chủ nghĩa anh hùng cách mạng

 Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chiến khu Đ là một trong những hậu phương trực tiếp, tại chỗ của chiến trường Nam bộ và Khu 6, là đầu mối giao thông chiến lược từ Trung ương vào Nam bộ, là nơi tiếp nhận, cất giữ, chuyển phát cơ sở vật chất, cung cấp một phần vật lực cho cuộc kháng chiến. Sự tồn tại và phát triển của Chiến khu Đ đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. 

Một trung tâm kháng chiến

Hình thành từ đầu năm 1946, Chiếu khu Đ nằm trên địa bàn 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An của huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa. Trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, với những chiến công vang dội, Chiến khu Đ đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù và trở thành niềm tự hào của cả dân tộc. Có vai trò quan trọng về mặt chiến lược, ngay trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, từ khoảnh rừng nhỏ nằm bên bờ sông Đồng Nai, Chiến khu Đ đã được hình thành và dần phát triển rộng lớn, nối liền các căn cứ trên khắp chiến trường. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Chiến khu Đ là hậu phương lớn và trực tiếp của miền Đông Nam bộ, là nơi an toàn cho các cơ quan lãnh đạo và chỉ huy của ta; đồng thời là bàn đạp để các binh đoàn chủ lực hành quân tiến về giải phóng Sài Gòn, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tự hào với truyền thống vùng đất Chiến khu Đ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai địa phương Tân Uyên và Bắc Tân Uyên đang nỗ lực xây dựng địa phương phát triển giàu đẹp. Trong ảnh: Thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên đang được tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

Chiến khu Đ được coi như một trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ, đã lập nên những chiến công vang dội, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của cả nước trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là chiến thắng Lạc An, Tân Uyên, Nhà Nai, Mã Đà, cầu Bà Kiên và hàng chục trận đánh bại các cuộc càn quét quy mô lớn kéo dài hàng tháng trời của địch trong kháng chiến chống Pháp; là chiến thắng Phước Thành, Đất Cuốc, Đồng Xoài, đường 14 - Phước Long… trong kháng chiến chống Mỹ. Để có những chiến công làm bạt vía kẻ thù, quân và dân Chiến khu Đ đã không tiếc hy sinh xương máu, đoàn kết một lòng, kiên cường trước kẻ thù. Chiến khu Đ xứng đáng là niềm tự hào của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Màu xanh trên chiến khu xưa

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cán bộ, nhân dân Chiến khu Đ đã nỗ lực khắc phục muôn vàn khó khăn, thử thách để kiến thiết lại quê hương. Trải qua hơn 40 năm, vùng đất Chiến khu Đ tại địa phận Bình Dương nay gồm TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên đã có nhiều thay đổi lớn lao. Những con đường thênh thang với những dòng xe qua lại nhộn nhịp. Cùng với đó, những khu, cụm công nghiệp mang màu sắc phát triển hiện đại đang hình thành ngày càng nhiều tại hai vùng đất này đã khẳng định được sức sống mới của vùng chiến khu xưa. Cuộc sống của nhân dân chiến khu xưa ngày càng phát triển, ấm no hơn. Tân Uyên đang dần khẳng định là vùng đất năng động, giàu tiềm năng phát triển. Đảng bộ, chính quyền Tân Uyên đã tiếp tục phát huy tính năng động, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn của địa phương, khai thác có hiệu quả những lợi thế, tiềm năng, các nguồn lực, tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Trải qua quá trình phát triển, đến nay TX.Tân Uyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thể kể đến như: Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, giá trị các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; quốc phòng - an ninh được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển… TX.Tân Uyên giờ đây trở thành vùng đất đầy năng động, là địa phương có tiềm năng phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực. Với những thành tựu đã đạt được, TX.Tân Uyên hôm nay đang có những bước tiến vững chắc để tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành đô thị hiện đại trong tương lai.

Nông dân xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên phân loại cam trước khi xuất bán

Trong khi đó, qua 5 năm chia tách, hình thành, huyện Bắc Tân Uyên đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của Bắc Tân Uyên ngày càng đồng bộ với hệ thống đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa ngày càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho sự đi lại của người dân; các cơ sở hạ tầng phục vụ an sinh xã hội được đầu tư khang trang, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Đến nay, GDP bình quân đầu người của Bắc Tân Uyên đã đạt 54 triệu đồng so với ngày đầu mới thành lập năm 2014 là 36,2 triệu đồng. Giá trị sản xuất bình quân đạt 71 triệu đồng/ha đất canh tác/ năm; riêng giá trị sản xuất vùng cây ăn trái có múi đạt khoảng 600 triệu đến 1 tỷ đồng/năm tùy theo từng loại cây.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện nhờ áp dụng công nghệ kỹ thuật mới trong chăn nuôi và tập trung theo đúng quy hoạch, từng bước hình thành các trang trại chăn nuôi lớn. Đến nay, toàn huyện có 121 trang trại chăn nuôi và thủy sản; trong đó có 30 trang trại, doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao. Đến năm 2017, huyện đã có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến quan trọng. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được tăng cường, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao.

Ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Bí thư Huyện ủy Bắc Tân Uyên, cho biết trong thời gian đầu khi mới thành lập, Bắc Tân Uyên là một trong những huyện vùng xa với xuất phát điểm về kinh tế, văn hóa - xã hội thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông yếu kém, thiếu đồng bộ; tình hình đội ngũ cán bộ còn thiếu, ở một vài bộ phận còn yếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh cùng với tinh thần đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, sự chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, huyện Bắc Tân Uyên đã vươn lên, khắc phục khó khăn, nhanh chóng ổn định và triển khai thực hiện đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Tự hào với truyền thống vùng đất Chiến khu Đ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai địa phương TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên đang tiếp tục ra sức thi đua lao động, sản xuất xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại. 

Bà Lê Thị Tuyết, Đội trưởng Đội nữ pháo binh Tân Uyên là người trực tiếp chiến đấu trên vùng đất Chiến khu Đ, kể: Tháng 8-1967, thực hiện sự chỉ đạo của Quân khu, huyện Tân Uyên đã thành lập Đội nữ pháo binh gồm 13 đồng chí. Nhiệm vụ của đội lúc này là phải thường xuyên tập kích vào Chi khu Tân Uyên, làm địch mất ăn mất ngủ; đồng thời nghiên cứu tập kích các chốt Mỹ và ngụy đóng lâu dài, ngắn ngày để địch co cụm lại nhằm hạn chế sự càn quét và thọc sâu vào vùng căn cứ địa của ta. Đội nữ pháo binh Tân Uyên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao bất cứ trong thời điểm khó khăn nào cũng phấn đấu. Với 6 trận đánh vừa độc lập, vừa phối hợp, đội đã tiêu diệt 122 tên Mỹ - ngụy, trong đó độc lập tác chiến 4 trận, làm chết và bị thương 74 tên địch; còn lại phối hợp pháo kích chống càn, góp phần cùng lực lượng ta làm nên những chiến công vang dội trên vùng Chiến khu Đ.

 

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên