Vùng đất giàu trầm tích văn hóa

Cập nhật: 19-01-2019 | 10:10:14

Người dân Bình Dương nói chung và xã Phú Chánh (TX.Tân Uyên) nói riêng vừa đón nhận tin vui hiện vật “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh” được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là hiện vật thứ 2 của Bình Dương được công nhận bảo vật quốc gia sau “Tượng động vật Dốc Chùa”. Cùng với 2 bảo vật quốc gia nói trên, các nhà khảo cổ học cũng đã khai quật và phát hiện nhiều hiện vật có giá trị về văn hóa, lịch sử tại vùng đất này. Điều đó cho thấy sự phong phú và bề dày trầm tích văn hóa của Bình Dương, một trong những vùng đất năng động bậc nhất của cả nước những năm gần đây.

Với những bước tiến mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, Bình Dương được người dân cả nước biết đến với những khu công nghiệp hiện đại mà ít ai nghĩ rằng nơi đây còn có những di chỉ khảo cổ nổi tiếng như Dốc Chùa, Cù Lao Rùa, Hàn Ông Đại… Dẫu vậy, lịch sử luôn có cách riêng để lên tiếng. Sau “Tượng động vật Dốc Chùa”, “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh” thêm một lần lên tiếng về sự “giàu có” của vùng đất này. Được công nhận bảo vật quốc gia đã nói lên mức độ quý hiếm của hiện vật. Và, từ bảo vật quốc gia này đã mở ra hướng nghiên cứu mới, nhận thức mới của các nhà nghiên cứu và người dân về lối sống của cư dân cổ vùng đất Bình Dương, từ đó phác họa một giai đoạn lịch sử của vùng đất Bình Dương.

Dốc Chùa, Hàn Ông Đại, Cù Lao Rùa… là những di chỉ khảo cổ nổi tiếng được giới nghiên cứu và các nhà khảo cổ học trong nước hết sức quan tâm. Qua khai quật, nơi đây đã phát lộ nhiều tầng văn hóa và hiện vật quý hiếm mà ngay cả những chuyên gia hàng đầu thế giới cũng phải kinh ngạc. Bên cạnh các di chỉ khảo cổ nói trên, trong lòng đất tại nhiều khu vực khác của Bình Dương cũng lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm và “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh” là một trong những hiện vật như thế. Từ hiện vật quý hiếm này, lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam và thế giới biết đến một táng thức lạ lùng có niên đại cách đây khoảng 2.000 năm chưa từng được phát hiện trước đó.

Sở hữu 2 bảo vật quốc gia được khai quật từ lòng đất không chỉ là niềm vinh dự của địa phương, mà còn nói lên sự “giàu có” về bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa của cộng đồng cư dân từng sinh sống nơi đây. Để công chúng trong tỉnh và du khách gần xa có thể chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia của Bình Dương, ngành chức năng tỉnh nhà cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của các bảo vật. Bên cạnh bảo tồn nguyên vẹn hình dáng bảo vật trong điều kiện tốt nhất, ngành chức năng cần có kế hoạch trưng bày hoặc đưa bảo vật đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, để mọi người có thể biết đến sự phong phú, đa dạng của trầm tích văn hóa Bình Dương.

Quá khứ sẽ không ngủ yên khi chúng ta biết cách đánh thức. Một khi các bảo vật lên tiếng sẽ góp phần giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa, cội nguồn của một vùng đất. Sự hiểu biết này sẽ góp phần giúp mọi người yêu mến hơn vùng đất mình đang sống để góp sức dựng xây.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên