Xã hội cùng chăm lo trẻ mầm non

Cập nhật: 31-10-2018 | 06:07:33

 Với phương châm “Toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục”, công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, nhất là giáo dục mầm non (MN). Tính đến tháng 9, toàn tỉnh có 242 trường, cơ sở giáo dục MN ngoài công lập (NCL) được xây dựng, góp phần cùng các trường công lập đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ MN, nhất là trẻ thuộc diện con em lao động ngoài tỉnh.

Đáp ứng được nhu cầu

Mỗi năm, Bình Dương tăng hàng chục ngàn học sinh các cấp, trong đó riêng cấp học MN năm nay tăng gần 9.000 cháu. Số học sinh tăng chủ yếu là con em công nhân lao động ngoài tỉnh. Trước tình hình trẻ MN liên tục tăng, các trường MN công lập không đáp ứng đủ nhu cầu. Với chủ trương xã hội hóa giáo dục MN, nhiều nhà đầu tư, cá nhân đã đầu tư xây dựng trường, lớp MN phục vụ nhu cầu học tập của con em người lao động. Các cơ sở giáo dục MN NCL phát triển mạnh ở những địa phương tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp như TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên.

TX.Dĩ An hiện có 154 cơ sở MN NCL đã được cấp phép, trong đó, có 74 trường MN và 80 cơ sở nhóm - lớp MN. Ông Lê Minh Phúc, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) nhìn nhận: “Công tác xã hội hóa giáo dục MN đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, mạng lưới MN phát triển đều khắp các phường. Chính sự phát triển mạnh của MN NCL, nên đã giải quyết được 80% trẻ MN đến trường, góp phần giảm áp lực cho các trường công lập, đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, đặc biệt là những người lao động”. Công tác xã hội hóa giáo dục đã được Thị ủy quan tâm chỉ đạo ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước đi đôi với công tác xã hội hóa giáo dục. Công tác này được thực hiện tốt do sự tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể, các đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn, các nhà hảo tâm đã tham gia, hỗ trợ các điều kiện về hoạt động giảng dạy - học tập, xây dựng cơ sở vật chất… Từ đó sự nghiệp giáo dục trên địa bàn TX.Dĩ An ngày càng phát triển vững chắc, ổn định.

Giờ sinh hoạt ngoài trời của trẻ trường MN Hài Mỹ (TX.Thuận An)

TX.Thuận An cũng là địa phương phát triển mạnh hệ thống giáo dục MN NCL. Đến nay, toàn thị xã có 68 trường và 203 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Những trường MN NCL được đầu tư khang trang, như: Phượng Hồng, Ngôi Sao Nhỏ, Vinh Hỷ... Với TP.Thủ Dầu Một cũng là địa phương có số trường MN NCL phát triển mạnh. Đến nay, thành phố có 39 trường tư thục, 52 nhóm trẻ - lớp mẫu giáo độc lập tư thục có phép và 30 nhóm trẻ gia đình quy mô nhỏ. Các trường MN NCL trong tỉnh không chỉ phát triển rộng khắp các địa phương, mà các cơ sở còn linh hoạt thời gian nhận giữ trẻ, mức phí phù hợp với điều kiện và mức sống của người dân, từ đó đã đáp ứng được nhu cầu gửi con của phụ huynh, nhất là công nhân lao động. Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận, công tác xã hội hóa giáo dục MN được các địa phương tăng cường thực hiện khá tốt, đặc biệt là việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường lớp MN ở các khu - cụm công nghiệp. Đến nay, quy mô trường lớp MN tiếp tục tăng, tỷ lệ trẻ MN NCL chiếm 66,25%, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các bậc cha mẹ.

Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Công tác xã hội hóa giáo dục MN trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Đặc biệt tỉnh luôn tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục MN. Cụ thể, tỉnh tạo cơ chế thông thoáng về chính sách, phương thức, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo đối với những khu công nghiệp hình thành trước đây. Đặc biệt, tỉnh thực hiện chính sách giao đất, cho thuê đất… đối với cá nhân, doanh nghiệp để xây dựng cơ sở giáo dục NCL. Trong năm học 2017-2018, các địa phương phát triển khu - cụm công nghiệp, vùng kinh tế phát triển nhanh đã giao hơn 40.000m2 đất để xây dựng 5 trường MN NCL ở TX.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một và huyện Phú Giáo. Để các cơ sở hoạt động ngày càng tốt hơn, giáo viên NCL cũng được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ như giáo viên các trường công lập. “Được sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh, các ngành, địa phương và ngành GD-ĐT, hoạt động ở các cơ sở giáo dục MN NCL có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ được nâng lên rõ rệt”, bà Nguyễn Phương Dung đã đánh giá như vậy.

Năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT tiếp tục huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục MN. Tập trung phát triển trường, lớp MN NCL ở những nơi có điều kiện, đặc biệt ở các khu đông dân cư, khu công nghiệp; khuyến khích đa dạng các hình thức xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục MN ổn định, bền vững.

 Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đánh giá, giáo dục MN phát triển nhanh về quy mô và số lượng. Đây cũng là một trong những điểm nhấn trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29. Riêng Bình Dương là tỉnh đứng thứ 2 cả nước (sau TP.Đà Nẵng) có tỷ lệ trường MN NCL cao, với 66,02%.

 

 H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X