Xã An Bình (Phú Giáo): Kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển

Cập nhật: 12-04-2014 | 00:00:00

Hạ tầng giao thông được đầu tư, đời sống người dân ngày càng đi lên. Trong ảnh: Tuyến đường ĐT741 đoạn đi qua địa bàn An Bình. Ảnh: P.AN

 Kinh tế phát triển

Xã An Bình có tổng diện tích đất tự nhiên 6.352,5 ha, có 2 nhà máy chế biến hạt điều, 2 nông trường cao su đóng trên địa bàn đã tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Quang, Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết: “An Bình là một xã thuần nông với 82% số hộ sống bằng nghề nông nghiệp. Trong những năm gần đây, cùng với quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đời sống người dân đã ngày một đi lên. Thu nhập bình quân của người dân là 24 triệu đồng/ người/năm. Đặc biệt đời sống của bà con dân tộc thiểu số đã có sự chuyến biến rõ rệt, nhất là từ khi thực hiện dự án định canh, định cư cho bà con, nhiều hộ không chỉ thoát khỏi đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu, phát triển bền vững”. Hiện trên địa bàn xã có 6 dân tộc thiểu số với hơn 200 hộ, trong đó đông nhất là người dân tộc Khmer. Dự kiến, trong năm 2014 An Bình sẽ kết hợp với Trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật huyện mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng 450 người, giới thiệu việc làm cho 360 lao động.

Đến thăm bà con nơi đây mới thấy hết được sự thay da đổi thịt của vùng đất này. Chia sẻ với chúng tôi, anh Thạch Lu, dân tộc Khmer, ấp Tân Thịnh, cho biết: “Trước kia gia đình tôi nghèo lắm, cái ăn cũng không có, không có cả cái nhà riêng để ở. Đi làm thuê, làm mướn đủ nghề mà vẫn đói. Từ khi được chính quyền cấp đất (năm 2004), gia đình tôi mới có cái ăn. Hiện nay, với 1 ha điều bình quân tôi thu được khoảng 40 triệu đồng/ năm. Cuộc sống của chúng tôi đã ổn định hơn trước, có xe máy tốt để đi lại. Hiện các con tôi đều có việc làm trong nông trường cao su, lương bình quân mỗi tháng được 4 - 5 triệu đồng”.

An Bình có diện tích cây lâu năm 2.116 ha, trong đó diện tích tiêu là 138 ha, điều 35 ha, cao su 1.893 ha, cây ăn quả 50 ha. Cùng với thế mạnh về cây lâu năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng là lợi thế để phát triển kinh tế hộ gia đình, nhất là tạo điêu kiện để người dân phát triển kinh tế trang trại. Tính đến hết quý I-2014, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã là 186.227 con.

Tập trung đầu tư giao thông nông thôn

Để hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2015 theo mục tiêu đề ra, đến nay An Bình đang tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) theo tiêu chí NTM. Năm 2013, An Bình đã đầu tư tuyến đường bê tông xi măng ấp Bình An - Bình Tiến từ đường ĐT741 vào trường Tiểu học An Bình B và tuyến nội đồng ấp Cà Na cấp phối sỏi đỏ. Tổng chiều dài của 2 tuyến đường là 2.648m với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. “Tính đến thời điểm này, GTNT trên địa bàn xã tương đối đạt tiêu chí. Nhiều tuyến đường liên ấp được trải nhựa do các nông trường, công ty đầu tư xây dựng. Việc đầu tư xây dựng GTNT đã tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, thúc đẩy sản xuất và hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2015. Trong năm 2014, An Bình sẽ tiếp tục khảo sát các tuyến đường GTNT để phục vụ cho công tác lập quy hoạch chung theo mô hình NTM ”, ông Trần Công Quang, Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên