Xã Phú Chánh (Huyện Tân Uyên): Khó khăn về quỹ đất khi xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 03-12-2012 | 00:00:00

Xã Phú Chánh, huyện Tân Uyên, là một trong những xã sẽ đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2015. Đảng bộ và nhân dân địa phương xác định xây dựng kết cấu hạ tầng là khâu đột phá trong xây dựng NTM của xã. Tuy nhiên, để hoàn thành tiêu chí này, hiện Phú Chánh đang gặp khó khăn về quỹ đất.

Cuối năm 2009, Phú Chánh đã có sự chia tách về địa bàn và bàn giao diện tích 1.106 ha cho 2 phường mới của TP.Thủ Dầu Một là Phú Tân và Hòa Phú. Do vậy, một số hạ tầng cơ sở của xã như chợ Phú Chánh A, trường học, bưu điện văn hóa và khu dân cư được xây dựng hiện đại trước đây đều đã thuộc về Hòa Phú và Phú Tân. Trụ sở UBND xã hiện hữu thì chật hẹp, cơ sở vật chất gần như không có gì và phải làm lại từ đầu. Đơn cử như Trạm y tế được xây dựng từ năm 1978 và hiện đã xuống cấp trầm trọng. Tất cả các vách tường của các phòng đều bị nứt và bị thấm nước. Nhiều phòng mái xập xệ, hư dột, không bảo đảm an toàn, cần phải xây dựng mới để đạt chuẩn quốc gia.  

 Trạm Y tế xã Phú Chánh hiện đã xuống cấp trầm trọng, cần đầu tư xây dựng mới. Trong ảnh: Phòng Đông y của Trạm Y tế xã bị hư hỏng nặng

Như vậy, để đáp ứng những nhu cầu hết sức cần thiết trong đời sống cho bà con trong xã cũng như xây dựng thành công chương trình NTM thì Phú Chánh sẽ phải xây dựng lại toàn bộ hạ tầng cơ sở và đòi hỏi phải có quỹ đất. Trong khi đó, quỹ đất công của xã gần như không còn. Trao đổi với chúng tôi, bà Mạc Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch xã Phú Chánh, cho biết: “Hiện tại, các em học sinh của xã đang phải đi học nhờ ở phường Hòa Phú. Vì chưa có trường mẫu giáo nên các em bé chủ yếu được trông giữ tại nhà và chỉ được ra lớp lá trước khi vào lớp 1. Còn nếu phụ huynh muốn cho con em mình đến trường mẫu giáo thì phải đưa bé ra TP.Thủ Dầu Một, vừa xa vừa cực cho cả em bé và phụ huynh, chưa nói đến không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa bé đến trường xa như vậy. Do đó, nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho xã là phải nhanh chóng xây dựng trường học cho con em học sinh và khu trung tâm văn hóa để có nơi cho bà con sinh hoạt”.

Để có đất xây dựng trường học và trung tâm văn hóa, bà Thảo cho biết Phú Chánh phải giải tỏa và đền bù đất cho bà con, mặc dù bà con trong xã rất đồng thuận, sẵn sàng ủng hộ và Đảng bộ xã cũng quyết tâm thực hiện nhưng cũng phải mất một khoảng thời gian. Mới đây, UBND xã Phú Chánh cũng đã trình UBND huyện Tân Uyên thông qua đồ án xây dựng trường học và trường mầm non cho con em tại ấp Phú Bưng. Nếu hoàn thành được tiêu chí số 5 (trường học) thì Phú Chánh cũng cần một khu đất rộng để xây dựng chợ (tiêu chí số 7), với đủ các tiêu chuẩn của một chợ NTM. Bà Thảo cho biết, khu đất để xây dựng chợ cũng đã được chọn và quy hoạch với diện tích 0,38 ha ở ấp Phú Thọ, nhưng trước khi ngôi chợ này được xây dựng thì nhân dân trong xã vẫn phải họp chợ tạm hoặc đi chợ xa.

Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trừ, Chủ tịch UBND xã Phú Chánh, cho biết: “Trong 19 tiêu chí thì Phú Chánh hiện đã đạt được khoảng 10 tiêu chí. Có thể nói Phú Chánh có nhiều lợi thế để xây dựng thành công chương trình NTM, bởi nằm cạnh các khu công nghiệp và ngay trên địa bàn xã cũng đang hình thành Cụm công nghiệp Phú Chánh 1 với diện tích 139 ha. Một số công trình của tỉnh cũng được xây dựng tại đây, như Trung tâm văn hóa, Bệnh viện lao… nếu những công trình này hoàn thành đưa vào hoạt động thì sẽ kéo theo việc xây dựng đường sá và khi ấy Phú Chánh sẽ có lợi thế lớn để hoàn thành các tiêu chí còn lại, như phát triển công nghiệp - dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo đà cho kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ được nâng lên”.

  PHƯƠNG AN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên