Nhà có 3 người là mẹ Việt Nam anh hùng

Cập nhật: 27-07-2017 | 09:45:02

Với người làm báo, điều họ cần là sự độc đáo, thú vị và những điều đáng trân trọng, gây xúc động lòng người. Thế nên khi được nghe kể về câu chuyện của gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Giờ, bản thân tôi đã thật sự bị cuốn hút ngay từ những thông tin đầu tiên…

Chân dung mẹ Đặng Thị Giờ

Một thời oanh liệt

Tôi đến ấp An Hòa, xã An Sơn, TX.Thuận An vào một ngày tháng 4 ngập tràn ánh nắng, ngõ vào nhà mẹ Đặng Thị Giờ cũng giống như bao ngã đường bình yên khác ở nơi đây. Những ngôi nhà nép mình lặng lẽ dưới tán lá xanh rì của các vườn cây ăn trái. Khó có thể hình dung, nơi đây từng là vùng giáp ranh với 2 ấp trắng An Quới và Phú Hưng (trước 1975 thuộc Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một ngày nay) bị bom đạn cày xới trong khói lửa chiến tranh.

Anh Trần Hiệp Sĩ (SN 1964) là 1 trong số 14 người là cháu nội, ngoại của mẹ Đặng Thị Giờ. Anh kể, bây giờ anh là người được giao trách nhiệm chăm lo việc từ đường, thờ cúng ông bà, tổ tiên trên mảnh đất hương hỏa của ông bà để lại. Điều đáng ngạc nhiên và thú vị đầu tiên mà anh Sĩ cho tôi biết là trong thân tộc của anh có 3 người được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là mẹ Đặng Thị Giờ (được truy tặng là mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2014) cùng 2 người con gái ruột của mẹ là bà Trần Thị Thìn (mẹ của 3 liệt sĩ) và bà Trần Thị Tân (có chồng và con là liệt sĩ).

Xin được nói rõ thêm những chi tiết rất cảm động này: Những người con liệt sĩ của mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Thìn là liệt sĩ Trần Văn Minh, Trần Xuân Quang và Trần Thị Hương. Với mẹ Trần Thị Thìn, mất đi từng núm ruột thân yêu của mình là một nỗi đau khó nguôi ngoai và không gì có thể bù đắp được, là sự hy sinh, cống hiến to lớn của mẹ cho công cuộc giữ nước. Mẹ Trần Thị Thìn được Nhà nước phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng ngay trong đợt đầu tiên. Còn mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tân, người có chồng là liệt sĩ Lương Văn Dõng và con là liệt sĩ Lương Công Nghĩa. Khi nghe kể lại chuyện những người mẹ Việt Nam anh hùng của một gia đình ruột thịt để viết những dòng chữ thô mộc này, tôi không khỏi cảm phục tấm lòng của những người mẹ. Quá đỗi đau thương nhưng cũng quá đỗi tự hào và vinh dự! Đó là khi người phụ nữ đã nén yêu thương, hạnh phúc riêng tư của bản thân để tần tảo chắt chiu, chăm lo cho chồng, con dấn thân vào hiểm nguy lửa đạn, cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước…

Anh Trần Hiệp Sĩ bồi hồi xúc động nhớ lại và kể cho tôi nghe về bà nội của anh - mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Giờ. Ngày trước nội của anh có tất cả 6 người con, 4 trai, 2 gái, hiện cả 6 người con đều đã mất, giờ đây chỉ còn những cháu chắt tề tựu quanh khu đất vùng quê của mẹ. Bà nội của anh Út Sĩ, trong tiềm thức và ký ức của đứa cháu còn ngây thơ ngày nào là một người đôn hậu, hiền lành, đảm đang, chịu thương chịu khó như bao người phụ nữ Nam bộ. Hồi đó những anh, em của anh Út Sĩ còn nhỏ nên thường sang chơi với bà, được lớn lên trong sự đùm bọc và yêu thương của nội. Anh còn kể về cô Hai, bác Năm, bác Tư Gái (vợ của liệt sĩ Trần Văn Gia)… luôn quây quần bên bà nội mỗi khi có dịp rảnh rang. Thời quê hương còn chìm trong loạn lạc, những người thân yêu của nội cùng nhiều người dân khác trong làng một lòng đi theo cách mạng, đứng lên, cầm súng chiến đấu, giành lại cuộc sống hòa bình, độc lập. Bà nội của anh, một nắng hai sương, tảo tần chăm lo cho chồng con, lặng lẽ che giấu, tiếp tế cho cán bộ cách mạng trong vùng. Từ sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm1968, ấp An Hòa trở thành một vùng trắng, dân làng tản cư gần hết. Mãi đến sau năm 1975, khi hòa bình lập lại, dân làng mới kéo nhau trở về, bắt đầu một cuộc sống mới trên quê hương.

Người con trai của mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Giờ, liệt sĩ Trần Văn Gia tham gia kháng chiến chống Pháp. Nỗi đau của người mẹ tưởng như là tột cùng khi hay tin con trai mình bị địch bắn ở sông Sài Gòn, hy sinh và trôi mất xác. Thêm một lần nữa, vào năm 1969, mẹ lại chịu nỗi đau khi đứa con út của mẹ là ông Trần Văn Mót (tự là Tám Thân, SN 1923), khi đó ông là Ủy viên Ban Kinh tài tỉnh, bị địch truy lùng gắt gao và khi phát hiện ra hầm bí mật, chúng đã bắn chết ông ngay tại vườn cây ăn trái ở khu vực Cầu Ngang (khu phố Hưng Thọ, phường Hưng Định ngày nay).

Khu vườn nhà mẹ Đặng Thị Giờ từng là hố bom thời chiến tranh nay được con cháu chăm sóc xanh tốt, bình yên

Lưu giữ truyền thống

Đưa chúng tôi đi thăm phần mộ của những người thân đã từng một thời oanh liệt sống, chiến đấu quên mình cho quê hương, anh Út Sĩ tự hào và xúc động giới thiệu và kể cho tôi nghe về thân thế của từng người một. Không tự hào sao được khi có một dòng tộc với truyền thống cách mạng vẻ vang như thế! Anh cũng cho tôi hay về người anh ruột thứ 6 của mình là anh Trần Thanh Liêm, hiện là một trong những vị lãnh đạo của Bình Dương. Anh Sáu của anh vẫn thường tranh thủ vào các ngày nghỉ cuối tuần để về thăm quê nội. Tuy bận rộn trọng trách được giao nhưng anh trai của anh hầu như không bỏ một dịp cúng giỗ nào của gia đình và bà con trong thân tộc, nhất là ngày giỗ của ông bà nội, trừ khi anh có việc đột xuất phải đi công tác xa nhà.

Cũng rất may mắn cho người viết là tôi đã có dịp để gặp gỡ và trao đổi thêm nhiều thông tin từ gia đình giàu truyền thống cách mạng của anh Trần Thanh Liêm. Theo anh Sáu Liêm, quê nội của anh hồi đó được gọi bằng cái tên dân dã là “Ngã Ba Làng”, đó là nơi giáp ranh với vùng trắng, nhưng một số ít người dân, trong đó có gia đình ông vẫn kiên cường bám trụ để che giấu, tiếp tế lương thực cho nhiều cán bộ cách mạng trong vùng. Cha của anh Trần Thanh Liêm là ông Trần Văn Ngói, người con trai thứ 6 của mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Giờ cũng là một người đã từng tham gia, cống hiến cho cách mạng. Ông Trần Văn Ngói được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Sau ngày giải phóng 30- 4-1975, ông tham gia tiếp quản chính quyền xã An Sơn và được giao nhiệm vụ là Chủ tịch Nông hội; ông cũng được giới thiệu ra ứng cử và trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Sông Bé khóa I.

Khi nhắc về người cha kính yêu của mình, anh Trần Thanh Liêm ngậm ngùi bày tỏ: “Lúc sinh thời, ba tôi thường kể, khi bác của tôi hy sinh, lạc mất xác trên sông Sài Gòn, bà nội và ba của tôi lặng lẽ di dọc sông, dò hỏi tìm xác trong nhiều ngày liền với niềm hy vọng không nguôi ngoai là để thân xác của bác tôi được an táng đàng hoàng như bao nhiêu người khác. Sau này, khi chú Út tôi là ông Trần Văn Mót hy sinh, do chú không có vợ con, nên ba của tôi đã cùng các người dân trong làng tổ chức chôn cất ngay tại nơi chú đã ngã xuống (mãi đến năm 1997, khi có điều kiện, thân tộc mới tổ chức cải táng phần mộ của chú về chung trong khuôn viên khu mộ của ông, bà nội để thuận tiện cho việc hương hỏa, thờ cúng). Anh Sáu Liêm cho biết thêm: “Hồi nhỏ tôi cũng được nghe bà nội và ba tôi kể rất nhiều điều về gia đình, dòng tộc; về những mất mát, đau thương mà chiến tranh đã gây ra cho những người thân yêu nhất và những truyền thống quý báu mà chúng tôi, lớp người đi sau phải luôn tâm niệm, trân trọng và giữ gìn. Điều mà tôi luôn khắc ghi và hằng tưởng nhớ là tấm bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của xã An Sơn có khắc ghi danh tính của nhiều người thân thuộc là cô, chú, bác, anh, chị họ hàng trong thân tộc của chúng tôi. Bởi thế cho nên, mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hàng năm, dù bận rộn thế nào đi chăng nữa, với trách nhiệm là một người con của An Sơn và là lãnh đạo của Thuận An trước đây và của tỉnh Bình Dương hôm nay, tôi luôn thu xếp thời gian để viếng thăm và thắp một vài nén nhang, thầm tri ân và tưởng nhớ đến những người thân thuộc của mình và cho anh linh các vị liệt sĩ của quê hương An Sơn được an nghỉ vĩnh hằng nơi đất mẹ thân yêu…”.

Một điều nữa mà cả anh Út Sĩ và anh Sáu Liêm luôn tâm niệm và canh cánh trong lòng, đó là trách nhiệm của bản thân trong việc lưu giữ, tiếp nối truyền thống cách mạng quý báu của một gia đình có 3 người phụ nữ đều là mẹ Việt Nam anh hùng; là nghĩa vụ phải chăm sóc, giáo dục và nhắc nhở cho các con, các cháu và các thế hệ mai sau phải luôn sống cho thật xứng đáng với các tấm gương chiến đấu, hy sinh của những người trong thân tộc.

Tôi rời đi với những nỗi niềm suy nghĩ lắng đọng, đưa mắt nhìn quanh những vườn cây măng cụt đang vào mùa trổ bông, xanh ngắt trong một không gian thanh bình, nhẹ nhàng và thanh thản. Những hàng cau vươn lên thẳng tắp như muốn nói lên khí phách của những con người chân quê, mộc mạc, chất phác nơi đây, họ đã có một thời oằn mình trong lửa đạn, anh dũng vượt qua và vươn lên mạnh mẽ trong gian khó.

 

 TRẦN QUỲNH NHƯ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên