Xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”

Cập nhật: 10-07-2017 | 08:58:39

20 năm qua, Bình Dương tạo một điểm nhấn rất lớn cho công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Ngoài việc trích ngân sách, Bình Dương đã xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” bằng việc vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN)... ủng hộ xây tặng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, nhận phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng…

 Đại diện Công ty TNHH Thép Việt Mỹ trao tặng quà cho gia đình NCC. Ảnh: T.LÝ

 Ngày càng lan tỏa

Theo chân đoàn vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” do ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm trưởng đoàn vào đầu tháng 7 vừa qua, chúng tôi càng ngưỡng mộ hơn những nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp dành cho công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ở Bình Dương. Với họ, không cần đoàn đến vận động thì tự họ cũng ý thức được rằng đây là một hoạt động nghĩa tình rất ý nghĩa cần phải thực hiện thường xuyên. Bởi đó không chỉ là việc thể hiện sự tri ân với các thế hệ cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chia sẻ một phần khó khăn với các gia đình chính sách, mà còn nhằm giáo dục các thế hệ mai sau về truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, nhất là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Toàn tỉnh hiện có 1.970 bà mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, trong đó có 85 mẹ còn sống. Tất cả các mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, DN nhận phụng dưỡng đến cuối đời; bảo đảm các mẹ đều được chăm sóc chu đáo về vật chất lẫn tinh thần, ngoài ra các mẹ còn được cấp thẻ khám chữa bệnh theo chế độ trung cao.

Trong những ngày tháng 7 lịch sử này, không khí hăng say sản xuất, kinh doanh tại các DN trên địa bàn tỉnh khá sôi động. Bên cạnh các câu chuyện sản xuất sao cho đạt hiệu quả, nhiều DN còn bảo nhau tích cực hơn trong các hoạt động xã hội ở địa phương, nhất là hoạt động cùng chung tay với Bình Dương thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Một trong những nghĩa cử đáng trân trọng là 100% mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn còn sống đều được các DN, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Rất nhiều DN, các đơn vị cùng những tấm lòng vàng đã trích một phần tiền để chăm lo đời sống gia đình, đối tượng chính sách. Điển hình như Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP Group), nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hàng năm, THP Group đã ủng hộ tiền để thăm và tặng quà cho gia đình chính sách và trao tiền trực tiếp cho 9 gia đình chính sách ở phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An mà THP Group nhận phụng dưỡng. Công ty Cổ phần Thương mại Sabeco Miền Đông (SABECO Miền Đông) trong những năm qua cũng là một trong những DN thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa. SABECO Miền Đông đã xây tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách khó khăn. Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa và TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng cũng là những đơn vị điển hình. Thời gian qua, 2 đơn vị đã ủng hộ hàng tỷ đồng để xây tặng nhà tình nghĩa, thăm tặng quà cho đối tượng chính sách, chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng.

Bên cạnh các DN có vốn đầu tư trong nước, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng tích cực tham gia công tác này. Chị Huỳnh Ngọc Phượng, Quản lý Phòng Nhân sự Công ty Lốp Kumho Việt Nam- Chi nhánh Bình Dương cho biết, Tập đoàn Kumho Asiana nói chung và Ban Giám đốc công ty nói riêng rất quan tâm đến công tác xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ở Bình Dương. Hiện công ty đã thành lập nhóm phụ trách công tác từ thiện xã hội với 10 thành viên. Hàng năm, nhóm này lên kế hoạch đi thăm, tặng quà cho các đối tượng trong tỉnh. Trong năm 2015, công ty đã ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Bình Dương số tiền 30.000 đô la Mỹ (tương đương gần 640 triệu đồng), năm 2016, công ty cũng đã trao 3 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại huyện Dầu Tiếng, mỗi gia đình còn được nhận 1 sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.

Cần nhân rộng

Nhờ sự quan tâm, đồng hành của các DN trong việc thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong những năm qua, các phong trào, các cuộc vận động như: Cuộc vận động toàn dân tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở hoặc khi gặp khó khăn, hoạn nạn; phong trào nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng, cha, mẹ liệt sĩ neo đơn… đã tạo điều kiện cho người có công và gia đình chính sách phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Nhiều tổ chức đoàn thể, trường học thường xuyên tổ chức cho đoàn viên, hội viên chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ, góp phần làm cho các công trình này thêm khang trang, sạch đẹp.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tiếp nhận hàng tỷ đồng đóng góp của các đơn vị, cá nhân, DN cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ nguồn quỹ, nhiều hoạt động chăm lo cho đối tượng chính sách được thực hiện. Điều đó có thể khẳng định, Bình Dương đã thu hút được nguồn lực mạnh nhất trong xã hội, trong đó phải kể đến sự đóng góp của khối DN. Đáng mừng là có những DN coi việc chăm sóc các đối tượng chính sách là hoạt động truyền thống một cách tự giác, tích cực. Tuy nhiên, nếu thiếu đi nguồn hỗ trợ tích cực của DN thì chắc chắn công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công với nước không được lan tỏa sâu rộng như thời gian qua. Vì thế hơn bao giờ hết, cần lắm những đơn vị, DN coi công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là một chủ trương, hoạt động tiêu biểu trong các hoạt động của công ty, điều đó sẽ góp phần nhân rộng ngày càng nhiều hơn sự tri ân, đúng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

 MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên