Vùng đất với nhiều chiến công

Cập nhật: 09-11-2013 | 00:00:00

LTS: Bàu Bàng là vùng đất với nhiều chiến công cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Nhiều cựu chiến binh khi nhắc đến chiến thắng Bàu Bàng vào cuối năm 1965 đều có chung nhận định rằng: Đó là chiến thắng không chỉ làm thay đổi cục diện chiến trường mà còn hình thành một phương án tác chiến mới đối với quân đội Mỹ. Phương án “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh” từ trận chiến Bàu Bàng nhanh chóng được áp dụng trên khắp các chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhân kỷ niệm 48 năm Ngày chiến thắng Bàu Bàng (12.11.1965 - 12.11.2013), báo Bình Dương khởi đăng loạt bài xung quanh chiến thắng lịch sử này để một lần nữa nhắc nhở về một thời hào hùng trong cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc.

Bài 1: Chuyến hành quân kinh hoàng của lính Mỹ!

Trên đường hành quân càn quét, một đơn vị được xem là tinh nhuệ, thiện chiến nhất của quân đội Mỹ lúc bấy giờ đã bị quân chủ lực của ta phối hợp với quân và dân Bến Cát đánh cho một trận tơi bời. Đó cũng là thất bại đầu tiên của quân viễn chinh Mỹ trên chiến trường miền Đông Nam bộ.  

Ông Nguyễn Văn Xếp luôn tự hào bởi đã góp công vào chiến thắng Bàu Bàng

“Anh cả đỏ” thảm bại

Sư đoàn 1 bộ binh của Mỹ là một trong những đơn vị được trang bị vũ khí hiện đại nhất, tinh nhuệ nhất được tung vào chiến trường Việt Nam từ giữa năm 1965. Sư đoàn này được mệnh danh là “Anh cả đỏ” đã từng tham gia 2 cuộc chiến tranh thế giới và luôn bất khả chiến bại. Ông Trần Văn Ấn, nguyên Phó Trưởng ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Giáo, nhớ lại: Vào khoảng tháng 7-1965, “Anh cả đỏ” đã có mặt chốt giữ tại Lai Khê (Bến Cát) nhằm càn quét dọc hai bên quốc lộ 13 và thăm dò lực lượng của ta. Ngày 11- 11-1965, trinh sát của Sư đoàn 9 (thuộc Bộ Chỉ huy Miền) nắm được thông tin “Anh cả đỏ” đang chuẩn bị tổ chức càn quét lên hướng Chơn Thành (Bình Phước). Ngay trong ngày 11-11, đặc công của Sư 9 đã liên hệ với lực lượng bộ đội địa phương tổ chức theo dõi sự di chuyển của chúng.  

Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng 

Ông Ba Xếp (tức Nguyễn Văn Xếp, cựu chiến binh ở xã Lai Uyên, Bến Cát) kể, lúc đó bộ đội chủ lực của Sư 9 đã cử trinh sát đến căn cứ của đơn vị ông để liên hệ nhờ bộ đội địa phương dẫn đường tiếp cận địch. Tất cả chia làm 3 mũi để tiếp cận địch và nghe ngóng tình hình. Mũi trinh sát của ông cùng với một số chiến sĩ đặc công đã nhanh chóng tiếp cận được vị trí địch. Đến khoảng 17 giờ, địch dừng chân ở khu vực Bàu Bàng, Đồng Sổ. Mũi của ông tiếp tục theo dõi địch đến khi trời tối hẳn thì rút về báo cáo cấp trên. Tuy nhiên, sau đó mũi của ông trở lại tiếp cận một lần nữa ở vị trí địch dừng chân lúc chiều thì không thấy dấu vết gì của địch. Tiếp tục tìm kiếm và được người dân thông báo trong đêm chúng đã di chuyển đến một khu vực khác cách đó không xa. Đó là một khu vực trống, xung quanh là rừng cây rậm rạp, dễ tiếp cận. Phía địch ỷ lại vào xe tăng, thiết giáp và các loại vũ khí hiện đại khác nên không xây dựng hệ thống công sự, việc canh phòng cũng không quá cẩn mật.

Đúng 5 giờ sáng ngày 12- 11-1965, sau khi nhận lệnh từ cấp trên, các đơn vị đã đồng loạt khai hỏa. Pháo của ta bắn chính xác vào trận địa địch. Ngay từ loạt bắn đầu tiên, pháo của ta đã phá hủy nhiều xe tăng. Bị đánh bất ngờ, sau khi tổ chức lại đội hình, địch điên cuồng phản công. Tuy nhiên, phía ta được tăng cường thêm hai tiểu đoàn đến trận địa tiếp tục nổ súng tấn công mãnh liệt vào đội hình quân đội Mỹ. Tuy nhiên, phải đến khi một trung đội bộ binh của Tiểu đoàn 1 dũng cảm thọc sâu vào Sở chỉ huy Lữ đoàn và trận địa pháo của Mỹ thì mới quyết địch cục diện trận đấu. Sở chỉ huy bị đánh, quân lính Mỹ hoang mang bỏ chạy tán loạn. Đến khoảng 10 giờ quân ta chiếm lĩnh hoàn toàn trận địa.

Chiến thắng mở đường

Sau khi nhận được tin báo “Anh cả đỏ” bị đánh tan tành ở Bàu Bàng, pháo của Mỹ từ căn cứ Lai Khê và máy bay vội vàng đến và điên cuồng thả bom nhằm hủy diệt trận địa. Trước sự oanh tạc tàn khốc của địch, Sư đoàn 9 ra lệnh cho các đơn vị rút quân khỏi chiến trường. “Một cảnh tượng hết sức hỗn loạn, chúng tôi phải di chuyển nhanh về phía Hố Đá, Bờ Cảng của xã Long Hòa bây giờ để tránh bom địch, các đơn vị khác cũng nhanh chóng rút về căn cứ…”, ông Ấn nhớ lại.

Ở trận đánh Bàu Bàng, quân Mỹ có 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 chi đoàn tăng - thiết giáp, 1 đại đội pháo binh và toàn bộ Ban chỉ huy Lữ đoàn 3 Sư đoàn 1 bộ binh “Anh cả đỏ” bị tiêu diệt hoàn toàn. Trên 2.000 lính Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu, gần 40 xe tăng và 8 khẩu pháo hạng nặng bị bắn cháy hoặc phá hủy.

Trận tập kích tiêu diệt cụm quân Mỹ tại Bàu Bàng của Sư đoàn 9 bộ binh là trận đánh then chốt mở màn cho chiến dịch mùa khô năm 1965-1966 của quân và dân ta. Chiến thắng đã làm nức lòng quân và dân cả nước. Càng tự hào hơn khi chiến thắng này đã được Bác Hồ ca ngợi trong bài thơ Xuân 1966 của Bác: “Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plâyme, Đà Nẵng…”.

Thất bại ở Bàu Bàng là một nỗi đau trong lịch sử của Sư đoàn 1 bộ binh của Mỹ. Một đơn vị bất khả chiến bại đã phải thảm bại trước một đội quân vừa mới được thành lập không lâu. Về phía quân đội ta, chiến thắng Bàu Bàng thực sự là một chiến công chói lọi, song ý nghĩa to lớn từ chiến thắng này không chỉ dừng lại ở đó.

Bài 2: Một trận thắng có tính bước ngoặt

• TRÍ DŨNG - HÒA NHÂN
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên