Xã hội hóa bán trú: Cần quản lý chặt hơn

Cập nhật: 03-11-2017 | 08:31:25

Nhiều năm qua học sinh (HS) tiểu học ngày càng gia tăng, để tất cả HS đều có chỗ học, nhiều trường tiểu học (TH) trong tỉnh chỉ tổ chức dạy 1 buổi/ngày. Từ đó đã phát sinh nhu cầu phụ huynh gửi con em vào buổi còn lại và hình thức xã hội hóa bán trú đã ra đời trong hoàn cảnh này.

 Từ nhu cầu phụ huynh

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), thực tế cơ sở vật chất của các trường TH tại các khu vực trọng điểm của các huyện, thị, thành phố không đáp ứng được việc tổ chức cho HS học 2 buổi/ngày và bán trú, dẫn đến tình trạng nhiều em chỉ được học 1 buổi chính khóa trong nhà trường, thời gian còn lại các em không được chăm sóc và hướng dẫn ôn tập. Từ thực tế đó có rất nhiều phụ huynh HS là cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động đã đề nghị với các trường và cơ quan quản lý giáo dục xin được gửi con em đến nhà giáo viên để được trông coi, chăm sóc và dạy dỗ sau buổi học ở trường. Trước tình hình trên, năm 2013, Sở GD-ĐT đã cho phép giáo viên TH dạy các lớp 1 buổi/ngày tổ chức bán trú và hướng dẫn ôn tập cho HS buổi còn lại.

Các điểm tổ chức bán trú tiểu học ngoài giờ đã đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh học sinh

TX.Thuận An là địa phương có số HS tăng cao nhiều nhất so với các địa phương khác trong tỉnh. Chỉ riêng năm học này, TX.Thuận An tăng trên 4.000 HS TH. Dù tỉnh, ngành đã quan tâm đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất trường lớp nhưng vẫn không đáp ứng được việc tổ chức cho HS học 2 buổi/ngày. Hiện nay, nhiều trường TH đã cắt giảm mạnh lớp 2 buổi và bán trú. Và khi biết được chủ trương của ngành, một số cá nhân đã tổ chức bán trú TH ngoài giờ. Theo ông Thái Văn Trung, Phó phòng GD-ĐT TX.Thuận An, thị xã có 4 cơ sở và 26 điểm nhỏ lẻ được cấp phép hoạt động bán trú ngoài giờ. Chúng tôi đã tìm đến một cơ sở như vậy tại khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao. Điểm này có 238 em HS ở 8 lớp. Đây là những HS của trường TH Thuận Giao 2 và TH Bình Thuận. Cơ sở này khá khang trang, mỗi phòng có diện tích 70m2, có cả bếp ăn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng ngày sau giờ HS tan trường, chủ cơ sở tổ chức xe đón các em về ăn uống, ngủ (đối với HS học buổi sáng), đến hơn 14 giờ HS được giáo viên ôn tập lại những bài đã học ở buổi sáng. Các giáo viên phụ trách các lớp đều là những cô giảng dạy các em ở trường công. Đến thăm một cơ sở khác ở phường Bình Chuẩn, do cô Phạm Thị Loan, giáo viên về hưu tổ chức. Cô đã nhận 82 HS của trường TH Bình Chuẩn. Vì cơ sở nhỏ, cô đặt suất ăn công nghiệp cho HS vào buổi trưa. Do đã từng giảng dạy TH nên cô cũng tổ chức hoạt động bài bản, có kế hoạch tổ chức ôn tập cho HS, hàng tháng họp giáo viên để rút kinh nghiệm nhằm thực hiện hoạt động này tốt hơn.

Những bất cập cần chấn chỉnh

Hình thức xã hội hóa bán trú như trên đã đáp ứng được nhu cầu bán trú của phụ huynh, góp phần giảm áp lực cho trường công. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn những bất cập cần được chấn chỉnh. Theo quy định của Sở GD-ĐT, cơ sở vật chất tổ chức bán trú và ôn tập có diện tích trung bình 1,1m2/ HS trở lên, nhưng ở những điểm nhỏ lẻ diện tích chưa bảo đảm đúng theo quy định, có điểm nằm gần đường nên khá nguy hiểm nếu các em chạy nhảy, đùa giỡn với nhau.

Hiện nay ở bậc TH đã thay điểm số bằng nhận xét, đánh giá, song những phụ huynh không gửi con vào buổi 2 cũng lo lắng giáo viên thiên vị đối với những em học thêm. Bởi thực tế có một số giáo viên tận dụng chủ trương của ngành cho giáo viên tổ chức bán trú và ôn tập ngoài nhà trường để tổ chức dạy thêm. Có những giáo viên đã nhập nhằng giữa xã hội hóa bán trú với dạy thêm. Vì qua tìm hiểu của chúng tôi tại nhà một giáo viên ở TP.Thủ Dầu Một, trong số trên 20 HS thì có dưới 50% HS có ăn, nghỉ trưa tại nhà giáo viên, còn lại các em được cha mẹ đưa đến học thêm vào buổi chiều.

Đề cập đến vấn đề này, một vị trong ban giám hiệu của một trường TH trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một nhìn nhận, thực tế nhà trường vẫn biết có giáo viên dạy chui, nhưng không thể xử lý, bởi phụ huynh mong muốn giáo viên tổ chức bán trú để họ yên tâm công tác. Có giáo viên do không đủ điều kiện cơ sở vật chất nên không dám tổ chức, thì phụ huynh trực tiếp đến gặp ban giám hiệu nhờ can thiệp. Và ngoài nhu cầu của phụ huynh, giáo viên cũng muốn dạy thêm để kiếm thêm thu nhập nên ngành có biết cũng đành làm ngơ!

Mỗi năm ngành GD-ĐT tăng gần 30.000 HS các cấp, nhiều nhất là TH. Do đó các trường cắt giảm bán trú để thu nhận tất cả HS là lẽ đương nhiên. “Hình thức xã hội hóa bán trú đã đáp ứng được nhu cầu chính đáng của phụ huynh. Nhưng để hoạt động này đi vào nề nếp, các phòng GD-ĐT, nhà trường, các địa phương cần quản lý chặt và hướng dẫn các giáo viên xin cấp phép trước khi hoạt động, đừng để hoạt động này lẽ ra chính đáng, nhưng người dạy có cảm giác như làm gì đó gian dối”, một giáo viên tâm sự.

H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên