Vươn lên từ mô hình cây ăn trái tổng hợp

Cập nhật: 06-11-2019 | 08:51:51

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình cây ăn trái tổng hợp của anh Cao Văn Chinh, sinh năm 1981, ở ấp Phú Bình, xã An Lập là một điển hình.

 Anh Chinh bên vườn cây ăn trái của gia đình. Ảnh: HỒNG NGA

 Năm 1999, anh Chinh lập gia đình và sinh sống tại xã An Lập. Khi ra ở riêng, vợ chồng anh được cha mẹ vợ cho một nền nhà 80m2. Hàng ngày, vợ anh bán nước mía, còn anh đi làm mướn. Khi đó, ai thuê làm việc gì anh cũng làm, từ dãy cỏ đến cả đào gốc cây.

Ngoài thời gian đi làm mướn, chủ nhật được nghỉ anh tự mày mò học hỏi các mô hình trồng cây ăn trái. Sau thời gian tích góp được một số vốn nhỏ anh mua 3 sào đất để trồng măng cụt. Anh chia sẻ, nhờ chịu khó học hỏi từ sách vở, kinh nghiệm từ những người đi trước, được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật… nên vườn măng cụt của gia đình ra trái nhiều, thơm ngon. Thời gian gần đây, thị trường, giá măng cụt ổn định nên gia đình anh có thu nhập khá.

Tích lũy được số vốn kha khá, vợ chồng anh mua thêm đất để trồng mít. Sau một thời gian trồng, nhận thấy trên địa bàn có khí hậu phù hợp với cây ăn trái, anh quyết định trồng thêm các loại cây ăn trái khác để khi mất mùa hay mất giá cây này thì có cây khác thế vào.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn trái, anh Chinh cho biết trồng cây ăn trái không quá nặng nhọc nhưng lại nhiều việc, như bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh... Anh sử dụng phân bón hữu cơ cho cây. Anh không làm cỏ, vì theo anh dòng đời cây ngắn, nên thay vì tốn công làm cỏ anh để cỏ tự mọc và tự hủy, vừa không làm mất độ dinh dưỡng của đất vừa để có xác cỏ làm phân.

Các loại cây ăn trái, đặc biệt là cam, chanh rất dễ nhiễm các bệnh nhện đỏ, sâu vẽ bùa gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả. Vì vậy, thời điểm cây lên lộc non, bói quả rất quan trọng, người trồng phải chủ động phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cây. Điểm đáng chú ý, anh Chinh tự chế ra loại thuốc trừ sâu hỗn hợp vừa hiệu quả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm lại thân thiện với môi trường. Đặc biệt, anh chỉ sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây.

Với hiệu quả từ mô hình trồng cây ăn trái tổng hợp của gia đình anh Chinh có thể thấy, mô hình này đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của các gia đình nông dân trong và ngoài huyện Dầu Tiếng.

 Đến nay, gia đình anh Chinh đã có 6 ha cây ăn trái tổng hợp, trong đó gồm 700 cây cam, 600 cây sầu riêng (20 cây đã cho thu hoạch), 120 cây măng cụt, 300 cây chanh, 40 cây chuối và 200 cây mít Thái. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh ngày càng khấm khá, với thu nhập hàng năm trên 2 tỷ đồng. Có thu nhập ổn định, vợ chồng anh đã xây nhà cửa khang trang, hai người con được học hành đàng hoàng.

 HỒNG NGA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên