Đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 cao nhất hơn 8%

Cập nhật: 16-06-2019 | 14:46:53

Trong khi phía đại diện người lao động đề nghị tới hai mức tăng lương tối thiểu năm 2020, cao nhất với mức 8% thì ở chiều ngược lại, đại diện giới chủ vẫn bảo lưu quan điểm không tăng...

Phiên họp kín đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra ngày 14/6.

Đó là thông tin tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia để bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020, diễn ra 14/6.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng cao nhất hơn 8%

Nhận định về mức tăng lương tối thiểu năm 2020, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, nếu theo cách tính của cơ quan này về xác định mức sống tối thiểu, tỷ lệ lương thực khoảng 47% - tương đương với Philippines hiện nay, thì mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 phải tăng từ 160.000 - 330.000 đồng tùy từng vùng lương, tức là tăng khoảng 7,06%.

Còn nếu lấy mức tỷ lệ lương thực khoảng 46,5% thì mức tăng sẽ cao hơn, khoảng 8,18%, tương đương với mức tăng từ 180.000 - 380.000 tùy từng vùng lương. 

Theo ông Quảng, với hai mức tăng được cơ quan này đề xuất thì đều đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, nhưng điều quan trọng hơn vẫn là căn cứ xác định mức sống tối thiểu trong năm nay.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lý giải, từ mức sống tối thiểu sẽ quy ra được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020, tất nhiên sẽ có sự điều chỉnh. "Khi tính tỷ lệ lương thực thực phẩm càng thấp thì mức sống tối thiểu càng cao. Hiện nay, Hội đồng Tiền lương quốc gia tính lương vùng 4 rất thấp, vì thế Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần tăng lên để thu hút lao động vào khu vực này", ông Quảng đề xuất.

Doanh nghiệp bảo lưu quan điểm không tăng

Trong khi phía tổ chức đại diện người lao động đề xuất tới hai phương án tăng tương tối thiểu vùng năm 2020, với mức tăng khá cao thì đại diện giới chủ, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vẫn bảo lưu quan điểm như các năm là đề nghị không tăng. Thậm chí, nếu có tăng cũng chỉ đề xuất ở mức dưới 3%.

Lý giải về quan điểm trên, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, những năm vừa qua việc chi trả lương đã cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng quy định. Cụ thể, nếu như năm 2019 mức tăng lương tối thiểu là 5,3%, thì có đến 72,5% doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng trên 6%; có 2,1% doanh nghiệp tăng 5,9%.

Trong khi đó, lương tối thiểu vùng tăng lên đã làm tăng các chi phí của doanh nghiệp dù doanh nghiệp đang cần cắt giảm nhiều chi phí để cạnh tranh.

Trên thực tế, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng không phải là ý kiến chủ quan của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mà đây là kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp.

Phản hồi lại quan điểm đề nghị không tăng của phía giới chủ, ông Lê Đình Quảng cho rằng, các bên phải nhìn nhận vấn đề tăng lương tối thiểu vùng trong những mối quan hệ tổng thể, hài hòa lợi ích, về quá trình tăng trưởng kinh tế, tình hình phát triển của các doanh nghiệp, nhất là phải đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 27/NQ-TW.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 có nhiều thuận lợi, khi bức tranh kinh tế - xã hội năm 2019 vừa báo cáo trước Quốc hội có nhiều điểm sáng. Đây chính là căn cứ quan trọng để thực hiện được Nghị quyết số 27/NQ-TW là đến năm 2020 tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

"Chúng tôi cho rằng mốc năm nay thực hiện là hợp lý, còn nếu nói không tăng lương tối thiểu vùng chỉ là nguyện vọng của doanh nghiệp nhưng khó có thể thực hiện", ông Quảng nhấn mạnh.

Trong khi hai mức đề xuất của phía đại diện người lao động và giới chủ "vênh" nhau khá lớn, thì phiên đàm phán cũng nhận được đề xuất của bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương quốc gia với mức đề xuất tăng khoảng 5,2%.

Trước những mức đề xuất còn gây tranh cãi giữa các bên, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng mức tăng bao nhiêu cần phải được các bên thương lượng, bàn bạc kỹ lưỡng. Thực tế, việc đưa ra các mức đề xuất khác nhau của mỗi bên là điều hoàn toàn bình thường, bởi vì các bên đều đưa ra những lập luận hợp lý.

Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng khẳng định, phiên họp hôm nay mới là sự khởi động. Trên cơ sở đó, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đại diện các bên gồm: nhà nước, giới chủ và người lao động sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các mức đề xuất, phối hợp cung cấp số liệu, tìm phương án kĩ thuật làm cơ sở để thống nhất được một mức lương tối thiểu hài hòa quyền lợi của các bên.

Dự kiến phiên họp tiếp theo của Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ diễn ra vào tháng7 tới.

Theo Vneconomy

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên