Xã Lạc An (Tân Uyên): Nghề đan lát truyền thống sang trang

Cập nhật: 20-01-2014 | 00:00:00

Cùng với việc gắn bó với ruộng, vườn... người dân xã Lạc An (Tân Uyên) còn tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, lực lượng lao động nhàn rỗi để sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống đan lát, mang đậm nét văn hóa của địa phương. Theo thời gian, làng nghề đan lát dần dần sang “trang mới”, cũng từ kỹ thuật đan lát, người dân Lạc An chuyển sang vót nan, đan lồng chim, cung ứng thị trường.  

Nghề vót nan lồng chim tận dụng nguồn lao động lớn tuổi, giúp họ tăng thu nhập cho gia đình

Nghề đan lát - một thời hưng thịnh

Có dịp đến Lạc An, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ ông, cụ bà cần mẫn ngồi đan quạt, thúng, mẹt... Xuất hiện từ hơn 50 năm về trước, từ lâu các sản phẩm đan lát của Lạc An đã trở nên quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của người dân trong tỉnh, cũng như với các tỉnh lân cận. Cũng như các nghề thủ công khác, nghề đan lát lúc đầu chỉ mang tính bổ trợ, kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn, hay phục vụ sinh hoạt sản xuất. Về sau, nghề phụ đan lát từ chỗ chỉ phục vụ nhu cầu riêng đã trở thành hàng hóa để trao đổi, mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho người dân. Nhiều gia đình theo nghề, phát triển ngành nghề đã có cuộc sống ổn định, con cháu được đến trường. Ông Phạm Văn Thịnh (ấp 4, xã Lạc An), người có hơn 15 năm theo nghề đan quạt, cho biết: “Nhà tôi có 6 người, đều có thể làm được nghề. Nhờ theo nghề, chúng tôi có nhà cửa khang trang, cuộc sống khấm khá. Lúc đầu, những người lớn trong nhà, thời gian rảnh ngồi đan kiếm thêm thu nhập, trẻ nhỏ phụ giúp gia đình tước lá quạt, phơi quạt. Ngày ấy, quạt, thúng bán rất nhanh, làm đến đâu bán hết đến đó, nên từ nghề phụ nhiều người mở rộng sản xuất và chọn làm nghề chính của gia đình”.

Việc học nghề đan lát khá nhanh chỉ mất khoảng từ 1 - 3 ngày là thạo việc, nên nhiều người cũng đã thử làm và “nghiện” khi chính đôi tay mình tạo ra những sản phẩm đẹp. Trong nghề đan lát, công đoạn khó khăn nhất chính là việc chọn nguyên liệu. Nguyên liệu chủ yếu là nứa để đan thúng, mẹt… Nứa già làm cạp, nứa vừa làm nan, nứa non phải chuốt nan rất mỏng để tết hoa, các họa tiết trang trí. Đây là nghề đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo thực sự. Kỹ thuật chẻ nan yêu cầu phải biết lách con dao sao cho độ dày mỏng thật đều, thật phẳng thì đan mới đẹp, phải biết chọn từng cái cật, dẻo cùng dẻo, cứng cùng cứng. Đã thế, nguyên liệu cũng phải được bảo quản cẩn thận ở chỗ cao ráo, tránh mục mọt. Lá dùng để làm quạt phải không giập nát, úa màu hay quá khô thì mới cho ra được sản phẩm đẹp.

Hiện nay, do khách hàng ngày càng kén chọn sản phẩm nên chỉ sau khi tìm được mối, chủ vựa mới dám cho triển khai đan lát theo đơn đặt hàng, tránh tồn hàng, đọng vốn. Điều này đã khiến cho các gia đình không còn chủ động trong công việc của mình, vì vậy nên họ thu nhập rất bấp bênh. Bên cạnh đó, cùng với quá trình đô thị hóa, nguồn nguyên liệu thiếu nên làng nghề đi xuống. Bên cạnh đó, sản phẩm nhựa ngày càng phổ biến, với mẫu mã đa dạng, gọn nhẹ, tiện lợi đã khiến cho nhu cầu sản phẩm từ tre, trúc... giảm xuống, nghề đan lát bước vào giai đoạn thoái trào. Ngoài ra, lực lượng thợ thủ công đan lát cũng giảm sút nhanh, do thanh niên thường thích làm công nhân tại các nhà máy hơn là gò lưng với nghề thủ công truyền thống.

Lối đi mới cho nghề đan lát

Mặc dù làng nghề đan lát không còn hưng thịnh, nhưng những người đã gắn bó cả cuộc đời với nghề vẫn không từ bỏ làng nghề. Họ luôn tìm cho nghề hướng đi mới để có thể tiếp tục “thỏa” niềm đam mê đan, vót. “Cánh cửa” mới làng nghề đan lát đó là vót nan lồng chim và đan lồng chim. Kế thừa những hiểu biết, kỹ thuật trong vót và đan thúng, mẹt, người dân Lạc An vận dụng làm nan lồng chim. Hiện nay, phong trào chơi chim cảnh của người dân trong và ngoài tỉnh càng cao, người dân Lạc An như “mở cờ trong bụng”, bởi sản phẩm làm ra dễ dàng tiêu thụ. Ông Trịnh Văn Tuế, ấp 4, xã Lạc An, nói: Làng nghề đan lát đã “sống chung” với gia đình tôi hơn 30 năm. Nhờ nghề, chúng tôi có của ăn của để. Do đó, dù thu nhập không cao, chúng tôi vẫn quyết giữ nghề. Bên cạnh đan lát, chúng tôi vót thêm nan lồng chim để vừa giữ nghề, vừa có thêm thu nhập. Gia đình tôi chủ yếu vót nan sau đó giao lại cho các hộ, các cơ sở đan lồng chim.

Để vót được những chiếc nan đều đẹp, đan được lồng chim chắc chắn, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, người dân Lạc An đã rỉ tai nhau những bí quyết riêng. Theo đó, khâu chọn tre: Tre phải chọn ở tuổi đang phát triển, thường là 3 mùa trở lên, phải là tre rừng, “thịt” đanh. Sau đó là một loạt phương cách gia truyền từ ngâm tre, luộc tre, thậm chí là… nướng tre để cho ra những nan lồng đạt độ chuẩn về khả năng chống mối mọt; sự tinh tế, trau chuốt về sắc màu, đường nét. Hiện nay, với nghề vót nan, thu nhập bình quân mỗi người từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày, tùy thuộc vào lượng nan vót được. Các sản phẩm nan hoàn thành được các cơ sở đan lồng chim tại Đồng Nai thu gom. Nhiều gia đình không giao nan thô mà tự mình đan lồng để bán. Do chưa có kinh nghiệm trong đan lồng chim nên những chiếc lồng do các hộ dân tại đây đan ra giá thành chưa cao. Tuy nhiên, họ luôn nỗ lực học hỏi để “cải cách” những yếu kém, tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phó Chủ tịch UBND xã Lạc An Hà Đăng Chiếm, nói: Người dân trong xã hiện đã chuyển từ đang quạt, thúng sang làm nan lồng chim. Nghề này đã góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, tận dụng được lao động lớn tuổi. Để tạo điều kiện cho người dân duy trì, phát triển nghề, xã đã hỗ trợ vốn. Ngoài ra, UBND xã còn khuyến khích các hộ dân vừa làm nghề đan lát, vừa sản xuất nan lồng chim, kết hợp với tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập, vươn lên khá, giàu.

• THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên