Từng bước phát huy giá trị di tích lịch sử

Cập nhật: 15-05-2018 | 08:29:08

Xác định rõ di tích lịch sử (DTLS) có giá trị to lớn trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, những năm qua, Bình Dương đã và đang phát huy vai trò của các DTLS trong việc giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, số lượng người đến với các DTLS còn ít, chính vì vậy UBND tỉnh đã tiến hành khảo sát, đưa ra những giải pháp để phát huy giá trị di tích.


Cựu chiến binh và những chiến sĩ bị địch bắt tù đày thắp hương tại Đài tưởng niệm DTLS Nhà tù Phú Lợi

Di tích cách mạng - bài học lịch sử sinh động

Bình Dương - vùng đất có nhiều di tích cách mạng phong phú, nơi lưu giữ tư liệu, thông tin giá trị về những sự kiện lịch sử quan trọng, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đơn cử như Di tích Nhà tù Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một), đây là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Nơi đây đã từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” với đủ loại cực hình tra tấn dã man, Nhà tù Phú Lợi do chế độ Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ xây dựng vào năm 1957 để giam cầm các chiến sĩ cách mạng yêu nước Việt Nam. Lưu giữ lịch sử, di tích Nhà tù Phú Lợi được xây dựng, phục dựng lại những dấu ấn xưa và đây cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc cho lớp trẻ. Em Nguyễn Ngọc Lan Anh, học sinh trường THPT chuyên Hùng Vương tâm sự: “Đến tham quan DTLS Nhà tù Phú Lợi, em cảm thấy tự hào về nơi mình sinh ra và lớn lên có một di tích lịch sử cấp Quốc gia, nơi thế hệ cha anh trải qua những ngày tháng gian lao nhưng vô cùng vẻ vang để giành độc lập dân tộc”.

Cùng với DTLS Nhà tù Phú Lợi, nhiều địa danh, DTLS liên quan đến những năm tháng chiến tranh cũng được các bạn đoàn viên thanh niên chọn để làm nơi tổ chức các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ như: Chiến khu Đ (huyện Bắc Tân Uyên), Địa đạo Tam giác sắt (TX.Bến Cát), Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh (Dầu Tiếng), Chiến khu Thuận An Hòa (TX.Thuận An)…

Theo chị Trần Thị Diễm Trinh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn. Qua mỗi đợt về nguồn, các bạn tham dự sẽ viết bài cảm nhận. Từ đó, giúp các bạn hiểu hơn về các địa danh lịch sử này, các bạn có dịp hiểu thêm về không khí sục sôi cách mạng thuở trước, bồi đắp lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm với đất nước…

Giải pháp để phát huy giá trị DTLS

Trong những năm gần đây, việc gìn giữ, chăm sóc các DTLS trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, chú trọng qua việc đầu tư, tôn tạo, xây dựng lại các DTLS. Điều đó giúp thế hệ trẻ thêm tự hào và am hiểu về lịch sử địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những DTLS của quê hương mình. Mặc dù đã nỗ lực bảo tồn nhưng trên thực tế các DTLS vẫn chưa phát huy hết được giá trị của nó. Theo tìm hiểu, các DTLS chủ yếu là học sinh, sinh viên, cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên đến tham quan theo chương trình của từng trường, từng đơn vị… còn số lượng người dân tìm đến di tích vẫn còn hạn chế.

Đem câu chuyện đưa người dân đến gần với di tích trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, ông nói, bạn bè ông, những người lớn tuổi hầu hết ai cũng đã đến tham quan Nhà tù Côn Đảo, Nhà tù Phú Quốc… còn các DTLS trong tỉnh thì chưa đến. Ông lý giải, những DTLS ở các tỉnh khác, du khách đi tham quan kết hợp với du lịch, còn DTLS trong tỉnh chưa kết nối được tour, tuyến du lịch. Nếu như Bình Dương có những tuyến du lịch kết hợp giữa tham quan di tích và các địa điểm ăn uống, vui chơi cho du khách sẽ thu hút người dân hơn. Còn theo những người quản lý các DTLS, số lượng du khách đến tham quan di tích vẫn còn ít. Nhiều người ghé thăm, đi một vòng, thắp nén nhang rồi ra về vì các di tích thiếu dịch vụ ăn uống. Ông Nguyễn Khắc Hạnh, quản lý tại Di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết khách tham quan đều hy vọng trong di tích có điểm ăn uống, nghỉ dưỡng. Những người ở xa đến đây tìm về lịch sử có thời gian dừng chân lâu hơn để cảm nhận lại những năm tháng đấu tranh của dân tộc.

Việc xây dựng, bảo tồn di tích, kết hợp với xây dựng khu dịch vụ phục vụ khách tham quan cũng là ý kiến được lãnh đạo Sở Kế hoạch -Đầu tư tỉnh đưa ra. Theo đó, khi quy hoạch xây dựng các khu DTLS cần có thêm khu dịch vụ phục vụ du khách, từ đó sẽ kéo được đông người dân đến với các địa chỉ đỏ. Đó là cách để phát huy hết giá trị của di tích, bởi di tích xây dựng không chỉ để bảo tồn.

Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin, trong thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên bảo tồn, bổ sung tư liệu, hoàn thiện phương án trưng bày nhằm phát huy tối đa giá trị của các DTLS. Bên cạnh đó, nghiên cứu, bố trí dịch vụ ăn uống phục vụ du khách, kéo du khách đến với DTLS theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh hỗ trợ các công ty lữ hành xây dựng tour du lịch lịch sử.

Toàn tỉnh hiện có 55 di tích, trong đó 12 di tích cấp quốc gia, 43 di tích cấp tỉnh. Từ năm 1998 đến nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, nhiều di tích được trùng tu, phục dựng, tôn tạo bằng nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích của Trung ương và ngân sách tỉnh.

 

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên