Vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế

Cập nhật: 11-05-2020 | 08:43:31

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này khi phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp (DN) vào sáng 9-5. Đây cũng chính là chủ đề của hội nghị, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Hỗ trợ doanh nghiệp thông quan hàng hóa nhanh chóng để khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu là một trong những giải pháp ngành Hải quan Bình Dương đang thực hiện

Biến nguy cơ thành cơ hội

Xác định đây là thời điểm nước ta cơ bản khống chế được dịch bệnh Covid-19 và là cơ hội để DN phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Kinh tế nhiều nước trên thế giới đang có sự suy thoái, có thể còn kéo dài nhiều quý tiếp theo. Trong quý I-2020, Việt Nam đạt tăng trưởng 3,82%, mức tăng trưởng khá cao so với mức chung của thế giới. Theo đánh giá, đây là mức tăng trưởng cao nhất của các nước ASEAN trong quý I.

Qua đại dịch, nền kinh tế như chiếc lò xo được nén lại, giờ là lúc sẵn sàng bung ra. Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 5 “mũi giáp công” sẽ tập trung thực hiện, gồm: Thu hút đầu tư, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Thủ tướng nhấn mạnh, bây giờ không phải lúc “than nghèo, kể khổ” mà phát huy tinh thần yêu nước.

“Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã được đẩy lùi ở nước ta, sẽ thôi thúc một tinh thần cách mạng, yêu nước, người dân và DN cùng nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm tái cơ cấu để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng; cũng như khẳng định với thế giới thấy rằng Việt Nam quyết tâm trong môi trường, điều kiện mới để đưa đất nước tiến lên”, Thủ tướng nói.

Thổi bùng khí thế, khơi dậy niềm tin

Khảo sát thực trạng DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện đầu tháng 5 cho thấy, có 55% DN sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, khoảng 22% DN có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Có thể thấy rõ, tỷ lệ DN mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh cũng thấp hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch và tỷ lệ DN dự kiến thu hẹp quy mô cũng cao hơn. Tuy nhiên, điều rất đáng trân trọng là nhiều DN, dù lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, doanh thu sụt giảm, vẫn cố gắng với mức cao nhất để chăm lo cho người lao động.

Tại hội nghị, Thủ tướng có 6 lời đề nghị với DN: Yêu Tổ quốc, làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thành DN lớn, yêu Tổ quốc tức phải thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ; đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự làm yếu mình; không nản chí, vì nản chí là tự mình bỏ cuộc; năng động, quyết đoán, vì thụ động, lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội; sáng tạo, vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau và cần có niềm tin, vì không có niềm tin là tự chối bỏ mình.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết ở trong nước, niềm tin của người dân và DN tiếp tục được khơi dậy. Trên phạm vi quốc tế, làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu đang nhắm Việt Nam là điểm đến an toàn. Để đón nhận cơ hội này, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất. “Khi tôi hỏi lãnh đạo các DN lớn, ngay cả trong lúc khó khăn nhất của đại dịch, xem họ cần gì, thì họ đã nói rất thẳng thắn và chân thành rằng, biết Nhà nước khó khăn, DN không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Tôi tin tâm thế đó của DN là tâm thế của người chiến thắng. Chúng ta cũng hiểu một điều rất giản dị rằng, chính sự minh bạch, đơn giản hóa, để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp bền vững hỗ trợ cho các DN”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Các cộng đồng DN nước ngoài cũng đánh giá cao việc luôn cải cách, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Đặc biệt là những biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã làm rất tốt, cộng đồng các DN rất ngưỡng mộ. Cả hai điều đó góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng DN nước ngoài về Việt Nam - một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn. Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN, khẳng định cộng đồng DN các nước nói chung và cộng đồng DN Hoa Kỳ nói riêng, luôn tin tưởng Chính phủ và nền kinh tế Việt Nam. Hội đồng mong muốn được đưa nhiều DN đến Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 yêu cầu đối với DN: Không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển; tái cơ cấu mạnh mẽ để phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh, các DN Việt Nam, DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đều gắn liền với niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn biết vượt qua khó khăn, thử thách. “Việt Nam có câu “lửa thử vàng gian nan thử sức”, nếu khó khăn 2, chúng ta phải cố gắng 3, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng. Chính vì vậy, chúng ta phải cùng đoàn kết, cùng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong năm nay và các năm tiếp theo”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền động lực và niềm tin cho các cấp, ngành và cộng đồng DN. q

- Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Cộng đồng DN châu Âu coi Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, cạnh tranh và kinh doanh. Việt Nam đang có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội mới và tiếp tục phát triển kinh tế ổn định nhờ cách tiếp cận chủ động này. Thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường vai trò trong chuỗi cung ứng quốc tế và thu hút nhiều nguồn đầu tư mới. Ngoài ra, cần thúc đẩy đầu tư công, đầu tư ODA và các dự án hợp tác công - tư. Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng chính phủ điện tử để tăng cường năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
- Ông Tetsu Funayama, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam: Để nền kinh tế Việt Nam sớm phục hồi và tăng trưởng theo hình chữ V, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam và gia tăng sự đóng góp của các công ty đang hoạt động tại Việt Nam; đồng thời, tiếp tục thúc đẩy kế hoạch hành động “Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản” được khởi xướng bởi Thủ tướng Chính phủ hai nước từ tháng 4-2003 với chủ đề mới phù hợp trong giai đoạn hiện nay là những chính sách hậu Covid-19.
- Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp Hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham): Chính phủ Việt Nam cần nối lại đường bay với những nước đã cơ bản khống chế được đại dịch như Hàn Quốc để các nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động... có thể sang Việt Nam làm việc; Kocham sẽ tiếp tục giới thiệu các DN có chất lượng vào đầu tư tại Việt Nam, bảo đảm chủ trương thu hút FDI có chọn lọc.
- Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương: Đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa được giãn nợ, khoanh nợ. Việc khoanh, giãn nợ phải nhanh, thủ tục đơn giản để giúp DN tập trung phục hồi sản xuất; trong khi xuất khẩu chưa phục hồi, Chính phủ kiên quyết chỉ đạo tăng cường hoặc chỉ sử dụng sản phẩm, vật tư, thiết bị trong nước sản xuất...
- Bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương: Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ đối với lao động thất nghiệp trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm (Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động cùng chia sẻ). Chúng tôi cũng mong được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế lợi tức, thuế VAT của năm 2020; miễn trả lãi (0%) các khoản vay ngân hàng trong năm 2020; giãn thời hạn trả nợ các khoản vay trước năm 2020; chậm thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và bỏ các khoản phạt chậm đóng bảo hiểm trước đó.

NGỌC THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên