Vượt khó để xây dựng
Là địa bàn rộng, dân số đông, trong đó có một số lượng đáng kể đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn nên việc thực hiện chương trình xây dựng NTM tại An Bình còn gặp nhiều khó khăn. Từng bước khắc phục, An Bình đang dần hoàn thiện các tiêu chí theo kế hoạch đề ra từng năm. Hiện tại, An Bình đã đạt 9/19 tiêu chí, đã lập xong đề án xây dựng NTM và hoàn thành quy hoạch chung đã được UBND huyện phê duyệt.
Thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại An Bình. Ảnh: CAO SƠN
Qua thời gian xây dựng NTM, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân An Bình đang từng bước được nâng lên. Ông Trần Công Quang, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, việc lập đề án tại An Bình nếu theo chuẩn chung có sự chênh lệch so với thực tế của địa bàn xã, do dân cư An Bình không phân bố theo cụm mà phân bố theo các tuyến đường. Trong khi đó các tuyến đường có dân cư sinh sống của An Bình chủ yếu là các tuyến đường dài. Việc dân cư phân bổ dàn trải ngoài việc gây khó khăn cho vấn đề quy hoạch còn gây ra một số khó khăn khác trong việc thực hiện một số tiêu chí. Ngoài ra, chương trình xây dựng NTM tại An Bình cũng gặp một số khó khăn khác như không có cán bộ chuyên trách, chỉ có kiêm nhiệm. Trong khi đó công việc chuyên môn của các cán bộ xã rất nhiều, làm theo thời gian quy định cũng chưa hết việc chuyên môn của ngành phụ trách. Kinh phí riêng để hỗ trợ hầu như không có, từ đó không động viên kịp thời cho cán bộ làm công tác NTM. Công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế do chưa có các hình thức tuyên truyền trực quan.
Nhân dân đồng thuận
Tuy nhiên, bên cạnh các khó khăn, chương trình xây dựng NTM của An Bình nhận được sự đồng tình và ủng hộ rất lớn của nhân dân. Ngoài việc đóng góp các ý kiến cho chương trình, người dân trên địa bàn xã còn đóng góp đất đai, cây cối và tài sản trên đất; nhiều hộ dân còn chấp nhận giải tỏa không đền bù, những hộ không bị ảnh hưởng còn quyên góp, chia sẻ với các hộ bị giải tỏa để cùng góp sức đẩy nhanh thực hiện chương trình.
Ông Phạm Văn Dàng, Trưởng ấp Tân Thịnh cho biết, do nắm được các thông tin cụ thể về chương trình xây dựng NTM nên khi được tuyên truyền về việc giải tỏa mở đường giao thông, nhân dân trong ấp đã tự giác thực hiện. “Riêng tôi cũng đã tiên phong bằng việc hiến nhiều cây cao su đang khai thác cho việc làm đường. Không những vậy người dân trong ấp cũng đã tích cực tham gia đóng góp vào việc thực hiện một số tiêu chí khác như các môi trường, văn hóa…”, ông Dàng cho biết thêm.
Ông Trần Công Quang khẳng định những đóng góp của nhân dân trong thời gian qua là rất quan trọng, là nguồn động viên lớn để lãnh đạo xã, cán bộ làm NTM quyết tâm thực hiện chương trình. Để có thể khắc phục các khó khăn, đẩy nhanh thực hiện chương trình, trong thời gian tới công tác tuyên truyền sẽ được chính quyền xã đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân trong việc thực hiện một số tiêu chí. Ông Quang cũng cho rằng cấp trên cần hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban quản lý và cấp kinh phí in ấn, làm panô, khẩu hiệu trong công tác tuyên truyền nhằm đạt hiệu quả cao nhất. “Địa bàn xã An Bình rộng, đầu tư giao thông nông thôn rất nhiều, một số tuyến đường liên quan tới Nông trường Cao su An Bình và Nông trường Đồng Sen, vì vậy xã đề nghị cấp trên hỗ trợ trong công tác vận động một số nông trường và đơn vị đứng chân trên địa bàn ủng hộ mọi nguồn lực trong công tác xây dựng NTM, trong đó có việc thu hồi đất của hai nông trường trên để thực hiện dự án chợ nông thôn và các văn phòng ấp theo kế hoạch là rất cần thiết”, ông Quang kiến nghị.
Hiện tại chính quyền và nhân dân xã An Bình đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM. Có sự đồng thuận và đóng góp tích cực của nhân dân, chương trình xây dựng NTM tại xã An Bình sẽ tiếp tục có điều kiện khắc phục được các khó khăn để hoàn thành theo đúng tiến độ.
• CAO SƠN