Vượt lên nghịch cảnh…

Cập nhật: 03-11-2020 | 09:00:50

Đứng trước nghịch cảnh trớ trêu của cuộc đời, có những người biết vươn lên với ý chí mạnh mẽ. Họ không chỉ giúp bản thân mình mà còn giúp cho nhiều người khác chiến thắng hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội…


Chị Trần Thanh Thủy báo cáo điển hình tại Tỉnh Hội người mù

Được giúp đỡ người khác là niềm vui

Khi nói về bản thân, anh Bùi Văn Cảnh không nói về mất mát mà chỉ nói về những điều anh đã làm được. Đó là được học, được thỏa đam mê ca hát và bây giờ là lan tỏa niềm đam mê, suy nghĩ tích cực của mình cho nhiều hội viên (HV) khác. Tuy nhiên, để đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Bàu Bàng, phụ trách công tác lao động sản xuất, việc làm và giảm nghèo thì chàng trai 27 tuổi này phải vượt qua một quá trình rèn luyện, phấn đấu đầy cam go.

Cảnh tâm sự anh sinh ra đã không nhìn thấy ánh sáng do mù bẩm sinh. Gia đình đã tìm mọi cách chạy chữa nhưng đều không hiệu quả. Vì vậy, từ khi chào đời, mọi sinh hoạt của anh gặp nhiều khó khăn. “Tôi dần lớn lên trong sự yêu thương giúp đỡ của gia đình, người thân mà tôi chưa một lần nhìn thấy mặt họ, nhất là ba mẹ tôi. Tôi mong ước tột độ một lần thôi được nhìn rõ gương mặt ba mẹ. Nhưng có lẽ sẽ vĩnh viễn là như vậy, là không nhìn thấy gì nữa và điều này làm tôi thật sự đau buồn”, anh Cảnh tâm sự.

Cuộc sống của cậu bé mù đổi thay hoàn toàn khi Cảnh được giúp đỡ lúc lên 8 tuổi, Cảnh được các cô chú ở Hội Người mù tỉnh và địa phương đến vận động đi học tại tỉnh hội. Sau đó Cảnh được tham gia lớp học phục hồi chức năng dành cho trẻ em mù. Tại đây, cậu bé được học chữ Braille, học nhạc, kỹ năng định hướng di chuyển cần thiết cho người mù; sau đó là học văn hóa để tự tin và sống tích cực hơn.

Lớp học của cô giáo Phương (người đã dạy chữ nổi cho nhiều thế hệ học sinh mù trong tỉnh) đã giúp Cảnh có thêm động lực trong học tập cũng như trong cuộc sống. Sau khi học hết chương trình tiểu học tại Tỉnh hội, Cảnh được hội tạo điều kiện tiếp tục hòa nhập với học sinh sáng mắt trường THCS Phú Hòa, PTTH Bến Cát, học vi tính và ứng dụng công nghệ thông tin cho việc học. Với sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô và nỗ lực, chăm chỉ của bản thân, năm 2015, Cảnh thi vào khoa Anh văn trường Đại học Hoa Sen TP.Hồ Chí Minh và học đến tháng 4-2018. Do gia đình khó khăn về tài chính, Cảnh nghỉ học ở trường và tự học qua mạng internet.

Ngoài thời gian tự học, Cảnh đi chơi đàn cho dàn nhạc đám cưới, hát phục vụ tại các quán cà phê nhạc để có chi phí trang trải trong cuộc sống, đỡ bớt gánh nặng cho gia đình. Thành tích ca hát của Cảnh là đạt huy chương vàng tại liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” toàn quốc lần thứ 3 - năm 2006 tại Hà Nội do Trung ương Hội tổ chức. Đạt các giải thưởng nhất, nhì, ba trong các hội thi Văn nghệ - Thể thao Người Khuyết tật do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương tổ chức. Anh còn phục vụ các hội nghị do Hội Bảo trợ Người Khuyết tật - Trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tổ chức.

Đáng khâm phục hơn khi anh luyện tập và đạt giải khuyến khích cuộc thi ONKIO (chữ Braille trong cuộc đời tôi) do Hiệp Hội người mù Châu Á Thái Bình Dương tổ chức, đạt giải thưởng cuộc thi đọc viết nhanh chữ Braille… Tất cả theo Cảnh nói là “giúp cho tôi có cơ hội rèn luyện và phát triển khả năng của mình...”.

Năm 2018, Cảnh được hội cử tham gia lớp đào tạo cán bộ do Hội Người mù Việt Nam tổ chức tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Kinh tế Cần Thơ. Kết thúc khóa học, Cảnh đạt loại xuất sắc. Học nghề xoa bóp và thi tay nghề do Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng Hội Người mù Việt Nam tổ chức thì anh đạt loại giỏi. Với chừng đó thành tích trong nhiều năm, năm 2019, Cảnh được bầu vào Ban Chấp hành Hội Người mù huyện Bàu Bàng và giữ chức Phó Chủ tịch Hội. “Học tập văn hóa, vi tính, nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là chìa khóa xây dựng hội vững mạnh, giúp HV mù vững tin hơn”, Cảnh khẳng định như thế. Anh tiếp tục nói về chữ “được” của mình: “Tôi được vay vốn để mở một quán tạp hóa. Tôi được tỉnh trợ cấp 680.000 đồng ngoài tiền lương, được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh miễn phí, được nhận những phần quà vào dịp lễ tết, được…”. Anh cười. Nụ cười làm tan biến tất cả những khó khăn, bất tiện cho một chữ “mất” của anh...

Không gục ngã...

Lần đầu tiên gặp Trần Thanh Thủy, tôi ấn tượng về cách ăn mặc, chuyện trò của chị. Từ tốn, nhẹ nhàng, chị chinh phục người đối diện bằng sự chân thành và bằng cả nghị lực.

Chị Thủy kể: “Tôi đã bị mù từ nhỏ. Khi cảm nhận được bản thân mình có khiếm khuyết, tôi thật sự rất buồn và chán nản. Tôi cứ nghĩ mình chẳng làm được gì mà còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tôi không biết làm sao để quên đi mặc cảm của bản thân. Tôi cứ thế sống trong lặng lẽ nhưng rồi may mắn đã tìm đến tôi và giờ tôi hạnh phúc với công việc và cuộc sống của mình”.

Chuyện không ngờ mà Thủy kể đã giúp chị vươn lên, không gục ngã là một ngày nọ, các cô chú ở thành Hội Người mù TP.Thủ Dầu Một đã đến nhà thăm và vận động Thủy vào hội. Tại đây, Thủy gặp nhiều người cùng cảnh ngộ để tâm sự, để giúp đỡ nhau. Các lớp học chữ nổi, làm chổi cho người mù đã dần dần giúp Thủy có thêm nghị lực, thấy mình không vô dụng và quyết tâm phấn đấu từng chút một. Năm 2002, Thủy được các cô chú ở Tỉnh Hội người mù Bình Dương tạo điều kiện để học khóa xoa bóp tại thành Hội Người mù thành TP.Hồ Chí Minh. Học xong, Thủy về làm việc tại cơ sở xoa bóp Rạng Đông của tỉnh hội.

Sau 2 năm làm việc tại cơ sở Rạng Đông, Thủy lập gia đình và có con. Vì muốn vừa thuận tiện chăm sóc con lại vừa có việc làm nên năm 2008, vợ chồng Thủy mạnh dạn làm đề án vay vốn mở cơ sở vật lý trị liệu riêng tại phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một. Khỏi phải nói thì dịch vụ xông hơi xoa bóp tại nhà của 2 vợ chồng rất khó khăn. Cơ sở vật chất còn thiếu, khách chưa biết nhiều và cả 2 vợ chồng rất lo lắng cho bước đầu khởi nghiệp này. Nhưng nhờ Tỉnh hội quan tâm giúp đỡ, cho vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 15 triệu đổng, thế là Thủy mua sắm trang thiết bị hỗ trợ cho công việc. Hiện tại, cơ sở cũng đã tạm đủ các trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho khách đến xông hơi, massage. Không những vợ chồng Thủy có việc làm mà cơ sở này còn giúp cho 4 lao động có cùng hoàn cảnh, đều là người mù với thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Hàng tháng sau khi trừ chi phí, cơ sở nhỏ này cũng dư được khoảng 6 triệu đồng. “Với chúng tôi như vậy là cả một sự nỗ lực, phấn đấu. Tôi tri ân những người đã giúp đỡ tôi, khách đến cơ sở đã yêu thương, ủng hộ và tôi trân trọng những gì mình có được như hôm nay”, Thủy chia sẻ.

Không chỉ tổ chức các hoạt động tại cơ sở xoa bóp của mình mà Thủy còn là HV tích cực tham gia sinh hoạt hội, là một cây văn nghệ của Hội Người mù tỉnh tham gia các phong trào văn thể mỹ của hội các cấp. Những ngày này, Cảnh, Thủy và các bạn trong đội văn nghệ đang ráo riết tập dợt các tiết mục phục vụ đại hội Hội Người mù tỉnh (2020- 2025) sắp tới. Có lẽ niềm lạc quan, yêu đời đã giúp họ vươn lên mạnh mẽ như vậy…

Hội người mù tỉnh hiện có 725 HV. Về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhiệm kỳ qua có 14 học viên học nghề xoa bóp; thành lập mới 2 cơ sở, nâng tổng số 6 cơ sở xoa bóp, vật lý trị liệu. Cơ sở sản xuất kinh doanh chổi, tăm tre đã sản xuất và tiêu thụ 126.380 cây chổi các loại, kinh doanh 491.300 gói tăm tre. Tổng doanh thu từ các cơ sở hơn 29,5 tỷ đồng vượt hơn 33% so với nghị quyết và tăng 76,67% so với nhiệm kỳ trước. Hội đã giải quyết việc làm cho 122 lao động đã qua đào tạo nghề, mức lương bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng, riêng nghề xoa bóp khoảng 2,6 đồng/người/tháng.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên